, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 30/09/2022, 10:21

Những cung đường vui

VŨ ĐĂNG BÚT
Còn nhớ những năm cuối của thế kỷ 20, đi từ trung tâm Hà Giang lên huyện Mèo Vạc bằng xe ca, chỉ gần 170km mà phải mất một ngày. Nay, chỉ nửa ngày là tới nơi. Lý do ai cũng biết, đó là quốc lộ 4C đã được nhựa hóa.
Hình minh họa. Nguồn: Internet.

Nếu những năm qua việc phát triển giao thông ở tỉnh Hà Giang là một kỳ tích thì kỳ tích lớn nhất chính là ở Mèo Vạc. Các tuyến giao thông ở huyện Mèo Vạc phần lớn được mở trên núi đá, nghĩa là công sức phải bỏ ra rất lớn. Chỉ tính riêng 5 năm cuối của thế kỷ 20, toàn huyện đã huy động được gần 1,6 triệu ngày công lao động để đào, đắp hơn 1,5 triệu mét khối đất đá, góp phần mở thêm được 5 tuyến đường ô tô tới trung tâm xã với tổng chiều dài gần 60km; 53km đường dân sinh thôn bản; duy tu, bảo dưỡng được 80 km đường các loại.

Giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện Mèo Vạc đã huy động được trên 3.370 tỷ đồng cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 1.600 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 1.770 tỷ đồng, nhờ đó đã có 126 công trình điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng. Riêng lĩnh vực giao thông, 100% tuyến đường giao thông từ huyện đến trung tâm các xã đã được cứng hóa, xe cơ giới đã đến được 76% số thôn bản.

Việc người dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng ở Mèo Vạc hầu hết đều xuất phát từ tinh thần tự giác vì bà con đều hiểu những công trình này phục vụ trước hết cho chính họ nên họ không để cho cán bộ chính quyền phải vận động, nhắc nhở nhiều. Nhiều vị lãnh đạo chính quyền ở Mèo Vạc cũng cho rằng các chương trình, dự án của trung ương hoặc tỉnh đầu tư với số vốn hàng chục tỷ đồng mỗi năm kết hợp với sự đóng góp nhiệt tình của bà con các dân tộc trong huyện đã giúp bộ mặt nông thôn miền núi tại huyện thay đổi nhanh chóng. Điều này đã góp phần tạo điều kiện để chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới tại huyện thành công.

*

Chuyện xảy ra tại buổi lễ thông xe tuyến đường Luông - Bạch Ngọc thuộc huyện Vị Xuyên. Hôm ấy, rất đông người dân tập trung tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Bạch Ngọc. Họ đến đây từ sáng sớm, có người phải đi bộ vài tiếng đồng hồ, thậm chí còn mang theo cơm nắm và nước uống. Với người dân vùng cao, lễ thông xe cũng là một dịp lễ hội!

Trong không gian rộn ràng đó, tôi tình cờ nhìn thấy một cô gái đang sụt sịt khóc. Cô tên là Giàng Thị Máy, người dân tộc Mông ở bản Phai. Máy 22 tuổi. Hai năm trước, cô có yêu một người cùng bản, tên là Tường, nhưng gia đình cô không cho lấy. Lúc đó, bố mẹ Máy muốn chuyển đến một địa phương khác để sinh sống và muốn cô đến nơi ở mới lấy chồng. “Chứ lấy chồng ở bản làng, bám mãi với mảnh đất heo hút này, đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh đói nghèo, thiếu thốn?”, bố mẹ Máy nói.

Thời đó, đường xá còn chưa có, trồng được ít lạc, công gồng gánh đi bán có khi còn cao hơn nhiều lần công trồng và chăm sóc. Hàng hóa khác cũng vậy, đã ít, đã thiếu mà giá thành lại quá cao vì công cõng hàng từ dưới xuôi lên đắt gấp đôi, gấp ba giá thành.

Cũng đã có lúc Máy suy nghĩ như bố mẹ, nhưng người yêu của cô không bằng lòng. Anh bảo: “Nếu ai cũng bỏ đi thì đến khi nào mảnh đất này mới hết khó khăn, vất vả?” Máy nghe lời anh, can ngăn bố mẹ.

Rồi tuyến đường Luông - Bạch Ngọc được khởi công và hôm nay thành hình. Đường về xuôi, ra chợ đã không còn xa, đi lại thuận tiện, người trong bản ai cũng mừng. Máy và gia đình càng vui hơn vì hai năm trước, họ đã kịp nghĩ lại để không phải rời xa bản quán…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất