, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/02/2022, 06:00

Những giải pháp cơ bản để có một miền quê đáng sống

TS VŨ TRỌNG KHẢI
Xây dựng các cơ sở hạ tầng như điện, nước, mạng viễn thông, nhà mẫu giáo, trường học, bệnh viện và các dịch vụ đời sống khác, không kém tiêu chuẩn ở thành phố, tức là đã “đưa phố về làng” mà không phá bỏ kiến trúc văn hoá làng.

Đô thị hóa nông thôn bằng việc xây dựng các khu đô thị nhỏ, bao gồm khu sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và khu dân sinh với đầy đủ tiện nghi như đô thị sẽ tạo ra hệ sinh thái mới, văn minh và phân tán ở khắp các vùng quê. Làm như vậy, người nông dân mới có thể trở thành thị dân một cách bền vững. Khi đó và chỉ khi đó, những nông dân ly nông mới thật sự không muốn giữ lại mảnh ruộng nhỏ bé của mình như là tài sản “tiết kiệm” hay “vật bảo hiểm” để dự phòng khi kinh tế khủng hoảng, mất việc làm thì lại trở về làm nông dân, như chúng ta đang thấy trong đại dịch Covid-19 hiện nay.

Vì vậy, họ sẵn sàng bán hay cho thuê dài hạn những mảnh ruộng nhỏ bé của mình, giúp cho việc thực hiện tích tụ ruộng đất vào những nông gia giỏi, phát triển các trang trại gia đình quy mô lớn, đủ năng lực chủ động sáng lập và quản lý có hiệu quả các hợp tác xã đích thực của mình, đồng thời tham gia chủ động có hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản trên quy mô quốc gia và quốc tế. Khi đó, thị trường đất đai được hình thành và phát triển, đòi hỏi luật pháp phải thừa nhận quyền sở hữu của người dân, trước hết là nông dân. Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn. 

Trước hết, cần xác định rừng tự nhiên là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên với quy mô lớn trong những năm qua là hệ luỵ của việc phá rừng tự nhiên. Cần lưu ý là rừng trồng không thể thay thế rừng tự nhiên trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, cần có chiến lược quốc gia khôi phục và bảo vệ rừng tự nhiên, như là yếu tố sống còn. Giao rừng tự nhiên cho các cộng đồng dân cư quản lý bằng các chính sách tài chính thỏa đáng và họ được phép khai thác lâm sản ngoài gỗ và thú rừng, khuyến khích trồng và khai thác cây dược liệu dưới tán rừng, cho phép kinh doanh du lịch có điều kiện, để đạt được mức sống cao hơn phá rừng.

Phát triển các cụm, khu tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp, xây dựng các trang trại quy mô lớn, đưa phố về làng, phải gắn liền với việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, nhằm xử lý triệt để các chất thải rắn, lỏng, không khí, tiếng ồn, bằng công nghệ cao, do các hoạt động công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp gây ra. Cần phát triển kinh tế tuần hoàn, trước hết là trong hoạt động chế biến nông, thủy sản, chăn nuôi quy mô lớn, phổ cập rộng rãi việc sản xuất biogas ở mọi miền quê. Ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, phải lắp đặt các máy phát điện bằng biogas…

Bảo tồn các giá trị văn hóa mang đậm màu sắc vùng miền và sắc tộc ở mỗi làng quê như di sản vật thể và phi vật thể. Đó là một bộ phận quý giá của môi trường sinh thái nhân văn, góp phần phát triển du lịch nông thôn. Mặt khác, cần khôi phục chữ viết đã có và tạo chữ viết mới cho các sắc tộc thiểu số để lưu giữ văn hóa của họ. 

Quản lý dân số cả về chất lẫn số lượng. Dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phải được phát triển để nâng cao thể chất con người. Cần triển khai giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho toàn dân ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Từng bước khắc phục nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết của các sắc tộc ít người, bằng biện pháp truyền thông giáo dục là chính, kết hợp với biện pháp pháp luật. Thực hiện chính sách giáo dục miễn phí từ bậc mẫu giáo đến phổ thông cơ sở. Trên cơ sở đó, phát triển rộng rãi các trường dạy nghề phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông thôn, tạo ra một đội ngũ “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp và đội ngũ lao động lành nghề cho các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn. 

Cần có kế hoạch tổ chức di dân từ vùng này sang vùng khác, nhất là từ nông thôn ra đô thị, phù hợp với kế hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa nông thôn. Từng bước xóa bỏ tình trạng di dân tự phát, biến rừng tự nhiên thành đất nông, lâm nghiệp như đã từng diễn ra. Phải tuyên truyền giáo dục sinh sản cho thanh niên để có thể kiểm soát quá trình già hóa dân số.

Tiến trình phát triển nông thôn toàn diện cần được các địa phương căn cứ vào trình độ phát triển, điều kiện kinh tế, xã hội và tự nhiên của mình để xác định các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên phù hợp với nhu cầu thiết thực và các giải pháp thực hiện bằng các nguồn lực của người dân, tài trợ của nhà nước và các tổ chức, nhất là các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị sản phẩm theo chủ trương Mỗi làng, xã một sản phẩm để tạo ra được sinh kế cho các nông hộ, đồng thời tạo ra được vùng nguyên liệu bền vững cho mình. 

Nhà nước cần có chính sách tài trợ cho hệ thống các trường dạy nghề cho con em nông dân để họ trở thành những nhà nông chuyên nghiệp hay những người lao động có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của kinh tế nông thôn.

Sau mỗi kế hoạch hàng năm và 5 năm, cần đánh giá toàn diện việc thực hiện các mục tiêu phát triển, rút kinh nghiệm cho việc lập và thực hiện các kế hoạch phát triển tiếp theo. Bộ NN&PTNT có vai trò trọng yếu trong việc tổ chức chương trình quốc gia về phát triển nông thôn toàn diện.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất