, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 19/12/2021, 15:00

Những manh nha về hợp tác xã thời Pháp thuộc: 'Không gì bằng hợp tác xã'

NGUYÊN PHONG
(nongnghiep.vn)
Theo các tài liệu sách, báo chí thời Pháp thuộc thì những ý tưởng manh nha đầu tiên về việc lập hợp tác xã có từ năm 1927.
Thu hoạch lúa tập thể ở Hòa Bình. Ảnh: Tư liệu.
Thu hoạch lúa tập thể ở Hòa Bình. Ảnh: Tư liệu.

Báo Thời thế ngày 7/12/1940 có bài “Lập hợp tác xã là lập xưởng sấy trà cho các điền chủ”. Bài báo thuật lại chuyện 50 người trồng chè ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ) họp nhau lập hợp tác xã trồng chè.

Tìm hiểu lại các tài liệu xuất bản trong nước thời Pháp thuộc thì những ý tưởng manh nha đầu tiên về việc lập hợp tác xã đã có từ năm 1927. Trong bài báo “Các nhà đồn điền ta nên lập hợp tác xã cho điền hộ” (đăng 3 kì trên báo “Thực nghiệp dân báo” từ số báo ngày 1/12/1927 đến ngày 3/12/1927) tác giả Giang Tả Tản Nhân đưa ra ý tưởng về thành lập hợp tác xã cho các điền hộ.

Năm 1927, “mấy tiếng chấn hưng nông nghiệp”, “cải lương nông chủng” được hô hào rùm beng. Tình cảnh nông nghiệp, nông dân lúc đó, theo Giang Tả Tản Nhân là “nhìn lại cái tình cảnh “làm thuê ăn nợ” cái đồ dùng “giẻ rách chổi cùn” ở nông dân ta, thì vẫn là “làm thuê ăn nợ” như cũ, vẫn là “giẻ rách chổi cùn” như xưa, chứ nào thấy tỉnh nào là chấn hưng nông nghiệp, cải lương nông chủng đâu”.

Trước thực tế đó, tác giả bài báo “muốn hiến cái công cuộc hợp tác xã này, mong rằng kẻ thực có lòng đau xót đến cái tiến trình nông nghiệp ở nước nhà sẽ lưu tâm đến”, như tâm nguyện của tác giả, đó là “Cái cấp vụ của ta ngày nay không phải là ở chỗ đem những điều lỗi ra mà công kích. Cái cấp vụ của ta là ở chỗ khéo khuyên nhau biết tỉnh lại những điều lầm lạc, để cùng nhau nghĩ đến cái căn bệnh họa có lập phương đối chứng cho con bệnh nhờ: Phương diện nào cũng vậy, chẳng cứ gì một phương diện nghề nông”.

Phân tích nguyên nhân không tiến bộ của nghề nông lúc đó, tác giả bài báo viết “các nhà đồn điền ta nên lập hợp tác xã cho điền hộ” đưa ra tình thế của người nông dân để lí giải. Theo đó, nông dân có hai hạng, một là hạng tiểu điền hộ, hai là hạng đại nghiệp chủ.

Phụ nữ nông thôn dệt vải. Ảnh: Tư liệu.
Phụ nữ nông thôn dệt vải. Ảnh: Tư liệu.

Tiểu điền hộ gồm các nhà có ít ruộng cho đến các nhà ruộng chẳng có, chỉ cấy thuê cấy mướn; đại nghiệp chủ lại gồm có các nhà đồn điền cho đến các nhà ruộng tư có từ trăm mẫu trở lên.

Hạng tiểu điền hộ có hai cái căn bệnh lớn: “Một là nghèo khổ quá không làm gì có tiền mà áp dụng những phương pháp khoa học vào việc làm ăn. Hai là dù có tiền mà áp dụng những phương pháp khoa học vào việc làm ăn nhưng ruộng đất vụn vặt quá không thông dùng mà cũng không dùng được".

Trái lại, hạng đại nghiệp chủ hình như không đến nỗi có những căn bệnh ấy, hình như có thể làm cho nghề mình có thể nhờ bóng sáng khoa học mà tăng tiền được, song lại có mấy cái căn bệnh nặng hơn thế là cái tính cẩu thả, lười biếng và tự mãn tự túc.

Từ đó, những người đó được ví như là “hạng quý tộc trong đám nông dân”, quanh năm thường có người không nghĩ đến ruộng bao giờ. “Có nghĩ đến thì nghĩ rằng: Năm nay lúa tốt, ta nên lấy thuế cao, vụ này mất mùa, chúng nó lại đến nộp thuế mình bằng văn tự. Ngoài ra lợi bệnh của nhà nông, tình trạng của điền hộ, mầu đất xấu hay tốt, đồ dùng tiện hay không, trâu bò dịch ra thế nào, chuột bọ hại ra sao hoàn toàn là các ông không nghĩ gì đến. Các ông ngồi nhà như ông hoàng, các ông coi bọn nông dân cùng các ruộng đất như một con bò để sớm sớm nó cung cấp cho ông một ít sữa, thế thôi”.  

Cho nên “Tiền các ông có mà cũng chẳng khác gì bọn điền hộ cùng khốn kia, ruộng các ông nhiều song cũng vụn vặt ra từng thửa nhỏ, từng mảnh con, vì là đem cho thuê chia ra cho các điền hộ”.

“Nông dân nước ta có hai hạng, mà hai hạng lại có những bệnh căn như thế, thì sự nông chủng, không cải lương nông nghiệp, không chấn hưng là lẽ tất nhiên phải thế”.

Không thể “chịu để cho cái nghề gốc của ta cằn cỗi”, không chịu để cho “cái sinh mạng của ta héo hắt như thế” tác giả Giang Tả Tản Nhân đề xuất: “Phải làm sao cho trước hết là ruộng đất khỏi vụn vặt, sau nữa là đồng tiền được dồi dào. Mà muốn được thế thì không gì bằng có được hợp tác xã”.

Có thể nói, ngoại trừ quan điểm, tư tưởng về hợp tác xã của Hồ Chủ tịch được viết từ năm 1922 ở Pháp, với các tài liệu xuất bản trong nước thời Pháp thuộc thì đây là ý tưởng xây dựng hợp tác xã rất sớm.

Trong đoạn cuối cùng của loạt bài viết, tác giả Giang Tả Tản Nhân kết luận: “Cứ ý riêng tôi thì phương thuốc ấy có thể chữa cho cái bệnh cằn cọc của cái nghề gốc nước nhà được. Phương thuốc ấy hoặc giả là một phương thuốc của anh lang vườn, mà cái hi vọng kia hoặc giả là cái hi vọng xây lầu bên Tây Ban Nha chẳng hạn, song cũng mong các ngài trù tính cho mau, bàn bạc cho kĩ mà thử thí nghiệm xem. Có làm ra thì ta mới biết những sự bất tiện mà sửa đổi cái phương pháp hoàn toàn cũng như bộ máy có chạy thử thì mới biết cái hỏng ở chỗ nào mà sửa chữa được”.

“Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm hợp tác xã là trong báo cáo gửi Ban biên tập về hoạt động của báo Le Paria vào cuối năm 1922. Tại phiên họp lần thứ 7 Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân 13/10/1923 và sau đó tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ, Người đã trình bày về tình hình hợp tác xã ở Việt Nam và giải thích lý do tại sao ở Việt Nam người lao động chưa thành lập các hợp tác xã. Vấn đề hợp tác xã được Hồ Chí Minh trình bày một cách đầy đủ, dễ hiểu hơn khi soạn bài giảng cho lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc (những bài giảng này sau được tập hợp in thành cuốn sách "Đường Kách mệnh" xuất bản vào năm 1927)”.

Theo bài "Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác xã" của Nguyễn Minh Đức.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất