, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 01/12/2021, 11:11

Những mô hình khuyến nông vươn lên thành nghề trên núi đá Hà Giang

TÙNG ĐINH
(nongnghiep.vn)
Chỉ sau vài năm, những mô hình khuyến nông hiệu quả trên vùng núi đá Hà Giang đã lan tỏa, nhân lên lên thành nghề, giúp nông dân làm giàu.
Mô hình nuôi bò vỗ béo theo quy trình kỹ thuật, chủ động trồng cỏ làm thức ăn được nhân rộng từ dự án khuyến nông trong giai đoạn 2013 - 2015 tại huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Dọc các tuyến quốc lộ từ Thành phố Hà Giang về huyện Mèo Vạc bây giờ, đi đến đâu cũng thấy những đồi, những vạt cỏ xanh tốt, với những giống cỏ voi xanh Đài Loan, cỏ Guatemala, đây đều là những nguồn thức ăn thô xanh quý giá cho chăn nuôi gia súc ở vùng núi đá từng một thời đất đồi nương trơ trọi.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG), sự xuất hiện của những đồng cỏ ở khắp nơi trên vùng núi đá Hà Giang là minh chứng cụ thể nhất cho việc bà con nông dân đã tiếp nhận và nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả mà hệ thống khuyến nông triển khai từ gần 10 năm trước.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp Hà Giang, diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trên toàn tỉnh đã đạt trên 18.200 ha, trong đó chủ yếu là giống cỏ VA06 chiếm trên 62% tổng diện tích và tổng số đàn trâu bò của tỉnh năm 2021 đạt trên 277.000 con.

Từ chăn thả sang nuôi nhốt

Trong giai đoạn 2013 – 2015, TTKNQG đã hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang triển khai mô hình nuôi bò vỗ béo trên địa bàn 2 huyện Mèo Vạc và Đồng Văn với quy mô 300 con bò nuôi vỗ béo/3 năm với phương thức hỗ trợ 100% thức ăn tinh, thuốc thú y cho bò thịt; người dân đối ứng bò để nuôi vỗ béo, chuồng nuôi, cám ngô, thức ăn thô xanh, công lao động.

Sau 3 tháng triển khai, mỗi con bò tăng được hơn 74 kg/con, trong khi đó nếu nuôi theo chế độ thông thường của người dân địa phương thì sau 3 tháng bò chỉ tăng được 40 kg/con. So sánh về tài chính, mỗi con bò nuôi theo kỹ thuật mới đạt gần 7,5 triệu đồng so với bò chăn thả truyền thống chỉ được gần 3 triệu đồng/con, tăng hơn 100%.

Từ chăn thả, hiện nay đa số người chăn nuôi ở Hà Giang đã chuyển sang hình thức nuôi nhốt, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Tùng Đinh.

Thành công của dự án đã giúp thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, giúp bà con hiểu rõ hơn trong việc đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tránh được hiện tượng bò già yếu đổ ngã, chết do đói rét trong mùa đông. Bò tăng trọng tốt giúp thu nhập của các hộ dân tăng lên rõ rệt, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội tiếp cận khoa học công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến.

Thành công này đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay, góp phần chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân các huyện vùng cao núi đá của Hà Giang.

Một điều quan trọng nữa là nhờ quá trình tuyên truyền, tập huấn của lực lượng khuyến nông địa phương, đến nay hầu như toàn bộ người chăn nuôi đại gia súc ở Hà Giang đã chuyển từ chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi nhốt chuồng, có bổ sung thêm thức ăn tinh.

Đến thăm một số hộ chăn nuôi bò H’mong bản địa tại huyện Mèo Vạc, ông Lê Quốc Thanh chia sẻ: “Từ lúc bắt đầu dự án, cán bộ khuyến nông phải thuyết phục từng người dân để trồng cỏ, làm chuồng nuôi bò, có thể nói là rất khó khăn. Nhưng đến nay, đây đã trở thành một nghề phổ biến của bà con ở Hà Giang.

Với những kỹ thuật được chuyển giao, bà con nông dân ở Mèo Vạc, ở Đồng Văn luôn chủ động để đảm bảo đàn gia súc luôn được chăm sóc tốt nhất, không bị chết trong mùa đông giá rét của vùng núi hay giảm được tối đa thiệt hại khi dịch bệnh xuất hiện.

Theo cán bộ khuyến nông huyện Mèo Vạc, chăn nuôi trâu, bò vỗ béo đã trở thành nghề cho nhiều hộ với quy mô từ 3 đến 5 con/lứa trong thời gian 3 tháng/lứa. Lợi nhuận sau khi nuôi vỗ béo đạt bình quân trên 4 triệu đồng/con, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người chăn nuôi trâu, bò vỗ béo (trên 50 triệu đồng/hộ/năm).

Ở Hà Giang hiện nay, đi đâu cũng có thể thấy được những mảng cỏ xanh mướt trên núi đá phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi đại gia súc của người dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Thâm canh cỏ

Để đạt được thành công trong chăn nuôi đại gia súc ở Hà Giang, phải kể đến sự thay đổi nhận thức của người dân, tiếp thu kỹ thuật khuyến nông để trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò. Nổi lên trong đó là dự án thâm canh và chế biến cỏ do TTKNQG và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc triển khai tại huyện Bắc Mê.

Mục tiêu của dự án là xây dựng 120 ha mô hình trồng thâm canh cỏ đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Theo đó, dự án đã lựa chọn giống cỏ voi xanh Đài Loan và cỏ VA06 để triển khai tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La và Hà Giang.

Tại Hà Giang, đến cuối tháng 11/2021, dự án đã triển khai trồng được 12 ha do 30 hộ tham gia thực hiện tại xã Lạc Nông, huyện Bắc Mê. Năng suất cỏ đạt 204,1 tấn/ha/4 lứa và dự kiến đến hết năm sẽ thu thêm 1 lứa. Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng mô hình chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua quy mô 20 tấn cỏ với số hộ tham gia là 12 hộ tại xã Lạc Nông.

Đại diện các hộ tham gia dự án trồng cỏ thâm canh cho biết, khi sử dụng giống cỏ mới và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cỏ. Cụ thể, năng suất đạt được cao hơn năng suất các vườn cỏ của người dân trong vùng > 30%.

Nông dân tại huyện Bắc Mê, Hà Giang ủ chua cỏ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông làm thức ăn dự trữ cho gia súc, đặc biệt là trong mùa đông. Ảnh: Tùng Đinh.

Trong khi đó, mô hình bảo quản chế biến cỏ bằng phương pháp ủ chua của dự án đảm bảo chất lượng cỏ, giảm hao hụt dinh dưỡng và kéo dài thời gian bảo quản lên 4 - 5 tháng. Kết hợp việc rải vụ thu cắt cỏ vào cuối năm và ủ chua cỏ, đã giải quyết tình trạng thiếu thức ăn thô xanh cho trâu bò trong mùa đông khô lạnh.

Chia sẻ tại khu vực trồng cỏ thâm canh của xã Lạc Nông, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc TTKNQG khẳng định, các giải pháp công nghệ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc đã được tích hợp thể hiện rõ trong mô hình này.

“Mùa đông sắp đến, đối với các tỉnh vùng miền núi phía Bắc để bảo vệ đàn gia súc qua đông, yếu tố đầu tiên phải có đủ lượng thức ăn để đàn gia súc, cần dự trữ đủ thức ăn và đảm bảo chất dinh dưỡng. Mô hình này tương đối hoàn thiện để giải quyết bài toán đó”, ông Lê Quốc Thanh khẳng định và mong muốn mô hình này sẽ sớm được nhân rộng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, ông Ma Văn Tỏe cho biết, địa phương có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc và đang tiếp tục đẩy mạnh ngành nghề này với tổng số gần 26.000 con trâu bò và hơn 1.500 ha trồng cỏ. Tuy nhiên, đa số bà con vẫn đang chăn nuôi theo hình thức cho ăn trực tiếp chứ chưa ủ chua để tích trữ.

“Sau khi tiếp nhận kỹ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc, người dân tham gia dự án đã có thể chế biến, ủ chua cỏ làm thức ăn dự trữ cho gia súc.

Đây là một phương pháp rất tốt, có thể đảm bảo nguồn thức ăn qua đông cho trâu bò. Do đó, huyện sẽ nghiên cứu để triển khai, nhân rộng cách làm này cho người chăn nuôi trên địa bàn”, ông Ma Văn Tỏe khẳng định thêm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất