, //, :: GTM+7

Những mô hình trồng sen cải tạo nguồn nước ô nhiễm

ĐẶNG TUẤN

Hệ thống ao hồ ô nhiễm, đồng ruộng nước nhiễm phèn gây nên nhiều hệ lụy đối với đời sống của người dân. Tuy nhiên, người dân nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo để cải thiện môi trường, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hay, thú vị như mô hình trồng sen vượt lũ tại Long An, trồng sen trong hệ thống ao hồ di tích ở Huế, trồng sen trên ruộng nước nhiễm phèn ở nhiều vùng miền trên cả nước…

 

Cải tạo hồ trong Đại Nội để trồng sen.
Cải tạo hồ trong Đại Nội để trồng sen.

Long An: Thú vị với mô hình trồng sen lấy ngó trong mùa lũ

Mấy năm nay, vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng ở các xã thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An - nơi hiếm có loài cây nào có thể sống được, đang trở thành những vùng sen nở trắng đồng. Người dân vùng Đồng Tháp Mười đã hiện thực hóa điều đó với mô hình trồng sen lấy ngó trong mùa lũ. Vào mùa nước lên, khi các cánh đồng ngập nước trắng xóa, cũng là lúc sen vào mùa.

Cái hay của mô hình là không để khu vực đồng ruộng ngập nước không khai thác được, mở ra một loại hình xen canh mang lại thu nhập cho người nông dân. Hằng năm, sau hai vụ lúa đông xuân - hè thu, khi nước vừa chớm lên đồng, người dân đem sen giống cấy xuống và chờ 20 ngày sau là có thể thu hoạch ngó sen. Trong 3 tháng mùa lũ, việc quay vòng khai thác sen cũng giúp người dân thoát cảnh nông nhàn. Công việc trồng sen và khai thác ngó rất đơn giản, sen phù hợp thổ nhưỡng, dễ sống, chi phí không đáng kể.

Theo anh Nguyễn Văn Nhiều - huyện Tân Thạnh, người dân ở các xã Kiến Bình, Nhơn Ninh, Nhơn Hòa đang tích cực theo đuổi mô hình này, họ đã làm và làm rất hiệu quả. Cứ mỗi hécta trồng sen cho thu hoạch từ 10 - 15kg ngó sen, bình quân cho thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/ngày. Đây là một nguồn thu đáng kể cho người nông dân khi trái vụ, thay vì ngồi chờ nước lũ rút để trồng lúa.

Được biết, hiện chỉ tính riêng xã Nhơn Trạch đã có diện tích trồng sen lên đến trên 200ha. Điều đó cho thấy tính hiệu quả của mô hình trồng sen xen canh vượt lũ độc đáo của người dân hạ lưu vùng Đồng Tháp Mười này.

Quảng Trị, Hà Nam: Trồng sen trên ruộng đồng bị bỏ hoang do thường xuyên bị ngập nước

Thời gian gần đây, nhiều địa phương tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trồng sen kết hợp với du lịch. Tại các địa phương của huyện Triệu Phong, huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Vĩnh Linh và thành phố Đông Hà… sen được trồng chủ yếu ở những vùng thấp trũng như: đồng ruộng, đầm, ao, hồ thường xuyên ngập sâu trong nước. Thời gian sen cho thu hoạch kéo dài đến 3 tháng.

Sen được trồng 1 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2, sau 4 - 6 tháng có thể cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng. Nhờ có cây sen mà hiện nay hầu hết các diện tích ao, đầm ở những vùng thấp trũng trên địa bàn huyện Triệu Phong đã được khai thác đưa vào sản xuất, không còn bỏ hoang, để mặc ô nhiễm như trước, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ổn định cho nhiều hộ nông dân. Đây có thể xem là hiệu quả bước đầu của việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của những vùng đất này.

Tương tự Quảng Trị, Hà Nam cũng đã chuyển đổi các khu đồng trũng, đất chua cấy lúa kém hiệu quả là đồng Chuôn, Sao Sa, Thế Tường, Bắc Sáu Mươi và Nam Sáu Mươi để sang trồng sen. Diện tích này trước kia trồng lúa nhưng năng suất đạt thấp, bấp bênh do thường xuyên bị ngập úng, chất đất chua phèn, khó cải tạo. Hiện nay, trải qua mấy mùa sen cho thấy mô hình này rất hiệu quả. Sen dễ trồng, công chăm không lớn, dễ khai thác và các sản phẩm từ sen rất có giá, được ưa chuộng trên thị trường.

Những vùng chiêm trũng, đất chua trước đây giờ đã trở thành những vùng canh tác sen lớn, có nơi lên đến 40ha, vừa khai thác được sản vật, vừa đưa vào phục vụ du lịch sinh thái. Các vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước được cải thiện rõ rệt.

Thừa Thiên Huế: Cải tạo hệ thống ao hồ bị ô nhiễm trong kinh thành Huế để trồng sen trắng

Sen trắng là loài sen có cánh to, mềm mại, rất đẹp được người yêu hoa sen rất ưa chuộng. Loài hoa này một thời rất phổ biến ở Huế, được coi là loài hoa đặc trưng của Huế. Thời gian gần đây, sen trắng đã được một bạn trẻ sinh năm 1985 gắng công khôi phục thông qua việc cải tạo các hồ nước trong kinh thành Huế - những hồ vốn ngày càng ô nhiễm do hiện tượng phú dưỡng và sự thâm nhập của bèo, lục bình - để trồng sen.

Hồ sau khi được cải tạo để trồng sen ở Huế.
Hồ sau khi được cải tạo để trồng sen ở Huế.

Bạn trẻ đó là Phạm Thị Diệu Huyền, CEO của Mộc Truly Hue’s. Huyền cho biết để có thể sử dụng được diện tích mặt nước trồng sen, ngoài việc xin phép cơ quan chức năng, công việc cải tạo hồ rất vất vả. Sen trắng là loài sen kén chọn, chỉ sống được trong môi trường nước sạch. Trong khi đó, các hồ gần cửa An Hòa, cửa Quảng Đức, cửa Nhà Đồ (đại nội Huế), hồ tại Lăng Vua Thiệu Trị, hồ tại cổng làng Phú Lương A (huyện Phú Vang) trước đây thường xuyên bị ô nhiễm, rác rến tù đọng, bèo phủ kín, chất lượng nước ở mức báo động. Ví dụ như hồ trước cổng làng Phú Lương A, trước đây người dân thả nuôi vịt, không có nguồn nước đối lưu, hồ bị bồi lắng và tù đọng lá cây, bao ni lông, vỏ lon nhựa nổi bập bềnh mất mỹ quan và nước có mùi khó chịu. Đến nay, những hồ này đã được các bạn trẻ vớt hết rác, sen được đưa vào trồng sinh trưởng tốt, vừa đảm bảo cải tạo môi trường vừa tạo được cảnh quan, nhiều bạn trẻ đã tìm đến đây để check-in, chụp ảnh, điều mà trước đây không hề có.

Huyền cho biết thêm, mỗi hecta sen trắng nếu thu hoạch hoa thì được 2 tấn, còn nếu chỉ chuyên lấy hạt thì được khoảng 3 tấn hạt. Các sản phẩm làm ra từ sen rất đa dạng, hạt sen để nấu chè, tim sen để làm trà, ngó sen làm thực phẩm, lá sen còn được dùng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ như nón lá, túi xách, tranh… Tuy nhiên điều tâm đắc nhất với Huyền là lại được nhìn thấy những hồ sen thơ mộng nở rộ trở lại sau mấy chục năm vắng bóng ở đất cố đô.

ĐẶNG TUẤN

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất