, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 12/07/2018, 14:11

Nhớ rặng tre xưa

PHÚC LỘC

Tre là chiến lũy bảo vệ xóm làng. Từ thời khai hoang, ông cha ta đã dùng tre để chống lại thú dữ. Thời chống Pháp nhân dân ta dùng tre làm vũ khí đánh giặc. Tre còn dùng để làm nhà, bắt cầu, đan thúng, rỗ, nia, sàng và nhiều vật dụng trong gia đình.

Con đường có bóng tre xanh
Những bờ tre xanh

Nhiều gia đình còn trồng tre để lấy măng. Măng tre là món ăn phổ biến của người Việt. Nói đến tre là nói đến hồn quê. Bên rặng tre xanh thường thấp thoáng những ngôi chùa hoặc mái nhà tranh. Chính vì vậy mà tre đã đi vào thơ ca, nhạc, họa:

                      Ngày đi trúc chửa mọc măng

                      Ngày về trúc đã  cao bằng ngọn tre (CD).

        Hoặc     Quê hương là cầu tre nhỏ (Thơ)

Trong bài “Cây tre Việt Nam” nhà báo Thép Mới đã viết “Dưới bóng tre xanh ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời”.

Thời thơ ấu, mỗi năm đến dịp nghỉ hè, lũ trẻ thường hay nô đùa dưới những tàn cây râm mát hoặc men theo các bờ tre dọc hai bên mương, rạch để câu cá, bắt ốc hoặc chơi nhà chòi thật thích thú. Thuở ấy, quê ngoại tôi trồng rất nhiều tre, tre đầu làng, tre cuối ngõ, tre giăng giăng khắp xóm.

Tre hiền hòa và trầm lặng, tre đun đưa rải lá vàng xoay tít trong gió trước khi rơi xuống ao hồ, sông rạch. Những đêm rằm, ánh trăng vằng vặc toả xuống mênh mang như những tấm lụa vàng lấp lánh vắt ngang bờ tre lung linh và huyền ảo như những ngôi vườn cổ tích.

Những lúc đó, chúng tôi tay nắm tay nhau tung tăng đùa giỡn dưới ánh trăng một cách hồn nhiên vô tư lự. Đứa cút bắt, đứa chơi trốn kiếm. Bọn con gái thường nhảy dây hoặc chơi trò mèo bắt chuột. Mỗi lần gió thổi mạnh, lá tre cất lên xào xạc, thân tre vặn mình chạm nhau nghe răn rắc, có lúc kêu kẻo cà kẻo kẹt như tiếng đàn cò làm cả bọn giật mình ôm nhau cười rũ rượi.

Cây tre tượng trưng cho sự thanh cao và khí tiết. Nhà thơ Tô Đông Pha đã hạ bút: “Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc” (Thà ăn cơm thiếu thịt chứ không thể nhà không trồng tre trúc). Ngoài ra, cây tre cũng có nhiều điều bí ẩn mà cho tới nay con người vẫn chưa lý giải được. Đó là đời tre chỉ có một lần trổ hoa, gọi là hoa tre. Đáng buồn là sau khi hoa tàn, cây tre ấy lại giã từ cõi đời.

Những bờ tre ở làng quê
Những con đường làng quê phủ bóng tre xanh

Càng lớn lên tôi càng gắn bó với bờ tre yêu thương vì bóng tre dịu hiền như một bà tiên đang thổi vào lòng tôi những luồng gió mát. Trong ký ức của tôi luôn có hình ảnh của một bà ngoại sáng nào cũng khòm lưng quét lá khô xột xoạt dưới rặng tre già.

Tôi càng không thể quên được những kỷ niệm vui buồn của một thời niên thiếu, bạn bè thuờng rủ nhau bắn đạn hoặc thảy lỗ dưới hàng tre râm mát, có khi mê chơi, đến lớp trễ giờ, bị thầy bắt quỳ gối. Ôi, cuộc sống tuổi thơ sao mà hồn nhiên và vô tư lự đến thế! Bây giờ nghĩ lại mà thương mà tiếc nuối cho những năm tháng tuyệt vời của tuổi thơ thánh thiện.

Nhớ năm xưa, ba tôi thường ra các bờ tre chặt những cây thật suôn, cắt ra từng khúc, chẻ nan bện cho tôi chiếc lọp cá, làm cái chà di đuổi chuột hoặc cái lồng nuôi chim cu, tôi mừng như vừa nhận được quà. Giờ đây, mỗi lần đi ngang qua các bở tre dọc theo các đường làng, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ đến những kỷ niệm êm đềm của ngày xửa ngày xưa. Vậy mà thoáng cái những kỷ niệm đó đã đi vào quá khứ xa xăm...

Hình ảnh của những bụi tre, khóm trúc, bờ ao, đặc biệt là những nhịp cầu tre lắt lẻo lúc nào cũng có sẵn trong tôi như một góc tâm hồn của người con xa quê. Mỗi lần có dịp về quê tôi lại thẩn thờ đi tìm những rặng tre xưa. 

Hạnh phúc thay, dọc theo những con đường làng ở khắp miền Hậu Giang và vùng Bảy Núi An Giang giờ đây đang mọc lên nhiều quán võng đong đưa dưới những rặng tre già giữa một vùng quê yên ắng, thanh bình và tươi đẹp, giúp mọi người có dịp sống lại với những kỷ niệm tuyệt vời của một thời ấu thơ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất