, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 18/01/2021, 13:49

Những bài học từ sự tăng trưởng xuất khẩu gỗ

TUẤN ANH

Năm 2000 Việt Nam bắt đầu đặt chân vào thị trường đồ gỗ thế giới với giá trị xuất khẩu đạt 200 triệu USD. Đến 2019, giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã đạt tới 11,3 tỷ USD. Năm 2020 dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ đạt khoảng 13 tỷ USD. Hiện nay sản phẩm lâm sản của Việt Nam đã có mặt tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, giúp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc và là một trong 5 nước xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới.

Đâu là nguyên nhân khiến ngành gỗ Việt Nam đạt được bước tiến thần kỳ trong 20 năm qua, từ con số 0 đến có hơn 5.600 doanh nghiệp khai thác, sản xuất, chế biến gỗ với thương hiệu được quốc tế thừa nhận?

Nhiều nhà chế biến gỗ lớn của thế giới tin tưởng đặt Việt Nam gia công sản phẩm tinh xảo xuất khẩu.
Nhiều nhà chế biến gỗ lớn của thế giới tin tưởng đặt Việt Nam gia công sản phẩm tinh xảo xuất khẩu.

Đảm bảo vùng rừng nguyên liệu cho phát triển bền vững

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong tháng 10/2020 thiết lập kỷ lục mới: đạt 1,28 tỷ USD, tăng tới 11,7% so với tháng trước đó và tăng 23,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,056 tỷ USD, tăng 14,6% so với tháng trước đó và tăng 41,33% so với tháng 10/2019.

10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đạt gần 9,782 tỷ USD, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,463 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, ngoài việc liên tục lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG so với cùng kỳ những năm gần đây. Đóng góp vào thành tích này chủ yếu nhờ vào mức tăng trưởng ấn tượng tại thị trường số 1 là Hoa Kỳ, đạt trên 5,57 tỷ USD, tăng tới 32,91% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 57% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của cả nước.

Có thể nói, hoạt động xuất khẩu G&SPG thực sự là một điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong bối cảnh tiêu dùng hàng hóa không thiết yếu toàn cầu sụt giảm do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19, đặc biệt tại hai thị trường chủ lực là Hoa Kỳ và châu Âu. Trong 15 ngày đầu tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu G&SPG đạt 514,78 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của toàn ngành đạt 10,28 tỷ USD.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc xây dựng nguồn nguyên liệu đảm bảo đáp ứng đủ các yêu cầu của đối tác quốc tế trong xuất khẩu gỗ là yếu tố cốt lõi giúp ngành gỗ phát triển ổn định với mức tăng trưởng mười mấy phần trăm trong một thời gian dài và tăng mạnh trong 2, 3 năm trở lại đây. Có thể thấy nhiều năm vừa qua chúng ta dần chủ động được nguồn nguyên liệu, bắt đầu với nguồn cây gỗ tràm, cây keo (Cacia). Một diện tích lớn quy hoạch trồng cây cao su sau chu kỳ khai thác mủ cũng đưa vào sản xuất. Các diện tích tăng trưởng rừng trồng hàng năm cũng góp phần duy trì sự ổn định của nguồn nguyên liệu. Từ 28% mật độ che phủ rừng (đầu những năm 1990) đến nay đã đạt trên 40%. Tổng diện tích rừng đã đạt tới con số trên 14 triệu héc-ta. Chính phủ cũng đưa ra nhiều quyết sách và chính sách cổ vũ các doanh nghiệp trong ngành đầu tư vào chế biến gỗ nhằm giúp họ có những không gian đủ để phục vụ sản xuất quy mô lớn tại các khu công nghiệp như Bình Dương, Long An và nhiều tỉnh thành khác.

Bên cạnh đó, ngành đồ gỗ Việt Nam vốn nổi tiếng bởi các sản phẩm thủ công tinh xảo. Chúng ta cũng đã tiếp thu công nghệ sản xuất, quy trình quản lý kỹ thuật ở quy mô công nghiệp từ các nước khác, ví dụ như từ Đan Mạch đối với đồ gỗ ngoài trời, từ Đài Loan đối với đồ gỗ nội thất. Gần đây các doanh nghiệp FDI của Mỹ, Pháp, Nhật… cũng đầu tư vào chế biến, sản xuất gỗ, tạo nên một thị trường kinh doanh đồ gỗ cực kỳ sôi động, và doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này. Đây là kết quả của việc Chính phủ luôn có chính sách nhất quán, ưu tiên cho ngành gỗ, khi các thể chế kinh tế, văn bản pháp luật, công cụ cho nghiên cứu chiến lược bảo vệ và phát triển kinh tế rừng không ngừng được hoàn thiện.

 “Năm 1972, từ chỉ đạo hoạt động bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng bằng một pháp lệnh, đến năm 1991 Chính phủ đã có Luật về Bảo vệ, phát triển rừng. Năm 2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lâm nghiệp, thể hiện tầm nhìn đầy đủ hơn, khái quát hơn về ngành kinh tế lâm nghiệp; từ việc phát triển rừng, tập trung công tác chế biến cho đến tổ chức thương mại… đã hình thành một ngành kinh tế đầy đủ, khép kín”. - ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Việt Nam nhận định.

Thập niên mới: Tận dụng cơ hội, duy trì lợi thế, ổn định tăng trưởng.

Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là nhóm sản phẩm có thặng dư thương mại lớn nhất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10/2020, Việt Nam đã xuất siêu 7,77 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu nhóm ngành hàng này.

Trong năm qua mặc dù có sự tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới của đại dịch Covid-19, trong khi các nước xuất khẩu gỗ nhiệt đới như Indonesia, Malaysia… chững lại, thì Việt Nam được đánh giá là đã tận dụng tốt được cơ hội xuất khẩu gỗ vào thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cùng với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã góp phần giúp xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam bứt phá ngoạn mục. Thuế suất giảm đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ gia tăng xuất khẩu.

Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA-FLEGT) với Liên minh châu Âu. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ phải đáp ứng yêu cầu đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp một cách nghiêm túc khi tham gia thị trường này. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khai thác, chế biến gỗ của Việt Nam thay đổi cách thức sản xuất, đổi mới công nghệ, quản lý chất lượng “nâng cao năng lực, nâng tầm thương hiệu” để tiếp cận thị trường EU. Đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này thì ngành gỗ của Việt Nam đã mở được cánh cửa để xuất khẩu ra thế giới.”

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, chúng ta cần có chiến lược dài hơi để phát triển rừng trồng nguyên liệu, bởi thực tế hiện nay gỗ rừng trồng vẫn chưa có đủ diện tích dự phòng và chưa bền vững. Các chủ doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu vẫn chưa thực sự kết nối với những người trồng rừng để khai thác hợp lý hơn nguồn tài nguyên này. Nhiều trường hợp “bán lúa non” do gánh nặng tài chính khiến người trồng rừng không giữ được cây trồng lâu năm hơn, chính vì vậy sản lượng gỗ khai thác tuy nhiều nhưng giá trị thương mại không cao. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ: “Chúng ta có rừng gỗ trồng nhiều nhưng diện tích có chứng chỉ quốc tế FSC còn đang ít. Cây rừng trồng của chúng ta phần lớn được khai thác sớm, 5 đến 7 năm đã khai thác (chủ yếu dùng để làm giấy nhiều hơn đi vào hạn ngạch chế biến gỗ nên giá trị gia tăng không nhiều) trong khi các nước khác giữ những cây gỗ từ 15 đến mấy chục năm”. 

Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam lo ngại việc thiếu hụt nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ chất lượng cao sẽ ngày càng gay gắt hơn, trong khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới.

“Quy mô tiêu thụ sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới hiện đạt khoảng 400 tỷ USD, với sức tăng từ 5 - 10%/năm, là tiềm năng lớn cho xuất khẩu gỗ mà Việt Nam cần hướng tới. Nhưng bên cạnh đó, ngoài việc xây dựng, phát triển rừng trồng đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt, minh bạch phục vụ mục tiêu xuất khẩu gỗ cán mốc 20 tỷ USD vào năm 2025, chúng ta cũng phải tìm cách mở rộng thị trường. Ngành chế biến gỗ cũng phải sớm bàn đến việc tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao hàm lượng kỹ thuật và văn hóa trong sản phẩm để cùng một khối lượng gỗ có thể làm ra sản phẩm có giá trị cao”…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất