
Con đường làng xưa ngang qua làng Vòng giờ đã san san những ngôi nhà cao tầng, siêu thị, quán ăn. Đất làng giá tăng vùn vụt, mỗi nhà chỉ cần cắt bán một ít là có trong tay tiền tỉ nên nhiều gia đình đã bỏ nghề cốm tốn mồ hôi cống sức. Đó cũng là lý do mà những người làm cốm ở làng Vòng không còn ngồi bán thứ “đặc sản” của nhà mình ngay cổng làng như trước. Mỗi ngày, họ nhận cốm từ các lò còn nổi lửa làm cốm như Tiến Thìn (tổ 11, Dịch Vọng Hậu), rồi lóc cóc chiếc xe đạp của mình lên các phố trung tâm như Hàng Đào, Hàng Đường ngồi bán.

Theo các chủ lò cốm thì hiện phường Dịch Vọng Hậu chỉ còn gần chục lò đang hoạt động, với trên 70 người cùng tham gia giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm cốm làng Vòng. Để có mẻ cốm dẻo thơm, người làng Vòng phải tỉ mẩn trong mọi công đoạn, từ chọn lúa nếp, giã, sảy, dần, sàng... Như chia sẻ của ông chủ lò cốm Tiến Thìn thì phải từ 4 đến 5kg lúa nếp cái hoa vàng mới có được 1kg cốm thành phẩm. Mỗi lạng cốm bán từ lò có giá từ 20-25 nghìn đồng.

Cốm Vòng được chia thành nhiều loại, như cốm lá me, cốm rót, cốm mộc và cốm non. Cốm loại một là cốm đầu nia, hạt mỏng, dẻo, dính nên hòa phẩm với nước vẩy vào sẽ bị nát, không ăn được. Đây hoàn toàn là thứ cốm “sạch”, có màu tự nhiên và từ khi cốm làng Vòng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tháng 5 năm 2020 thì một số lò cốm nguội lạnh bắt đầu nổi lửa trở lại. Nhờ đó mà nghề làm cốm truyền thống hàng trăm năm của người dân nơi đây dù mai một phần nào, nhưng còn đó cả chục nhà còn đỏ lửa giữ nghề.

