, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 31/05/2021, 15:57

Những đồ án đạt giải Kiến trúc xanh Sinh viên

ĐẶNG TUẤN

Cuộc thi “Kiến trúc Xanh sinh viên Việt Nam” 2020 đã thu hút hơn 100 đồ án được lựa chọn từ các trường đại học có chuyên ngành Kiến Trúc trên toàn quốc. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Công trình xanh thế giới do Hội đồng Công trình Xanh thế giới tổ chức hàng năm, đánh dấu nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc “xanh hóa” ngành Xây dựng, hướng tới mục tiêu sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu lượng khí nhà kính và phát triển bền vững. Tạp chí Nông thôn Việt số này xin giới thiệu hai trong số các đồ án đạt giải gây ấn tượng mạnh bởi ý tưởng độc đáo của mình.

Không gian nhà cá dưới lòng hồ

Thú vị Bảo tàng sinh thái Tứ Hạ

Đây là đồ án của Nguyễn Công Nhật Minh (lớp Kiến trúc Công trình 39A - Đại học Khoa học Huế) đạt giải khuyến khích giải thưởng Kiến trúc xanh Sinh viên năm 2020. Đồ án này hướng đến việc xây dựng một bảo tàng dưới hình thức một khu vườn trên nền hiện trạng vùng đất ruộng và hoa màu có hồ nước tự nhiên với tổng diện tích 9 hecta. Trong đó, dành ra 4 hecta diện tích mặt nước, 3 hecta cảnh quan tự nhiên và 2 hecta công trình xây dựng. Công trình có hình dáng tam giác biến thể, với nhiều lớp chồng lên nhau, hướng tâm. Tòa nhà được thiết kế với các hệ kết cấu vách cứng không dầm, có đặt các tấm pin năng lượng mặt trời xen kẽ thảm thực vật để cung cấp năng lượng cho tòa nhà. Ở đây cũng có khu triển lãm trưng bày hình ảnh, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân địa phương.

Bảo tàng sinh thái Tứ Hạ được thiết kế với mục đích tạo ra một không gian công cộng, nơi con người, thiên nhiên và động vật sinh sống quần tụ, tương tác với nhau. Kiến trúc sư đã lựa chọn địa điểm nơi đàn cò chọn làm bãi đáp để xây dựng một “hệ sinh thái thu nhỏ”, mục đích vừa làm nơi trú ngụ của đàn cò, vừa là điểm tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái và giáo dục tình yêu thiên nhiên cho các em học sinh.

Phối cảnh tổng thể Bảo tàng sinh thái Tứ Hạ

Theo ThS.KTS Ngô Hải Tân, giáo viên hướng dẫn đồ án, Nhật Minh đưa ra ý tưởng độc đáo khi triển khai các phương án kiến trúc xây dựng âm dưới lòng đất, với nhà kính bao quanh lòng hồ sẵn có để người tham quan có thể trực tiếp tìm hiểu hệ sinh thái dưới nước. Quanh đó, có khu trưng bày với các nhà côn trùng được xây dựng theo các module trong lồng kính để người tham quan có thể thấy được sự sinh trưởng của các loại rễ cây, thấy được mọi sinh hoạt, tập tính của các loài côn trùng trong lòng đất. Thú vị nữa là các công trình xây dựng tại đây có các không gian thông tầng phủ các thảm thực vật kết nối với phía bên ngoài bảo tàng, các loài thực vật này phát triển và thay đổi thay mùa, chính điều đó tạo nên sự mới mẻ khác lạ vào từng thời điểm trong năm. Các thảm thực vật dưới lòng đất được hệ thống remote skylight bao gồm đĩa thu năng lượng ánh sáng và các ống helio thu và cung cấp ánh sáng mặt trời xuống nuôi dưỡng một cách tự nhiên.

Ý tưởng Mái nhà kết nối

Mái nhà kết nối của Trần Như Khánh là hệ thống nhà kết hợp với khu công viên tạo thành khu tái định cư phía Bắc Hương Sơ - Thành phố Huế với tên gọi Low - Cost Housing. Đây là đồ án đạt giải nhì giải thưởng Kiến trúc xanh sinh viên năm 2020.

Tường bao với gạch rỗng xếp chồng vừa chống nắng vừa giúp gió lưu thông dễ dàng (Mái nhà kết nối)

Tận dụng pin năng lượng mặt trời áp mái để cung cấp năng lượng và sử dụng hiệu ứng Bernoulli (sử dụng chênh lệch tốc độ gió để lưu thông không khí), kiến trúc sư đã lựa chọn sử dụng tường bao bằng cách xếp chồng gạch kết hợp chống nắng và thông gió. Những loại vật liệu ô rỗng, có khoảng trống kết hợp với cửa kéo cho phép gió lưu thông một cách dễ dàng. Mặc dù các ngôi nhà có diện tích nhỏ, khoảng 65m2, bao gồm 2 tầng, trong đó, các ngôi nhà liền kề sẽ sử dụng mô hình liên mái kết nối để đối lưu không khí và tiết kiệm năng lượng. Trong đó, người dân có thể tận dụng khoảng sân phía sau mái để làm vườn rau tự canh tác phục vụ nhu cầu rau sạch cho gia đình. Ngoài ra, cách bố trí trong ngôi nhà hướng đến sự gắn kết giữa các thành viên, với lối sinh hoạt quần tụ gia đình kiểu truyền thống. Ngoài ra, công viên có diện tích 7.200m2 có chức năng là lá phổi xanh của khu vực, đồng thời là không gian sinh hoạt cộng đồng cho cả khu nhà.

Thiết kế ý tưởng Mái nhà kết nối

Cái hay của giải pháp này chính là sự linh động khi xây dựng. KTS Trần Như Khánh chia sẻ: “Thông thường một gia đình có thể sống thoải mái trong diện tích từ 60 - 100m2, nhưng có thể do chưa đủ tiền nên họ chỉ xây dựng căn nhà hoàn chỉnh với diện tích chỉ 30 - 50m2 dù có đất rộng hơn. Vậy tại sao họ không xây dựng ½ căn nhà tốt để khi có điều kiện có thể hoàn thiện nốt phần còn lại? Các giải pháp kiến trúc theo kiểu các khối box kết hợp các mái đốc và không gian ở với cấu trúc lặp lại có thể là giải pháp cho những hộ gia đình nhỏ”.

Dễ dàng nhìn thấy sự phát triển của rễ cây trong lồng kính
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất