, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 30/08/2020, 19:39

Nhộn nhịp mùa thu hoạch cây ăn trái ở Lâm Hà

Theo HOÀNG SA - THÂN HIỀN (baolamdong.vn)

Khi những vườn cà phê bắt đầu bước vào giai đoạn kết trái thì cũng là lúc người dân ở huyện Lâm Hà bắt tay vào thu hoạch bơ, sầu riêng, hồng, cam đường canh… Ở đây, việc phát triển cây ăn trái từ trồng xen vườn cà phê đến trồng chuyên canh đều cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả.

 

Phát triển cây ăn trái giúp người dân Lâm Hà thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha
Phát triển cây ăn trái giúp người dân Lâm Hà thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha
 
Những ngày này, nông dân trên địa bàn huyện Lâm Hà lại tất bật bước vào mùa thu hoạch trái cây chín rộ nhất trong năm. Các điểm bán trái cây ven đường xuất hiện nhiều hơn. Các nhà vườn thì luôn nhộn nhịp từ sáng sớm vì nông dân phải thu hoạch cho kịp các chuyến xe chở trái cây đi đến các vùng miền khác tiêu thụ.
 
Mặc dù sản lượng năm này tăng mạnh, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên giá cả nhiều loại trái cây xuống thấp. Tuy vậy, nông dân địa phương vẫn có mức thu nhập ổn định. 
 
Đưa chúng tôi vào thăm vườn, anh Nguyễn Quang Long (thôn Nam Hưng, xã Hoài Đức) hồ hởi chia sẻ: “Nếu không có cây bơ Booth thì mấy vụ cà phê vừa qua không ăn thua vì giá xuống quá thấp. Vườn nhà tôi có 200 cây bơ Booth 6 năm tuổi xen với cà phê hơn chục năm. Hơn 2 năm qua, cây bơ cho trái với sản lượng rất ổn định”.
 
Cũng theo anh Long, những năm trước gia đình anh chỉ tập trung phát triển 2 ha cà phê và mọi nguồn thu nhập đều dựa cả vào loại nông sản này. Khi giá cà phê xuống thấp, nguồn thu về chỉ đủ gia đình chi trả các khoản về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền công chăm sóc. Từ năm 2014, anh bắt đầu trồng xen bơ vào vườn cà phê 2 ha và đến 2018 thì tiếp tục trồng thêm sầu riêng. 
 
“Bây giờ tiền bán cà phê dành cho các chi phí sản xuất, còn lại, tiền thu từ quả bơ xem như lãi ròng. Trung bình 1 ha cà phê cho thu về khoảng 100-120 triệu đồng. Nhưng nếu trồng thêm 100 cây bơ thì nguồn thu nhập được cải thiện thêm. Bơ hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt nên mỗi ha có thể thu về khoảng 15 tấn trái. Riêng vụ bơ năm nay, gia đình anh đã bán sỉ cả vườn từ lúc quả mới bắt đầu già cho thương lái để thu về 300 triệu đồng” - anh Long cho hay.  

 

Ngoài các loại cây trồng truyền thống, nông dân Lâm Hà mạnh dạn đưa cây cam đường canh vào canh tác tại địa phương
Ngoài các loại cây trồng truyền thống, nông dân Lâm Hà mạnh dạn đưa cây cam đường canh vào canh tác tại địa phương
Ghi nhận tại các xã thuộc huyện Lâm Hà như Tân Hà, Tân Thanh, Hoài Đức, Đan Phượng…, việc trồng xen cây ăn trái trong vườn cà phê đến trồng chuyên canh gần như không còn xa lạ với người dân. Các hộ nông dân nơi đây cũng đang chủ động liên kết sản xuất những vườn cây ăn trái lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm. 
 
Từ sự thành công của mô hình trồng cam đường canh đầu tiên tại xã Đan Phượng của gia đình anh Trần Minh Chiến, đến nay, diện tích vùng cam đường canh tại khu vực xã Đan Phượng và các xã lân cận nâng lên 40 ha, hình thành “thủ phủ” cam đường canh nổi tiếng trên đất cà phê. Mỗi ha cam đường canh cho sản lượng 20-25 tấn quả/năm, mang lại thu nhập cho người nông dân lên cả tỷ đồng. 
 
Tuy huyện Lâm Hà đang phát triển mạnh về cây ăn trái và mỗi năm đạt sản lượng ngày một lớn nhưng việc tiêu thụ chủ yếu là buôn bán tự do, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Chính vì vậy, đầu tháng 11/2017, Hợp tác xã (HTX) Trái cây Bốn mùa đã được thành lập tại xã Đan Phượng với 7 thành viên, diện tích là 50 ha. Anh Nguyễn Tiến Đa - Tổ trưởng tổ bơ HTX Trái cây Bốn mùa cho biết: Ngoài cam đường canh, các hộ còn trồng các loại bơ, xoài, sầu riêng, bưởi, hồng. Trong đó, có 36,7 ha diện tích của HTX đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ, sử dụng phân, thuốc đúng tiêu chuẩn, cách ly đủ ngày trước khi thu hoạch. Tên gọi Trái cây Bốn mùa nghĩa là sản phẩm cung ứng quanh năm cho thị trường. 
Từ năm 2018, tất cả các mặt hàng trái cây của HTX mang ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người dùng được cung cấp đầy đủ đặc tính sản phẩm, nơi sản xuất, đến hộ sản xuất, ngày xuất bán… Hiện, ngoài các thị trường chợ truyền thống, HTX đang cung ứng cho nhiều cửa hàng trái cây sạch tại TP Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart.
 
Không những đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên, HTX Trái cây Bốn mùa còn là “bà đỡ” cho sản phẩm trái cây trên địa bàn toàn huyện Lâm Hà khi chắp cánh, đưa hàng ngàn tấn trái cây của huyện vươn xa đến khắp các thị trường trong nước. 
 
Ông Vũ Bá Yêu – Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện có khá nhiều loại trái cây được đánh giá là có chất lượng và năng suất khá cao được người dân chọn lựa đưa vào canh tác. Hiện, nông dân cũng đang hướng tới sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP hữu cơ nhằm áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt. Đồng thời, không ngừng tìm tòi, thử nghiệm những giống trái cây mới để tạo thêm sự phong phú cho nông sản địa phương như nhãn, bưởi… 
Toàn bộ trái cây của HTX Trái cây Bốn mùa bán ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc
Toàn bộ trái cây của HTX Trái cây Bốn mùa bán ra thị trường đều được gắn tem truy xuất nguồn gốc
Hiện, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đang dần tiếp cận, áp dụng các phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh như điều khiển các thiết bị tưới qua phần mềm cài đặt trên điện thoại, sử dụng men vi sinh chăm sóc cây trồng… Từ đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm các chỉ tiêu an toàn cho sản phẩm và sức khỏe người dân.

Theo HOÀNG SA - THÂN HIỀN (baolamdong.vn)

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất