, //, :: GTM+7

Nhớ nồi bún riêu nha của nội

MAI HỒNG LÂM
Quê tôi nằm trên một bãi bồi bên sông Trường Giang (Quảng Nam) xanh mát quanh năm. Con sông đã gắn liền với tuổi thơ của tôi, với đời sống của bao người dân nghèo quê tôi. Con sông như dòng sữa mẹ, cung cấp nguồn cá tôm vô tận, cung cấp nguồn phù sa màu mỡ cho những đồng lúa trĩu vàng, cho bốn mùa hoa sai trái ngọt...
Hình minh họa.

Với tôi, dòng sông trước hiên nhà đã đi vào máu thịt với những kỷ niệm êm đềm. Từ bên nhà tôi nhìn sang bên kia sông là cả một rừng dừa nước xanh ngút ngàn. Quê tôi nhà nào cũng dùng những tàu lá dừa nước kết lại thành phên hay tấm lợp nhà che mưa, che nắng. Rừng dừa nước đã gắn bó với tôi khi tôi chập chững biết cầm mái chèo khua nước đưa nội tôi sang sông đi bắt con nha về làm bún riêu nha...

Con sông vẫn còn đây với dòng chảy muôn đời, rặng dừa nước xanh tươi vẫn còn đó với sức sống mãnh liệt nhưng nội tôi đã không còn nữa. Mỗi lần về lại quê nhà, bắt gặp cái màu xanh thân thuộc của rừng dừa nước bên kia sông, tôi lại chạnh lòng nhớ đến nội, nhớ đến món bún riêu nha mà nội nấu cho chúng tôi ăn năm nào.

Khi tôi 12 tuổi và đủ sức khua chèo, tôi thường thay ông đưa bà nội qua đám dừa nước bên kia sông bằng chiếc ghe bầu của gia đình. Đến nơi, nội bảo tôi khua chèo nhè nhẹ rồi nội lần theo từng cây dừa nước, giở từng chiếc bẹ dừa để xem. Thỉnh thoảng, tôi thấy nội lấy một cái xiên tre dài nhọn chọc vào bên trong những chiếc bẹ dừa. Khi nội rút que ra, có con gì đó giống như con cua nhỏ ngọ nguậy. Nội nhẹ nhàng gỡ từng con một cho vào giỏ tre.

Tôi tò mò hỏi nội, nội bảo đó là con nha. Con nha cùng loài với cua, ghẹ, còng; cũng có 8 cẳng, 2 càng nhưng nhỏ hơn con cua nhiều, con trưởng thành to nhất chỉ bằng cỡ ngón chân cái, thân mềm màu xanh đen, có nhiều lông tơ và chỉ sinh sống ở những vùng có cây dừa nước mà thôi. 

Con nha bắt về, nội rửa sạch rồi trụng sơ qua nước sôi để lông tơ rụng bớt. Sau đó cho vào cối giã nát thành một hỗn hợp màu đen đặc sánh, sền sệt pha lẫn với màu vàng của gạch và trứng nha. Khi những con nha đã nát nhừ, nội vét sạch cối rồi cho tất cả vào nồi nước đang sôi ùng ục trên bếp. Nội cời than, cho thêm củi để nồi nước riêu nha mau sôi lại. Thỉnh thoảng, nội lấy đũa tre khuấy đều. Khi nồi nước sôi, nội dùng vá vớt bọt và vỏ nha bỏ đi.

Lúc này mùi thơm của nồi riêu nha lan toả khắp nơi, đặc quánh cả không gian chiều tà bên bến sông. Hít hà cái mùi thơm ấy, bụng tôi cứ cồn cào một cảm giác thèm ăn kinh khủng. Nhấc nồi riêu nha xuống, nội cho vào đó ít mắm cái cá cơm và một ít gia vị cần thiết, thêm vài cọng rau thơm như ngò gai, ngổ điếc, ngò... Chỉ có thế thôi nhưng nồi riêu nha của nội ngon một cách lạ thường.

Thú thật, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên mùi vị không lẫn vào đâu được của những nồi riêu nha năm nào. Vị ngòn ngọt nơi đầu lưỡi của con nha giã nát, vị mằn mặn đậm đà của mắm cá cơm, mùi thơm dịu của các loại rau thơm... hoà lẫn vào nhau tạo nên một món ăn hết sức tuyệt hảo. Ăn bún riêu nha nhất thiết phải có các loại rau ăn kèm và vài quả ớt xanh mới đúng điệu. Những thứ rau dân dã có sẵn trong vườn nhà hoặc mọc ở những bờ ruộng ven sông như: bắp chuổi xắt mỏng, cọng rau muống chẻ nhỏ, đọt hoa súng, rau má, rau kinh giới, tía tô... Chao ôi là ngon!

Cứ như thế, tuổi thơ anh em chúng tôi êm đềm trôi qua với những ký ức khó quên bên dòng sông thơ mộng hiền hoà, với những rặng dừa nước xanh tươi quanh năm soi bóng nước, với những buổi chiều tà bên ngọn đèn dầu và bếp lửa ấm cúng cả nhà ngồi quây quần bên nồi bún riêu nha dậy mùi thơm của nội... 

Nội tôi không còn nữa, ba mẹ tôi cũng đã già, anh em chúng tôi lớn lên mỗi đứa một phương vất vả bươn chải với bao toan tính đời thường. Thỉnh thoảng tôi cũng tạt về quê thăm nhà, thăm gia đình, thắp cho nội nén hương. Mỗi lần như thế mắt tôi lại cay xè, rưng rưng nhớ đến nội, nhớ đến món riêu nha dân dã mà nội đã nấu cho chúng tôi ăn năm nào. Có đôi lúc, tôi cũng muốn tìm lại chút hương vị ngày xưa với tô bún riêu cua nơi hàng quán; tuy cũng ngon, chế biến cầu kỳ nhưng không thể nào ngon bằng nồi bún riêu nha của nội.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất