, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 12/02/2022, 10:25

Những Hội An của thời tóc xanh

TƯỜNG MINH
(laodong.vn)
Hai năm dịch bệnh bó gối chẳng đi đâu được, nhưng cũng nhờ vậy mà những bạn bè ở bên kia biên giới của thời hay đi mây về gió lại thường xuyên tin nhắn chát chít hỏi han nhau.

Và trong khi tôi cứ mộng mơ về những vùng đất xa xôi chưa một lần đặt chân đến thì “bọn chúng” cứ bùi ngùi nhớ nhung, mong sớm có ngày thêm lần nữa được lê chân trên nền của một phố cổ Hội An nào đó, chắc là thời cả lũ chúng tôi vẫn còn tóc xanh...

Helina Tutut, cô bạn là phóng viên một tờ nhật báo ở thủ đô Jakarta của Indonesia nhắn tin hỏi về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và Đà Nẵng nơi tôi đang sống.

Qua lại một hồi, chuyện lại trở về với thời chúng tôi cùng “chung trường” hơn chục năm trước khi cả hai cùng tham gia một lớp học báo chí ở Trung Quốc.

Lớp học năm đó được tổ chức ở trong một khu nghỉ dưỡng 5 sao ở quần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Học viên là các nhà báo đến từ 11 quốc gia của Đông Nam Á, phần lớn là “đồng văn”.

Mỗi nước chỉ từ 2-3 đại diện nên không khí rất ấm cúng và chỉ sau một thời gian ngắn, mọi người đều thân thiết, coi nhau như bè bạn. Chúng tôi ở cùng nhau hơn một tháng, lại thường xuyên được ban tổ chức khóa học cho rời đảo bằng máy bay để đi thực tế ở hầu khắp các thành phố của khu tự trị Quảng Tây nên có chút thời gian là lập nhóm cùng nhau la cà ăn vặt, uống bia vỉa hè rồi kể lể, tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.

Helina Tutut năm ấy chưa chồng, cùng một cô bé người Thái Lan và anh chàng cực kỳ vui tính người Singapore hay bám lấy tôi để hỏi chuyện Việt Nam bởi trùng hợp là cả ba người đã từng một lần đặt chân đến Hội An. "Hội An hay quá Minh ạ, còn hay hơn cả Bali, nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch”.

Cho đến bây giờ, Helina Tutut vẫn cứ nói như thế bằng một âm điệu háo hức. “Hội An hay quá...” của Helina Tutut, là Hội An của những năm nào đó xa lắc lơ, khi phố cổ vẫn còn phảng phất một màu không khí trễ nải, du lịch chưa có xôn xao, rầm rập bước chân của người Trung, người Hàn và vợ chồng người gánh nước thuê ở giếng cổ Bá Lễ vẫn còn là nhân vật trung tâm của các hãng thông tấn báo chí trên thế giới.

Chính Helina Tutut và những người bạn cùng lớp khác của tôi đã biết, tìm đến Hội An, bắt đầu là những bộ ảnh và phóng sự về vợ chồng ông Nguyễn Đường và bà Nguyễn Thị Mỹ.

Còn nhớ năm đó, không hiểu sao Helina Tutut còn mang theo trong hành lý của mình rất nhiều ảnh, trong đó có cả bức ảnh cô ấy chụp chung với vợ chồng người gánh nước thuê ngay cạnh giếng cổ Bá Lễ để khoe tôi làm bằng chứng.

Helina Tutut bảo đại ý “ở trên trường quốc tế, vợ chồng người gánh nước thuê ở Hội An nổi tiếng không thua kém gì, thậm chí còn hơn cả người thầy mo có tên là Kutet – một biểu tượng văn hoá từng sống ở ngôi làng có tên Ubud ở Bali”.

Kutet là một ông thầy mo đời thứ 9, người bói toá về tương lai và là tác giả của bức tranh hình người 4 chân, đầu toàn là dương xỉ và khuôn mặt cười như trẻ thơ nằm ở chỗ trái tim với hàm ý làm người phải biết đứng vững vàng trên mặt đất, không nhìn thế gian bằng trí tuệ mà luôn nhìn bằng trái tim… được bán cho du khách khắp thế giới.

Kutet cũng là nhân vật chính – người dẫn chuyện trong cuốn hồi ký – khảo cứu văn hóa Bali “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” của Eliziabeth Gilbert sau đó được chuyển thể thành phim điện ảnh rất nổi tiếng. Đây là cuốn sách đã đưa tác giả này trở thành một trong bốn nhà văn được Tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2008.

Tuy nhiên không được may mắn như Helina Tutut với vợ chồng người gánh nước thuê ở Hội An, ngày tôi tìm đến làng Ubud ở Bali vào năm 2019, tôi chỉ mua được một bức tranh “ người 4 chân không đầu” từ một cô gái tự xưng là cháu của ông Kutet và “ông Kutet đang đi vắng”. Trong khi thực tế, ông Kute đã... qua đời từ nhiều năm trước đó!

“Tao đã đi du lịch rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa có nơi nào để lại dấu ấn đặc biệt và thôi thúc tao phải trở lại lần nữa như Hội An” – Anong, tên của cô bạn Thái Lan có nghĩa là “người phụ nữ tuyệt đẹp” dù thú thật, cô ấy nhìn không được đẹp lắm, đã thế miệng còn luôn phì phèo thuốc lá – nói.

“Đó là một vùng đất, nói sao nhỉ? (Anong không đủ tiếng Anh để diễn tả và cô ấy uốn éo cơ thể như muốn nói về sự cổ kính, sâu lắng và hoang hoải...).

Hình như ai cũng có một Hội An của riêng mình. Và Hội An của Helina Tutut và Anong, cũng là Hội An của tôi của tầm 15 năm về trước, bí ẩn và quyến rũ đến mức năm nào tôi cũng nghỉ phép năm, “trốn Huế” về đó, đôi khi chỉ la lết ở những quán cà phê với những ông chủ hay nhân viên gặp một lần là nhớ mãi.

Đó là Hội An của một thời tóc xanh và mắt ngân. Nơi tôi đã buông lơi một phần đời của tuổi trẻ cùng với những “Tuấn sư” – một gã trai Hà Thành bỏ phố vào Hội An thuê nhà lập xưởng vẽ. Là những cô bé người Chăm có cái tên dài lê thê kiểu Trà Sa Ni Đạo Lương Tiêu Cẩm Hằng từ Ninh Thuận ra lập nghiệp bằng vũ điệu Apsara để rồi từ đó bén duyên chồng vợ với những gã trai có quốc tịch từ khắp nơi trên thế giới.

Chúng tôi “lớn lên” cùng nhau, cùng với Hội An của chúng tôi. Và nhiều người trong số họ là những nhân vật giúp tôi viết nên những “trường thiên bút ký” sau này không hiểu sao không còn viết lại được nữa...

Nhiều năm tháng sau này, khi lớp học báo chí của chúng tôi ở quần đảo Hải Nam đã thành kỷ niệm, Helina Tutut, Anong và nhiều người khác thi thoảng lại hẹn nhau một lần tụ họp ở Hội An. Những lúc như thế, lần nào tôi cũng vui trong âu lo bởi Hội An những ngày đấy là một Hội An khác, chắc chắn sẽ làm các bạn tôi thở dài thất vọng.

Nhưng may mắn là lần nào cuộc hẹn của chúng tôi cũng bất thành vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc tôi không tự tin lắm với một Hội An mỗi ngày thu hơn 1 tỷ đồng tiến bán vé tham quan với vai trò chủ nhà.

Suốt 2 năm qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thành phố liên tục bị phong tỏa và “bế quan”. Thi thoảng, bất chợt tôi gặp lại một “Hội An hay quá...” của Helina Tutut và của riêng tôi thời tóc xanh và mắt ngân vàng ươm trong nắng thu đẹp đẽ và quyến rũ. Nhưng giờ thì tôi chẳng còn chút tự tin nào để mời gọi bạn bè tìm đến, bởi đó là một vẽ đẹp – đau đến buốt lòng...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất