, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 15/06/2021, 11:34

Những làng nghề tỏa hương trăm năm

KIM NHÃ

Trải qua bao bể dâu, làng nghề làm hương của nước ta phần nhiều đã mai một. Những làng nghề còn tồn tại cũng từng qua lắm gian nan để hương có thể tỏa đến ngày nay…

Làng Yên Phụ - Hà Nội

Nằm ở cửa ô Yên Phụ, qua dốc Thanh Niên - Cổ Ngư là tới làng. Làng nằm ven hồ Tây, trước kia thuộc quận Ba Ðình, nay về quận mới Tây Hồ. Theo một số tư liệu cũng như các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề làm hương ở làng có từ thế kỷ 13, do một người Trung Hoa truyền dạy. Cùng với hoa Nhật Tân, hương Yên Phụ trở thành một trong những vật phẩm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người Việt tại kinh thành Thăng Long một thời.

Ðầu những năm 80 của thế kỷ trước, nghề làm hương ở đây bị mai một. Lúc thấp nhất, chỉ còn chưa tới 20% số hộ trong làng giữ nghề. Sang những năm 90, nghề làm hương từng bước khôi phục và từ năm 2000 trở đi, nghề làm hương không chỉ thu hút dân trong làng mà còn hấp dẫn dân các làng An Dương, Nghi Tàm theo nghề với số lượng lớn. Thông thường, mỗi nhà làm hương có một cách tạo mùi khác nhau với các nguyên liệu chính là bột mùn hương (loại mùn cưa gỗ) và hương liệu như bột hồi, quế, trầm... Hầu hết nguyên liệu làm hương tại Yên Phụ đều có nguồn gốc tự nhiên nên được khách hàng Thủ đô và các tỉnh lân cận ưa chuộng. Những tháng cuối năm về Yên Phụ, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh làm hương tấp nập phục vụ mùa Tết của làng với những bó hương đủ màu khoe mình trong nắng…

Làng Phia Thắp - Cao Bằng

Làng Phia Thắp thuộc xã Quốc Toản huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) là ngôi làng cổ của dân tộc Nùng An, từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương.

Ngoài làm nông ra, toàn bộ các hộ gia đình ở Phia Thắp đều làm hương và làm theo phương pháp truyền thống của tổ tiên để lại. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là cây mai, vỏ cây gạo, mùn cưa, các loại cây tạo mùi như nghiến đỏ, cây thung… và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm chất keo kết dính các nguyên liệu lại với nhau. Với thành phần nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên, những que hương Phia Thắp có mùi cay cay, nồng nồng từ lá của cây trầm.

Du khách Tây trải nghiệm cách làm hương thủ công tại Phia Thắp

Làm hương ở Phia Thắp rất công phu. Cây mai tốt mọc sâu trong rừng được những người có kinh nghiệm trong làng tìm chặt về. Và chỉ có duy nhất mai ở huyện Trùng Khánh, Cao Bằng đốt cháy mới có tàn cong. Mai đem về được những bàn tay khéo léo của các cô, các bà chẻ nhỏ rồi đem phơi cho thật khô. Nguyên liệu quan trọng nhất là lá cây bầu hắt được người dân vào rừng để tìm, vì theo họ, lá cây bầu hắt trồng không bao giờ có được mùi hương như lá cây ngoài tự nhiên. Lá hái về được phơi khô, sau đó nghiền nhỏ và trộn với mùn cưa của các cây gỗ thân mềm để cho hương cháy tốt.

Với nhiều làng nghề làm hương tại Việt Nam, que để làm hương sẽ được nhuộm đỏ trước khi cho vào máy nặn, nhưng tại Phia Thắp, sau khi hương được làm xong thì người dân mới nhuộm đỏ chân hương bằng lá cây chăm che được trồng đầy quanh nhà rồi mới đem ra phơi.

Hương được tiêu thụ tại các phiên chợ huyện trong toàn tỉnh Cao Bằng, một số ít được đưa sang tiêu thụ tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn. Những năm trở lại đây, làng Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Trải nghiệm làm hương là một trong những trải nghiệm hấp dẫn du khách tại Phia Thắp.

Làng Bái Hạ - Thanh Hóa

Làng hương bài Bái Hạ ở thôn Quyết Thắng thuộc xã Vạn Thắng huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa là một làng hương nhỏ độc đáo bên bờ sông Yên thơ mộng. Theo sử sách ghi lại, làng hương bài Bái Hạ được hình thành từ năm 1515, trên đất làng Giãn Hiền của xã Vạn Thắng (nay là thôn Quyết Thắng). Do thời gian và biến cố của lịch sử, làng nghề này đã mai một. Năm 1815, làng nghề mới được cụ Vũ Đình Phạm khôi phục, sau đó truyền cho các con là ông Vũ Đình Nguyên và Vũ Đình Ca. Từ đó, làng hương bài Bái Hạ dần hồi sinh và phát triển cho đến nay.

Nguyên liệu làm hương Bái Hạ chủ yếu là rễ và thân cây bài, nhựa cây trám, than hoa, tre, nứa… Nhựa cây trám mua về được nấu kỹ để lấy tinh dầu, sau đó pha tinh dầu với than hoa xay nhuyễn thành bột hương để se vào que tre hoặc que nứa, cuối cùng là lăn tăm hương qua bột cây bài để tạo thành cây hương thành phẩm rồi mang phơi khô.

Loại hương này độc đáo vì có mùi thơm phảng phất, nhẹ dịu rất đặc trưng của các loại thảo mộc.

Làng Dĩ An - Bình Dương

Làng nhang (hương) Dĩ An (thuộc thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương) là một trong những làng nghề đã có hơn 100 năm tuổi. Làng nghề nay vẫn lặng lẽ tồn tại trong lòng một thị xã công nghiệp sôi động. Theo những người làm nhang lâu năm tại đây, tất cả các nguyên liệu làm nhang đều lấy trong tự nhiên, ví như thân nhang phải chọn từ tre, nứa già ở rừng Nam Cát Tiên, bột để se nhang lấy từ vỏ cây ô đước phơi khô, riêng nhang trầm thì phải trộn thêm bột trầm hương thứ thiệt.

Nghề làm nhang có nhiều công đoạn như chuẩn bị bột dính, bột keo, mạt cưa, bột thơm… và thân nhang, bước nào cũng quan trọng, cần những bàn tay khéo léo và thuần thục.

Làng Quán Hương - Quảng Nam

Làng nghề làm hương Quán Hương được hình thành cách đây hơn 200 năm, là làng nghề nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam. Nguồn nguyên liệu được dùng để làm hương ở đây là vỏ cây quế mua từ các huyện miền núi như Tiên Phước, Nam Trà My; chu hương (cọng tăm làm thân) nhập từ các tỉnh miền Bắc. 

Để cho ra nén hương có mùi thơm đặc trưng, người thợ trộn chung hỗn hợp gồm bột vỏ cây quế, bột cưa, bột dẻo cùng nước rồi xay mịn theo tỷ lệ nhất định. Thông qua máy kết dính, cọng hương được cho ra với số lượng hàng chục cọng mỗi phút. Trung bình mỗi năm, làng nghề Quán Hương cho ra thị trường khoảng 800 tấn sản phẩm hương các loại.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất