, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 09/09/2019, 08:25

Những cây cầu mơ ước

Không có kiến trúc gì độc đáo, không do kiến trúc sư bậc thầy nào thiết kế, nhưng những cây cầu đó vẫn là tuyệt tác. Bởi chúng mang một sứ mệnh đặc biệt - sứ mệnh biến ước mơ thành hiện thực…

1.

Một ngày đầu tháng 9/2016, đoàn khảo sát Chương trình Xây dựng Nông thôn mới đến thăm hai huyện Vĩnh Hưng và Đức Huệ thuộc tỉnh Long An.

Đoàn khảo sát hôm ấy có mặt nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng với Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT VN Hồ Xuân Hùng, tháp tùng là Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn Việt Nguyễn Đức Quang và một số doanh nghiệp thân hữu. Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát, bà Nguyễn Thị Nhiều - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Đông huyện Đức Huệ - ngập ngừng trình bày về những khó khăn của một xã nghèo, khó hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới vì trước mắt là thiếu những cây cầu, giao thông ách tắc... Ngay lúc đó, qua vận động của TBT Tạp chí Nông thôn Việt, hai doanh nghiệp trong đoàn là Minh Hưng Group và Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Phúc Khang đã quyết định tài trợ 4 cây cầu cho hai huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng, trị giá mỗi cây 200 triệu đồng.

Và thế là câu chuyện về những cây cầu của xã Mỹ Thạnh Đông đã mở ra câu chuyện về hàng trăm cây cầu ở nhiều vùng nông thôn khác. Bởi một tháng sau chuyến khảo sát đó, ngày 05/10/2016, Tạp chí Nông thôn Việt (Cơ quan ngôn luận của Tổng hội NN&PTNT VN) chính thức phát động Chương trình Cầu Nông Thôn (CNT). Buổi lễ phát động được tổ chức ngay tại vị trí sẽ xây dựng cây cầu đầu tiên của Chương trình là cầu Rạch Cỏ ở xã Mỹ Thạnh Đông. Chương trình lập tức được hàng chục doanh nghiệp đăng ký tài trợ với số lượng trên 50 cây cầu, dự kiến khoảng 30 tỷ đồng.

Các đại biểu tham quan cầu Số 6 Phú Hội (An Phú, An Giang).
Các đại biểu tham quan cầu Số 6 Phú Hội (An Phú, An Giang).

2. 

Với sự động viên và có mặt xuyên suốt của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sự tích cực của chính quyền địa phương cũng như tâm huyết của các doanh nghiệp mạnh thường quân, Chương trình CNT được triển khai theo đúng cách mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong đợi: quyết liệt, khẩn trương như tác phong của người lính. Chỉ trong vòng 3 năm triển khai, tính đến thời điểm này, Chương trình đã vận động tài trợ được 141 cầu/cống với số tiền hơn 153,4 tỷ đồng. Hàng trăm cây cầu mang tên Chương trình CNT đã phủ khắp các huyện vùng biên giới của Long An và đang lan qua các huyện của hai tỉnh Đồng Tháp, An Giang.

Bất cứ ai biết đến Chương trình CNT cũng sẽ thấy ấn tượng với số lượng cầu/cống được xây dựng, số kinh phí huy động được, và cả thời gian để hoàn thành công trình. Nhưng cho dù những con số có ấn tượng đến đâu thì vẫn không “nói” hết được tâm tình của những con người đau đáu một nỗi niềm: phải xây cầu thật nhanh, thật nhiều, thật tốt để biến ước mơ của người dân ở những vùng nông thôn khó nghèo thành hiện thực.

“Trong số các doanh nghiệp tài trợ Chương trình CNT, không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực kinh tế dồi dào”. - Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam bùi ngùi chia sẻ: “Nhưng dù phải chắt chiu lợi nhuận của từng hợp đồng để đảm bảo con số cam kết tài trợ, các doanh nghiệp vẫn sẵn lòng đồng hành cùng Chương trình, vì bà con nông dân và vì sự phát triển của nông thôn Việt Nam. Nghĩa cử cao đẹp đó, không con số nào thể hiện được”.

Nhắc đến con số, Giám đốc Lê Anh Viên của Công ty TNHH MTV Anh Minh Anh thú thật rằng lúc ký hợp đồng với đơn vị thi công, nhìn tổng số tiền tài trợ anh cũng hơi... run tay. Anh vừa cười vừa kể: “Tôi đã chọn tài trợ xây cống, vì nghĩ kinh phí chắc thấp hơn xây cầu, phù hợp với khả năng tài chính của mình. Thực tế thì xây cống cũng như xây cầu, thậm chí kinh phí còn cao hơn mấy cây cầu nhỏ. Tuy vậy, ngày khánh thành dù là cầu hay cống thì bà con đều rất vui, có người còn đến ôm tôi khóc vì mừng, tôi cảm động lắm”!

Cầu Kênh Mới 2 (An Phú, An Giang).
Cầu Kênh Mới 2 (An Phú, An Giang).

3. 

Những giọt nước mắt rơi vì hạnh phúc, vì mừng vui... không phải là điều gì hiếm hoi trong các dịp khánh thành cầu của Chương trình CNT. Bà Lê Thị Năm, nhà ở ấp 3 xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã sống gần hết đời người ở địa phương, nay ngoài sáu mươi rồi mà bà không hề nghĩ một ngày mình có được niềm vui như hôm cây cầu Rạch Gốc Mỹ Bình 3 chính thức nối đôi bờ của hai xã Mỹ Bình và Mỹ Thạnh Tây. Bà móm mém cười mà mắt rưng rưng: “Mừng quá! Có cây cầu này thấy mãn nguyện quá, ráng sống một năm nữa thôi cũng được rồi”!

Cứ mỗi đợt cả chục cây cầu được khánh thành và đưa vào sử dụng, là cả một vùng nông thôn bỗng chốc rộn ràng háo hức. Hồi 11 cây cầu ở huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) được khánh thành một lúc, hai chị em Phan Thị Phương và Phan Thị Mỹ ở ấp Gò Da, xã Bình Phú bỏ hết mọi việc để ra đón “bác Sang” về khánh thành cầu. “Mấy cây cầu này nhiều tiền như vầy mà để một mình địa phương chắc không làm nổi. Giờ có cầu rồi, kéo lúa sẽ dễ dàng, ít tốn kém, bà con bán lúa sẽ lời nhiều hơn. Dân tụi tui mang ơn bác Sang, mang ơn Ban tổ chức Chương trình nhiều lắm”! – Chị Phương vừa cười vừa nói, gương mặt đen bóng mồ hôi như sáng bừng bởi niềm vui quá lớn.

Không chỉ người dân địa phương, ông Đinh Văn Năm - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Hồng cũng không giấu được xúc động khi nói về những cây cầu vừa được khánh thành: “Tân Hồng là huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp, sông ngòi kênh rạch chằng chịt, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Lãnh đạo cấp trên cũng như chính quyền địa phương rất quan tâm đầu tư cho hệ thống giao thông của huyện, nhưng nguồn lực có hạn nên chủ yếu dành cho xây dựng cầu trên các tuyến kênh lớn, còn các tuyến kênh nhỏ, đấu nối với các cụm dân cư chưa được đầu tư. Do vậy việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất giao thương của địa phương rất khó khăn, vất vả. Đây là nỗi trăn trở nhiều năm qua của Tân Hồng, nay có Chương trình CNT chung tay góp sức tháo gỡ, chúng tôi cảm ơn vô cùng”!

Chính quyền huyện Tân Hồng (Đồng Tháp)  tặng hoa cảm ơn BTC chương trình CNT.
Chính quyền huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) tặng hoa cảm ơn BTC    chương trình CNT.

4.

Huyện Tân Hồng của Đồng Tháp và huyện An Phú của An Giang có một điểm chung đặc biệt là không chỉ chờ Chương trình CNT rót vốn, mà tự thân địa phương cũng nỗ lực vận động mọi nguồn lực đóng góp xây cầu với nhiều cách thức rất linh động. Nếu Tân Hồng có vốn đối ứng là 17,8 tỷ (trên tổng vốn đầu tư xây dựng cầu trên địa bàn huyện là 39,5 tỷ đồng), thì An Phú đã vận động người dân, cán bộ, hội đoàn thể... hiến đất làm đường dẫn, đóng góp tiền, hiện vật (vật liệu xây dựng, gạo và rau quả… phục vụ công nhân xây cầu), ủng hộ ngày công làm cầu... với tổng số tiền quyên góp được là 10,875 tỷ đồng. Phần kinh phí này huyện dành để xây dựng thêm 1 cây cầu nữa cho địa phương.

Sự nhiệt tâm của lãnh đạo cùng với tấm lòng thơm thảo của người dân địa phương, chính là sự bồi đắp không gì sánh được dành cho Chương trình CNT. Tại buổi lễ khánh thành 11/16 cây cầu nông thôn được xây dựng tại xã An Phú, ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã gửi tặng “anh Tư Sang” 2 câu đối: “Ơn tri ngộ ngàn vàng khó sánh, nghĩa kim bằng vạn lượng khó mua”.

Vâng, câu chuyện về hàng trăm cây cầu mang sứ mệnh nối ước mơ và hiện thực của Chương trình CNT cũng là câu chuyện mà ngàn vàng, vạn lượng cũng khó tìm khó gặp…

MAI NGỌC DUNG

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất