, //, :: GTM+7

Những cái cối xay kỷ niệm

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Cái cối xay được má tôi sử dụng vào nhiều việc khác như: xay đậu xanh nấu chè đậu xanh đánh, xay các loại đậu, hạt sen để làm món bánh hạt sen…

Cái cối xay cơm của má

Thỉnh thoảng chơi đùa với cháu ngoại, đứa nào cũng tròn trĩnh dễ thương, thông minh, má tôi vẫn thường nhắc về những ngày chúng tôi còn nhỏ:

- Hồi đó không hiểu sao mà tụi con bệnh quá trời. Có khi cả ba đứa đều bệnh một lúc, nhất là thằng Hai, vừa sốt, vừa co giật, mê sảng thấy sợ luôn!

Và trong “cái bệnh quá trời ấy”, tôi vẫn còn nhớ như in cái món cơm xay của má. Theo lời má thì hồi ấy sợ bọn tôi ăn cháo bị ngán, một lần đi phố ba tôi mua về cho má cái cối xay cơm. Thật ra đây không phải là dụng cụ chuyên dùng để xay cơm. Cái cối xay bằng sắt (hay nhôm), có kèm theo ba cái lưới kích cỡ khác nhau dùng xay nhuyễn các loại thực phẩm tùy theo công dụng. Phần chính của cối xay là một cái cánh quạt gắn với tay quay được ép chặt xuống phía dưới bằng một cây gài. Bỏ cơm vào cối, cầm tay quay quay tròn. Cơm đùn xuống bên dưới cánh quạt và đẩy ra ngoài qua lưới thành từng sợi dài, rồi gãy vụn, rất mịn. Thú thật, hồi ấy phần do bị bệnh, ăn không thấy ngon, phần cơm nát chan canh vào nhạt nhẽo lắm! Thế nhưng, chúng tôi lớn lên song hành với những cơn sốt chuyển tiếp giai đoạn, có sự trợ lực của tô cơm nát để vượt qua.

Ảnh minh họa: Thùy Trang
Ảnh minh họa: Thùy Trang

Cái cối xay được má tôi sử dụng vào nhiều việc khác như: xay đậu xanh nấu chè đậu xanh đánh, xay các loại đậu, hạt sen để làm món bánh hạt sen… Hồi đó, nhà nào có cái cối xay được coi là tân tiến lắm. Mỗi khi nấu chè, má tôi ngâm đậu, nấu chín giống như kiểu nấu cơm, chờ nguội má bỏ vào cối xay nhuyễn, sau đó thêm nước, đường, bắt lên bếp đánh thành chè, thêm chút va-ni. Mỗi lần má xay đậu, bọn chúng tôi lại ngồi bên cạnh chờ má cho vét chút đậu xanh dính dưới cánh quạt. Nồi chè chín lại giành nhau vét nồi.

Mùa Tết, cái cối xay được tận dụng tối đa. Má làm đủ thứ trong đó có bánh hạt sen mà thật ra là một loại bánh làm bằng nhiều loại đậu (đậu trắng, đậu ngự, đậu tây…). Má nấu đậu cho chín rồi bỏ vào cối xay, xong sên đường. Chờ nguội, má vê thành từng viên tròn, sấy trên lò than cho khô rồi gói trong giấy bóng kính đủ màu xanh đỏ được cắt tua rua hai đầu.

Buổi tối, xong xuôi hết mọi việc, má bày ra một tràng bánh hạt sen đã vê viên tròn, chúng tôi xúm lại quanh má, cùng nhau cắt giấy bóng kính rồi gói. Vừa làm vừa nghe má kể chuyện, vui ơi là vui!

Cái cối đá xay bột

Kỷ niệm về cái cối xay cơm còn gắn liền với cái cối xay bột và cái xửng hấp của má, ngoài món bánh bèo với lủ khủ lũ chén sành bé xíu còn là để hấp bánh ít trần là món ba tôi rất thích.

Món ăn thường chạm vào nỗi nhớ, kỷ niệm, tình yêu thương nên ai cũng có hồi ức về món ăn của má ngon nhất trên đời. Đến giờ tôi không tìm thấy cái bánh ít trần nào qua nổi cái bánh má làm, dù chính tay tôi chế biến với công thức hệt của má.

Ngày xưa, gia đình đông con thường sắm cái cối đá xay bột. Tôi ước chừng một xóm mười gia đình chẳng hạn thì khoảng năm nhà sắm cối. Phải có chỗ rộng rãi đặt cối kê cao, có cánh tay đòn dài bằng gỗ để quay và phải khoẻ tay mới xay được. Những nhà không có cối hay mang đến xay nhờ.

Hồi ấy má tôi xay bột ké nhà bác Tư bên cạnh. Tôi vẫn còn nhớ như in nhà sau của ông Tư, bên ngoài trời là giếng, bên trong là gian nhà ăn, có cái cối xay bột. Trong hơn mười người con của ông Tư, có mấy anh khoẻ mạnh đảm nhiệm việc này.

Cái cối đá xay bột to và nặng lắm, có hai thớt tròn trên và dưới. Mặt tiếp giáp hai thớt có những đường rãnh ngang dọc, quay trơn, nhẹ nhàng. Gạo bỏ vào thớt trên (có thể xay khô hay ướt) chảy xuống cái lỗ nhỏ và được nghiền nát bởi hai mặt thớt. Phần thớt trên có lỗ tròn để gắn tay quay dài bằng gỗ. Tay quay được giữ (hờ) bởi một sợi dây cột trên cây đà gỗ của mái tôn. Như vậy đứng nắm tay quay đẩy tới lui mới nhẹ nhàng. Thớt dưới rộng hơn thớt trên, có cái “mương” vòng quanh cho bột chảy xuống. Bây giờ người ta làm cái cối đá nhỏ gọn chỉ cần gắn thanh gỗ nhỏ vào lỗ rồi cầm tay, ngồi quay. Cái cối đá xưa được dùng làm vật trang trí ở các quán cà phê sân vườn.

Gạo hay nếp làm bánh má tôi ngâm cho mềm rồi mang qua nhà ông Tư. Tôi có nhiệm vụ bỏ gạo vào và châm nước. Một người con ông Tư đứng đẩy tay quay, mỏi lại có người khác vào thay. Đó là những kỷ niệm rất đẹp mà tôi nghĩ thế hệ tôi nếu ai đã từng chứng kiến, tham gia việc xay bột bằng cối đá sẽ không bao giờ quên.

Sau này, xóm tôi có một gia đình mua máy về nhận xay bột thuê. Những ngày được sống chậm lúc chúng tôi mang gạo qua nhà bác Tư nhờ xay bột, nghe người lớn kể chuyện chấm dứt hẳn.

Cái bánh ít trần của má được làm khá công phu. Nếp ngâm qua đêm mới xay. Bột mang về đổ vào trong một cái túi vải trắng dày cột lại để trong một cái thau, đặt cái thớt lên trên ép nước ra hết gọi là đăng bột. Trong lúc chờ đăng bột má tôi ngâm đậu xanh, đãi vỏ, luộc, chờ nguội má dùng cối xay cơm xay nhuyễn rồi xào với tôm, thịt, gia vị, hành tiêu… Quan trọng nhất, quyết định bánh ngon hay không ở công đoạn làm nhân này. Má tôi nêm nếm vừa ăn, nhân đậu xanh có chút vị béo của dầu mỡ, đậu xanh; miếng thịt nhỏ mềm vừa phải và tôm tươi nõn, dai nhẹ. Mùi hành, tiêu thơm dậy, vị cay thoáng qua đầu lưỡi khiến nhân càng ngon. Để nguội rồi vo viên tròn.

Bột đăng xong nhồi cho mịn, không nhão, không khô, vừa tay vò viên tròn rồi ép nhẹ thành miếng. Lấy nhân đặt vào miếng bột má tôi vo thành cái bánh, bỏ trên từng miếng lá chuối cắt tròn nhỏ, rất đều tay, kích thước không chênh nhau nếu đo bằng mắt thường. Đó là cái khéo tay của người làm bánh.

Cuối cùng là hấp bánh trong xửng. Còn thêm một công đoạn nữa là làm muối mè. Mè rang thơm mà không cháy, cho vào cối giã nhẹ, trộn với đường, xíu muối.

Hồi đó ba tôi thích ăn bánh tráng nướng kẹp với bánh ít trần mà ông hay gọi là “bánh ít kẹp bánh đa”. Bánh tráng nướng ở Thành (Nha Trang) luôn có vị ngọt, mặn nhẹ vừa phải ăn rất ngon, rất khác với bánh tráng nướng các nơi khác.

Thật khó quên hình ảnh ba tôi cầm cái bánh tráng bẻ ra hai miếng nhỏ, xong ông bỏ cái bánh ít trần và rưới thêm chút muối mè, kẹp lại. Nhìn vẻ mặt tận hưởng của ba, mới hiểu được cái hạnh phúc công khó làm ra món ăn ngon cho chồng, con của má.

Hay hình ảnh những ngày Tết xưa, lũ chúng tôi xúm quanh nhìn má xay đậu, tranh nhau vét nồi, cùng nhau gói bánh, mùi va-ni thơm lừng gian bếp; hay những buổi chiều đi học về cái bụng đói meo, mắt chợt sáng rỡ khi thấy má vừa hấp xong xửng bánh ít trần… Luôn là những kỷ niệm khó phai!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất