, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/10/2021, 06:00

Những làng nghề thuốc nổi danh

THIỆN ANH tổng hợp
Cây thuốc là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Ở Việt Nam, mỗi vùng miền đều có những làng nổi tiếng là nơi sản xuất, cung cấp dược liệu chất lượng. Nhiều làng nghề đến nay vẫn bảo tồn được vốn quý này từ cha ông.

Làng nghề thuốc cổ truyền dưới chân núi Ba Vì (Hà Nội)

Người Dao dưới chân núi Tản Viên (núi Ba Vì) từ lâu đã nắm bắt được tri thức quý báu về thảo dược để chữa bệnh, phòng bệnh và bồi bổ cơ thể. Đến nay, người Dao đã dùng đến hơn 507 loại cây cỏ để làm thuốc chữa các loại bệnh về thận, xương khớp, dạ dày, bệnh ngoài da… Tri thức này được thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, cứ thế mà bảo lưu theo dạng kinh nghiệm và tích lũy như bí quyết của dòng tộc. Thế nên từ lâu, nghề thuốc đã trở thành nghề truyền thống của cộng đồng người Dao dưới chân núi Ba Vì.

Sau thời gian hoạt động nhỏ lẻ, trong khuôn khổ cộng đồng địa phương, năm 1996, Hội Đông y xã Ba Vì được thành lập, đã hỗ trợ cộng đồng sản xuất thuốc và liên kết tiêu thụ, phát triển nghề bốc thuốc Nam nơi này. Năm 2008, Hợp tác xã Dịch vụ thuốc Nam dân tộc Dao Ba Vì được thành lập đã góp phần thai khác và bảo tồn hiệu quả, bền vững nghề thuốc nói chung và tri thức dân gian về các loại dược liệu của người Dao nói riêng. Theo đó, cộng đồng người Dao làm nghề thuốc được hỗ trợ để trồng thêm dược liệu, đưa nghề thuốc đến gần hơn với thị trường và có được nguồn thu ổn định. Năm 2012, xã Ba Vì quy hoạch hơn 5ha đất rừng để chuyên canh trồng thuốc Nam. Đồng bào được hỗ trợ về kỹ thuật và tham gia trực tiếp trồng, chăm sóc cây dược liệu trên quy mô lớn. Đến nay, những bài thuốc gia truyền của người Dao đã được vinh danh là thương hiệu sản phẩm nổi tiếng chất lượng Quốc gia. Tri thức làm thuốc Nam của bà con cũng được đưa vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội cần được ưu tiên bảo vệ.

Ninh Hiệp - ngôi làng ngàn năm làm nghề thuốc

Làng Ninh Hiệp ngày trước được gọi là làng Nành, thuộc xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Làng ra đời trên vết tích của 3 ngôi làng cổ là Hiệp Phù, Ninh Giang, Phù Ninh có lịch sử hình thành cùng với kinh đô Thăng Long ngày trước. Người làng Ninh Hiệp nổi tiếng với nhiều nghề nhưng lâu đời nhất có lẽ phải nói đề nghề kinh doanh dược liệu và khám chữa bệnh.

 

Từ thế kỷ XVII-XVIII, làng Phù Ninh đã phát triển nghề thuốc và nghiên cứu y học cổ truyền. Không chỉ chuyên về y, dược, làng Nành còn là nơi cung cấp dược liệu chủ yếu cho kinh thành Thăng Long và có nhiều danh y nổi tiếng được triều đình cử vào cung để chăm lo sức khỏe cho vua và triều thần như chánh lương y Thạch Duy Khiêm; năm Cảnh Hưng thứ 4 có lương y Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Duy Khảo; năm Cảnh Hưng thứ 14 có lương y Nguyễn Đình Lệ; thời Tự Đức có chánh lương y Nguyễn Tán, chánh lương y Nguyễn Khắc Hoạt…

Từ xưa, người làng Nành khai thác nguồn dược liệu chủ yếu tại rừng Báng thuộc phủ Đông Ngàn (nay là Tiên Du, Bắc Ninh). Đến khi nguồn dược liệu cạn dần do đô thị hóa thì họ đi xa hơn, liên kết khai thác dược liệu ở các vùng lân cận, mang bán khắp nơi và trở thành trung tâm cung cấp dược liệu, thuốc Đông y lớn nhất Bắc bộ.

Làng thuốc Ninh Hiệp mang mùi hương đặc thù, là mùi cay nồng của quế, nức nở của hoa hồi, dịu ngọt của hương thảo… Năm 2009, UBND TP Hà Nội công nhận Ninh Hiệp là “Làng nghề truyền thống thuốc Nam, thuốc Bắc” và cũng là làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.

Nghĩa Trai - làng trồng dược liệu ngàn tuổi

Làng dược liệu Nghĩa Trai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã hơn 1.000 năm tuổi. Theo thần tích của làng, vào khoảng năm 1572, có 3 vị tướng sau khi giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm Thành đã về Nghĩa Trai giúp dân khai hoang, trồng cây thuốc và hành nghề y. Dân làng đã lập đền thờ, tôn các ông làm Thành hoàng và thờ phụng đến nay.

Đến nay, trồng thuốc đã trở thành nghề truyền thống của làng Nghĩa Trai, người dân vẫn còn lưu giữ và truyền nhau nhiều bài thuốc dân gian và xem đó là tri thức quý báu của mỗi gia đình. Phần lớn dân làng Nghĩa Trai sống bằng nghề trồng dược liệu, đặc trưng nhất là trồng hoa cúc chi. Xưa kia, loại hoa này rất quý, được dâng lên nhà vua nên còn gọi là cúc tiến vua. Ngoài ra, những vườn thuốc của Nghĩa Trai còn có hoắc hương, cổ sâm, mần trầu, tía tô, kinh giới, cốt khí... Đây đều là những loại Nam dược quý.

Làng sinh thái - văn hóa dược liệu Sinh Dược (Gia Viễn, Ninh Bình)

Xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn (Ninh Bình) nằm trong quần thể du lịch Tràng An. Từ xưa, vùng đồi núi Gia Sinh đã gắn liền cái tên làng Sinh Dược. Tương truyền, ông Nguyễn Chí Thành hiệu là Khổng Minh Không đã dùng dược liệu từ vùng Gia Sinh để chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông và bào chế thêm nhiều loại thuốc quý, nên làng có tên là Sinh Dược - nơi ra đời của nhiều loại thuốc. Đến nay, rừng núi Sinh Dược vẫn còn nhiều loại dược liệu như bình vôi, ngành ngạnh, hoài sơn, mặt quỷ, bòn bọt, hà thủ ô, hy thiên thảo, chè vằng, thiên niên kiện, bố chính sâm...

Năm 2014, HTX Sinh Dược được thành lập với mục đích phát triển nghề trồng dược liệu truyền thống và bảo vệ nguồn thuốc quý bản địa. HTX đã được vinh danh là hợp tác xã kiểu mẫu của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh thanh niên HTX thế giới 2018 tổ chức tại Philippines. Hiện nay, Sinh Dược còn là một trong những địa phương thuộc dự án: “Hỗ trợ xây dựng mô hình làng sinh thái - văn hóa tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình”. Với mục tiêu xây dựng mô hình Nông thôn mới phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân mà một trong những điểm quan trọng của dự án là phát triển vùng trồng thuốc của địa phương và phục vụ cho du lịch.

Làng dược liệu người Chăm ở Ninh Thuận

Ở vùng đất đầy nắng gió như Ninh Thuận, tuy thiên nhiên khắc nghiệt nhưng cũng đã ưu ái cho vùng Cà Dú, Bắc Ái, An Nhơn, An Phước… những loài thuốc quý. Không ai nhớ được vùng thuốc Nam của người Chăm này ra đời từ khi nào, chỉ biết danh hai làng thuốc nổi tiếng ở xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) là An Nhơn và Phước Nhơn đã làm thuốc, trị bệnh cho người dân từ bao đời nay.

Làng nghề thuốc Nam của người Chăm có từ sớm và chịu ảnh hướng của Y dược cổ truyền Đông Ấn - Ayurveda và một phần giao lưu với Y học cổ truyền Trung Quốc. Họ lưu giữ được nhiều bài thuốc quý. Theo Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2021, người Chăm Ninh Hải đã sử dụng khoảng gần 300 loài cây thuốc thuộc hơn 90 họ thực vật để bào chế ra trên 600 bài thuốc quý.

Để phát triển nguồn dược liệu quý ở Ninh Hải, năm 2010, Hội Đông y tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ kết nối với Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai Dự án “Xây dựng mô hình trình diễn, bảo tồn nghề thuốc Nam truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận”. Hiện nay, nghề thuốc ở Ninh Hải không còn co cụm ở mỗi làng xã mà đã mở rộng học hỏi kinh nghiệm từ nhiều tỉnh thành và nhãn hiệu Dược liệu Xuân Hải, Dược liệu người Chăm cũng đã đến được thị trường trong nước.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất