, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/11/2022, 10:39

Nhớ món bánh đúc của bà

TRƯƠNG THÚY
Hôm trước thấy người bạn ở quê đăng lên facebook hình ảnh nồi bánh đúc mà chợt nhớ bà nội quá chừng...
Ảnh minh họa. 

Những ngày mưa, bà nội thường xay gạo để nấu bánh đúc đãi cả nhà. Chiếc cối đá đặt nơi đầu hồi thi thoảng lại được dịp quay tròn những vòng quay ì ì chầm chậm. Gạo ngâm được đổ lên cối, đổ thêm chút nước. Bà nắm tay vào chiếc tay cầm chầm chậm quay. Trông đơn giản vậy thôi nhưng là công đoạn cần sự kiên nhẫn, khéo léo để bột được “đẹp”. Bằng chứng là có lần chị em tôi muốn nhanh đã hợp sức lại giúp bà khiến mặt cối bị kênh, bột ra không được mịn, bà phải xay lại lần nữa. 

Xay xong bột, bà sẽ cho vào một chút nước vôi trong, bảo là để cho bánh được giòn. Sau đó bà nhóm bếp, bắc nồi bột lên rồi dùng đôi đũa cả quấy đều tay, vừa quấy vừa chỉnh lửa. Khi nấu, bà chăm chú lắm. Dường như tâm trí bà dồn cả vào nồi bánh. 

Đều tay khuấy nhẹ nhàng đến khi bột có màu trong, dần dẻo đặc lại thì bà bê đổ một nửa ra chiếc mẹt đã được lót sẵn lá chuối rồi nhanh tay lấy đũa cả dàn đều ra mẹt. Nửa còn lại, bà đặt lên bếp khuấy thêm chút nữa cho nóng rồi trút bát lạc đã nấu chín vào, lại khuấy đều tay. Tới khi cảm thấy dưới đáy nồi có một lớp đóng lại bà mới bắc đổ ra chiếc mẹt khác đã được lót lá chuối chờ sẵn, cũng dàn đều. Lần nào nấu bánh đúc bà cũng đều làm hai phần: bánh đúc trắng và bánh đúc lạc để chiều theo sở thích riêng của tất cả thành viên trong nhà.

Bà úp ngược nồi xuống nền đất để phần cháy dưới đáy nồi nhanh khô lại và dễ lấy. Đó là lí do chị em tôi luôn quanh quẩn bên bà chờ đợi. Bà thừa biết điều đó nên lần nào nấu bánh đúc cũng cố tình để lửa già một chút tạo phần cháy dưới đáy nồi cho mấy đứa cháu được “mở hàng” trước, bõ cơn thèm thuồng. 

Khi bánh nguội sẽ đông cứng lại, cầm không dính tay là lúc có thể thưởng thức. Bánh đúc chấm với mắm tôm thì ngon hết xẩy nhưng tôi còn thích món bánh đúc chan riêu của bà. Bánh đúc trắng bà sẽ cắt sợi to bằng ngón tay út để chan với riêu. Nồi riêu bà nấu chỉ có mớ cá đòng đong, tép riu ông đơm lờ ngay con mương trước nhà, thêm đôi quả chay hái trong vườn mà sao ngon đến lạ. Chao ôi, vị chua chua từ chay, vị thơm từ cá tép, vị bùi từ bánh đúc quyện cả lại với nhau mê hoặc vị giác khiến tôi nhiều khi ăn liền tù tì mấy bát. Đến khi no rồi mà miệng vẫn thòm thèm muốn ăn thêm nữa. 

Chẳng thế mà lần nào nấu bà cũng tính nấu dư dư chút mà rồi lần nào cũng hết sạch. Cả nhà ngồi quây quần một lúc là chỉ còn lại mẹt lá chuối không. Bà cười hiền từ, thấp thỏm nhắc "lần sau xay nhiều gạo thêm chút nữa”. 

Tôi lớn lên, đi học rồi lập nghiệp xa quê. Bà tôi cũng đã trở thành người thiên cổ. Có lúc nhớ bà, nhớ món bánh đúc ngày xưa, tôi cũng mày mò nấu nhưng chẳng bao giờ được đúng vị như bánh đúc của bà - vị yêu thương mà bà gửi gắm, nâng niu. Một niềm rưng rưng dâng trào khôn tả. 

“Bà ơi!”

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất