, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 23/03/2020, 09:48

Những cây cầu trĩu nặng ân tình

NGỌC PHƯƠNG

Dưới cái nắng cháy da vùng biên giới tỉnh an giang, có những con người vẫn thi gan với ông trời để xây nên những nhịp cầu mơ ước…

Tấm lòng người dân vùng biên

Những huyện vùng biên giới tỉnh An Giang mà chúng tôi đi qua như An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên… đều là những huyện nghèo. Người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào cây lúa, nhưng ruộng vườn thì ở chốn xa xôi hẻo lánh, nông sản bán ra chủ yếu được vận chuyển bằng ghe xuồng trên hệ thống kênh rạch chằng chịt. Bà con tốn kém nhiều chi phí mà còn bị thương lái ép giá, nên quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn bấp bênh.

Lễ khánh thành và bàn giao 16 cây cầu tại huyện Tri Tôn.
Lễ khánh thành và bàn giao 16 cây cầu tại huyện Tri Tôn.

Có lẽ vì vậy, khi biết Chương trình Cầu Nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động sẽ đến địa phương để xây cầu miễn phí cho bà con, ai nấy đều vui mừng khấp khởi và xông xáo góp công góp của. Trong ngày Cầu Ngang Kênh 13, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn chính thức được khánh thành, chị Lê Thị Điệp (51 tuổi) không giấu nổi niềm vui khi được nhận giấy khen của UBND xã Núi Tô vì đã hiến đất xây cầu. Khi được hỏi về diện tích đất đã đóng góp, chị thật thà: “Tôi góp phần đất xây mố cầu, cũng không biết cụ thể là bao nhiêu. Lúc nghe sắp được tài trợ cầu tôi mừng quá, cần bao nhiêu đất tôi cũng đồng ý, chỉ mong cầu sớm được hoàn thành”.

“Trước đây bà con khu vực này đi lại khó khăn, con nít đi học xa, lúa bán ra cũng hay bị ép giá. Bây giờ có cây cầu khang trang thế này bà con ai cũng vui, biết ơn chính quyền và các nhà tài trợ dữ lắm”, chị Điệp nói thêm. Còn với các đội thi công tình nguyện, có lẽ nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng đè nặng lên vai những công nhân thi công ở vùng quê nghèo này. Ấy vậy mà họ vẫn dốc sức xây cầu với thù lao chỉ là những bữa ăn miễn phí hoặc chút tiền công khiêm tốn.

Như lời ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: “Những cây cầu này ngoài chịu tải trọng từ sắt thép, bê tông, còn tải cả sức mạnh vô hình là tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – linh hồn của Chương trình Cầu Nông thôn – Tạp chí Nông thôn Việt, của BTC Chương trình, của các doanh nghiệp, đội thi công và cả bà con địa phương”.

Người dân chia vui cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên những cây cầu mới.
Người dân chia vui cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên những cây cầu mới.

Cách làm hay của Tri Tôn

Huyện Tri Tôn là địa phương khá đặc biệt trong Chương trình Cầu Nông thôn khi 16 cây cầu thuộc chương trình xây dựng tại địa phương có thể khởi công chỉ sau 1 tháng kể từ ngày khảo sát, và chỉ sau 5 tháng thi công, toàn bộ số cầu đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Phát biểu tại lễ khánh thành các cây cầu tại huyện Tri Tôn, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết ông rất ấn tượng với cách làm của huyện Tri Tôn vì có nhiều sáng kiến trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, phát huy hết sức hiệu quả nguồn lực đóng góp của các doanh nghiệp tài trợ, đồng thời còn vận động được các nguồn lực xã hội tại địa phương. Trong tổng vốn đầu tư 19 tỷ đồng để xây 16 cây cầu, ngoài số tiền đóng góp của các nhà tài trợ, địa phương còn chủ động nguồn vốn đối ứng lên tới 5,5 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách của huyện và vận động xã hội hóa). Vào ngày khánh thành, lãnh đạo huyện Tri Tôn còn tổ chức trao bằng khen ngay tại chân cầu cho đội thi công và những người dân có công trong việc xây cầu, khiến bà con rất cảm động. Huyện còn có sáng kiến sử dụng sắt thép từ những cây cầu cũ bỏ để tu bổ thêm 8 cây cầu khác. Theo nguyên Chủ tịch nước, những cách làm sáng tạo, hiệu quả của huyện Tri Tôn rất đáng để các địa phương khác học hỏi.

Cầu Vĩnh Bường - một trong 9 cây cầu thuộc Chương trình Cầu Nông thôn trên địa bàn thị xã Tân Châu, An Giang - bên cạnh cây cầu cũ.
Cầu Vĩnh Bường - một trong 9 cây cầu thuộc Chương trình Cầu Nông thôn trên địa bàn thị xã Tân Châu, An Giang - bên cạnh cây cầu cũ.

Trải qua hơn 3 năm thực hiện, Chương trình Cầu Nông thôn đã chứng kiến được nhiều tấm lòng hết sức trân quý, không những từ các nhà tài trợ, mà còn từ cả chính quyền và người dân địa phương. Chỉ từ ý định xây một vài cây cầu cho các huyện biên giới tỉnh Long An, nhờ sự chung tay và nhiệt huyết của tất cả các bên tham gia, Chương trình đã không ngừng lớn mạnh nhanh chóng, vượt ngoài mong đợi của cả những người làm chương trình.

Đến mỗi địa phương, Chương trình lại tiếp nhận thêm nhiều ý tưởng, cách làm hay để cố vấn cho những địa phương mới, sao cho công tác xây cầu đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian ngắn nhất. Khi cầu đường hoàn thiện, nhờ giao thông thuận lợi mà các khu dân cư dần hình thành đông đúc. Từ đó, vùng biên giới xa xôi sẽ khoác lên mình chiếc áo mới, tươi tắn và sung túc hơn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất