, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/03/2021, 14:35

Những làng nghề còn lại với thời gian

KIM NHÃ - TÚ QUANG

Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã rất quen thuộc với việc tận dụng tre nứa sẵn có để làm các vật dụng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Từ Nam ra Bắc, không ít làng nghề mây tre đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, dù thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi nhưng một số làng nghề mây tre vẫn còn giữ được tiếng tăm và phát triển nhờ vào tâm huyết và nỗ lực cải tiến mẫu mã, công nghệ của người làm nghề.

Làng Đại Lộ - huyện Thường Tín, Hà Nội

Làng Đại Lộ thuộc xã Ninh Sở, nằm ở phía Đông Bắc huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội. Xã Ninh Sở gồm các làng bãi ven sông Hồng, xưa kia là vùng đất sình lầy, nhiều ao hồ, đầm, vực, cư dân sống dựa vào sông nước. Do cuộc sống thúc ép, để tồn tại, họ phải tạo ra những loại công cụ từ các loại nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên để có thể đơm đó, đánh lờ bắt cá hoặc mò cua bắt ốc... làm kế sinh nhai.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, dần dần, những người dân nơi đây trở nên khéo tay, không chỉ làm ra các loại dụng cụ đánh bắt mà còn làm ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho gia đình và trao đổi với người ở các vùng lân cận lấy các sản phẩm cần thiết khác. Làng nghề hình thành và phát triển từ đó.

Gọi là nghề mây tre đan nhưng thực ra người dân ở đây ít dùng đến tre vì tre có đốt ngắn, nhiều mắt. Nguyên liệu chủ yếu được sử dụng là nứa, lùng, mây, giang - những loài cùng họ với tre - vì chúng dẻo hơn tre, lóng dài hơn nên dễ vuốt, dễ uốn. Công việc đan lát tưởng chừng đơn giản nhưng thật ra lại đòi hỏi người thợ có tay nghề khéo léo với độ tỉ mỉ và chính xác cao để nan vót ra đều như đúc thì khi đan mới đẹp và chắc chắn. Sản phẩm của làng Đại Lộ trước đây chủ yếu là đồ gia dụng đơn giản như đơm, đó, lờ, thúng, mẹt, nong, rổ… Dần dà, theo nhu cầu, người dân đã sáng tạo thêm các sản phẩm như hộp, làn, khay đến các loại chụp đèn, giỏ xách, và cao cấp hơn là các loại đèn chùm, lọ hoa, bình phong, rèm tre v.v… Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, hàng mây tre đan với nhiều mẫu mã đẹp mắt và độc đáo ở Đại Lộ còn được xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông...

Sự phát triển của làng nghề đã mang lại việc làm và cải thiện thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay, nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một khi thị trường tiêu thụ giảm, nghệ nhân bước vào tuổi “xưa nay hiếm” mà thiếu hoặc thậm chí không có đội ngũ kế thừa vì giới trẻ không mặn mà với việc học nghề thủ công.

Việc bảo tồn và phát triển làng nghề đang là vấn đề lớn đặt ra với chính quyền địa phương.

Làng Tăng Tiến - huyện Việt Yên, Bắc Giang

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến thuộc xã Tăng Tiến huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, nổi tiếng từ rất lâu đời, với lịch sử hình thành hơn 300 năm. Người dân Tăng Tiến bao đời vẫn say mê với nghề đan lát, những đứa trẻ ở đây khi bắt đầu biết chạy nhảy, nô đùa cũng là lúc học đan lát. Cứ thế, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, nghề mây tre đan được duy trì đến tận ngày nay.

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến có tuổi đời hơn 300 năm.
Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến có tuổi đời hơn 300 năm.

Làm nên một sản phẩm mây tre Tăng Tiến là quá trình sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi nhiều công phu, tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn. Thân tre đem về được cắt thành những đoạn nhỏ để thợ thủ công chẻ ra thành nan, những chiếc nan nhỏ đều tăm tắp, có độ dài 30 - 40cm. Nan được bó lại rồi đem phơi khô, sau đó được nhuộm theo công thức riêng của làng nghề Tăng Tiến để tạo màu, chống mối mọt và tăng độ bền trước khi được sử dụng đan thành sản phẩm.

Với bí quyết riêng cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại ngày nay trong khâu nhuộm mành, chẻ nan, các nghệ nhân làng nghề đã tạo ra những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng với màu sắc phong phú và bền đẹp cùng thời gian. Những sản phẩm mây tre có tính đặc trưng của làng nghề như mành trải bàn ăn, đệm, gối, túi sách, rèm cửa, bàn ghế, ấm tích... có giá trị cao khi xuất khẩu, được bạn hàng ở các thị trường nước ngoài như Nga, EU, Mỹ… rất ưa chuộng.

Làng Nghi Thái - huyện Nghi Lộc, Nghệ An

Nghi Thái là xã thuần nông nhưng lại có diện tích đất cát nhiễm mặn nhiều nên đời sống của người nông dân nơi đây khá khó khăn. Do vậy, sau mỗi mùa vụ, người dân thường đan lát các sản phẩm phục vụ gia đình và bán kiếm thêm thu nhập. Nguyên liệu đan là từ những cây tre, nứa trong vườn, sau này nhập từ các huyện vùng cao của tỉnh như Quế Phong, Quỳ Châu... Trải qua hàng trăm năm, tiếng tăm của làng nghề đan lát Nghi Thái đã bay xa khắp mọi miền đất nước.

Các sản phẩm mây tre đan của làng Nghi Thái - huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Các sản phẩm mây tre đan của làng Nghi Thái - huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Nghi Thái là một trong số ít làng nghề vẫn giữ được lửa trong xu hướng thu hẹp của các làng nghề hiện nay nhờ vào chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh để bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng. Người dân đã chuyển từ hình thức kinh doanh nhỏ lẻ sang tập trung chuyên nghiệp. Họ không sản xuất hàng chợ nữa mà chủ yếu làm theo đơn đặt hàng với mục tiêu là áp dụng mỹ thuật ứng dụng vào vật liệu, tạo nên các sản phẩm tinh xảo như giá sách, đèn treo trang trí, giá treo đèn, giỏ đựng các loại… phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm mây tre đan Nghi Thái được đan thành hai lớp, sử dụng màu sắc và nguyên liệu tự nhiên chứ không qua xử lý hóa chất nhưng lại có độ bền từ 10 năm trở lên. Có tạo hình mỹ thuật cao, sản phẩm của làng Nghi Thái được người sử dụng trong nước và đặc biệt là ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu rất ưa chuộng. Toàn xã Nghi Thái có 11 xóm thì đã có tới 10 xóm làm mây tre đan, thu hút trên 1.000 lao động tham gia.

Hiện tại, sản phẩm của bà con làng nghề Nghi Thái có đầu ra tương đối ổn định. Các công ty bao tiêu sản phẩm thường xuyên ký hợp đồng với lao động làng nghề và tập trung thu mua định kỳ hàng tháng. Trung bình mỗi hộ dân xuất đi 3.000 - 4.000 sản phẩm mỗi tháng, đem lại thu nhập cho mỗi lao động từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Làng nghề mây tre đan Bình Dương

Nghề đan lát ở Bình Dương có từ lâu đời, chủ yếu tập trung ở thị xã Tân Uyên với các sản phẩm sử dụng hàng ngày như quạt, thúng, mẹt… Ngày nay, hàng mây tre đan ở Tân Uyên có tới hàng trăm mẫu mã, có loại đòi hỏi kỹ thuật rất cao như tranh chân dung, tranh phong cảnh, hoành phi, câu đối; có loại cần sự khéo tay và cũng rất công phu như chụp đèn, giỏ đựng trái cây, giỏ cắm hoa, giỏ xách, các loại khay đĩa, cặp; có loại thuộc nhóm sản phẩm gia dụng, kích thước lớn như bàn ghế, giường tủ.

Làng nghề mây tre đan ở Tân Uyên cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm làm từ mây tre truyền thống.
Làng nghề mây tre đan ở Tân Uyên cung cấp ra thị trường đa dạng các sản phẩm làm từ mây tre truyền thống.

Đa phần những làng làm mây tre đan ở đây đều làm thủ công, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo, được làm nên từ đôi tay điệu nghệ và đầy kinh nghiệm của những người thợ. Với mỗi chủng loại, người Bình Dương đều cố gắng sáng tạo nên nhiều mẫu mã đa dạng, vừa giúp khách hàng có nhiều lựa chọn, vừa phần nào làm tăng giá trị sản phẩm khi tung ra thị trường.

Làng nghề đan lát Thái Mỹ (Củ Chi, TP.HCM)

Tồn tại hơn 100 năm, Làng nghề đan lát xã Thái Mỹ (cách trung tâm TP.HCM khoảng 45 km và cách thị trấn Củ Chi 10km) xưa kia được xem là cái nôi của các sản phẩm được làm từ tre, trúc như thúng, nia, dần, sàng, giỏ xách... Ngày trước, mỗi ấp của xã Thái Mỹ đều là một làng nghề đan lát với một sản phẩm đặc trưng. Ví dụ như ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B chuyên sản xuất nia; ấp Bình Thượng 1, Bình Thượng 2 chuyên làm thúng, sọt; ấp Bình Hạ Đông, Bình Hạ Tây thì làm dần, sàn; ấp Tháp làm rổ, rá... Vào thời kỳ cao điểm, xã Thái Mỹ có khoảng 1.800 hộ với 4.000 lao động theo nghề.

Theo lời người dân địa phương, trước đây nhà nhà ở xã Thái Mỹ đều trồng tre, trúc khiến cả một vùng rợp mát. Do đặc điểm đất ở xã nhiễm phèn, nhiễm mặn, năng suất lúa không cao nên vào những lúc nông nhàn, người dân đã tận dụng nguyên liệu sẵn có này để làm nên những dụng cụ phục vụ cho nghề nông, cho cuộc sống thường nhật, đồng thời cũng để tăng thu nhập.

Dần dà, đan lát trở thành nghề truyền thống của cả vùng. Các mặt hàng mây tre đan ở đây khá đẹp, bền và được trau chuốt tỉ mẫn, hầu như không có nơi nào ở phía Nam cạnh tranh được về kỹ thuật và chất lượng. Không chỉ cung ứng cho thị trường trong nước, sản phẩm của làng nghề còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, các nước Đông Âu... Sản phẩm được sản xuất nhiều nhất tại làng nghề hiện nay là sọt đựng rau quả phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Từ sau năm 2010, do mang lại giá trị kinh tế không cao, nhu cầu thị trường chủ yếu chuộng những sản phẩm tiện dụng làm từ nhựa, nhôm, inox… nên số người gắn bó với nghề ngày càng ít, làng nghề dần dần mai một, hiện còn lại chưa đến 200 hộ tham gia sản xuất. Tuy vậy, nhờ sự nhanh nhẹn và nhạy bén của những hộ còn bám trụ với nghề, làng nghề vẫn duy trì được hoạt động với đủ các loại sản phẩm tại hầu hết các ấp trong xã. Nhiều trường hợp hộ sản xuất nhỏ đã phát triển thành cơ sở sản xuất lớn, tạo điều kiện cho nhiều người dân trong xã có công ăn việc làm.

Bà Lê Thị Huých ở ấp Mỹ Khánh A cho biết, Cơ sở Mây Tre Lá Thiên Long của bà có khoảng 30 công nhân ăn lương theo sản phẩm, thu nhập hàng tháng từ 6 đến hơn 10 triệu đồng tùy năng suất làm việc. Mặt hàng chủ yếu của Thiên Long là nia, sọt tre xuất sang Đài Loan (Trung Quốc) dùng để đựng rau, bắp cải. Cơ sở của bà Huých chuyên thu mua sản phẩm thô (đã trải qua các công đoạn ban đầu như cưa trúc tươi, thục (chẻ) trúc thành cọng, phơi nắng rồi đan thành sản phẩm thô) từ các hộ gia đình vệ tinh trong làng nghề rồi tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm cho đúng chuẩn, đúng quy cách để đưa ra thị trường tiêu thụ. Có tháng cao điểm, Thiên Long xuất hơn 25 container sản phẩm.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất