, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/02/2022, 20:00

Những ngày K1 với những lần đầu tiên

PHẠM NGUYỄN HOÀNG LẬP SƠN
LTS: Phạm Nguyễn Hoàng Lập Sơn, 25 tuổi, là “cậu Út” được cưng chiều trong một gia đình đông anh chị em. Thế nên, giữa những ngày dịch bệnh bùng phát căng thẳng nhất đầu tháng 08/2021, việc anh “đùng đùng” xách đồ vô làm tình nguyện viên trong Bệnh viện Hùng Vương - nơi chữa trị cho các sản phụ không may mắc Covid-19 - không khỏi khiến cả gia đình hồi hộp, lo lắng. Nhưng Sơn đã trở về, mạnh khoẻ, lạc quan. Giữa những khoảng thời gian bận rộn, anh tranh thủ ghi lại những trải nghiệm khó quên của mình - những điều đã góp phần khiến anh nghĩ khác, sống khác. Nông Thôn Việt xin đăng lại nguyên văn những ghi chép này...
Hình minh họa.

Ngày 03/08/2021 - ngày đầu tiên làm việc

Sau khi có kết quả test PCR âm tính, mình được xếp vào khoa “Dinh dưỡng - tiết chế”. Công việc hằng ngày là hỗ trợ vận chuyển thực phẩm, hàng hóa cho khu vực căn-tin. Nơi đây đang là ổ dịch nên nhân sự cực kỳ thiếu. Mỗi người phải làm công việc của 2 - 3 người vì nhiều nhân viên của bệnh viện đã bị cách ly hoặc đang điều trị. Một ngày dài.

Ngày 06/08

Mấy ngày nay, mình có mặt lúc 6h sáng và nghỉ ngơi lúc 16h30. Thật ra ca làm chỉ tới 14h, nhưng mình thấy ổn khi giúp mọi người thêm chút. Kể ra công việc hơi đơn điệu, nhưng việc nào cũng cần cả! Làm thôi.

Ngày 08/08

Sau đợt luân chuyển nhân sự, mình được xếp vào làm việc trong khu vực cách ly K1. Căng thẳng bao trùm.

Khu cách ly K1 của bệnh viện Hùng Vương chỉ tiếp nhận và điều trị những sản phụ bị nhiễm Covid-19. Khu vực này có 4 tầng, với tầng 1 là những ca nặng nhất và phải sử dụng máy thở, tiếp sau đó là tầng 2 - 3 - 4 với các triệu chứng nhẹ dần. Tất cả các nhân viên và tình nguyên viên (TNV) trong khu K1 đều phải mặc trang phục bảo hộ cấp 3 - 4 liên tục suốt ca làm việc từ 8 - 12 tiếng mỗi ngày. Thật không sai khi nói ngành y tế hiện nay là ngành chịu nhiều áp lực nhất.

Buồn nhất, hôm nay, trong ca làm việc, mình phải chứng kiến một thai phụ ra đi cả mẹ lẫn con. Mình thấy một bạn TNV ở đội hộ sinh ngồi trong kho tầng 2 khóc nức nở. Là con trai, nhưng mình vẫn thấy mắt cay cay. Các anh chị y bác sĩ có vẻ bình tĩnh hơn, họ hầu như không ai nói với nhau câu nào ngoại trừ trao đổi thông tin làm việc. Có vẻ như ai cũng phải đeo trên vai một tảng đá vô hình với sức nặng khủng khiếp.

Ngày 12/08

Âm thanh đáng sợ! Từ lúc mình chuyển vào K1, thứ âm thanh gây ám ảnh nhất là tiếng báo động đỏ. Mình nghĩ đó là thứ âm thanh chói tai và ghê rợn nhất xuất hiện trong bệnh viện. Vào thời gian cao điểm này, hầu như mỗi ngày báo động đỏ sẽ reo 3 - 5 lần, chủ yếu là từ tầng 1. Chị hộ lý nói hầu như 70 - 80% các ca báo động đỏ là sẽ không qua khỏi. Mặc dù đã dốc hết sức lực và tinh thần, nhưng các bác sĩ đầu ngành hay trưởng khoa đều phải đối diện với khoảnh khắc đau buồn đó. Hy vọng tình hình sẽ khá hơn.

Ngày 13/08

Sài Gòn xưa giờ vẫn luôn là thành phố không ngủ. Nhưng không ngủ trong bệnh viện thì khác. Mỗi tuần, mình sẽ có 2 đêm trực từ 20h - 7h sáng hôm sau. Ngoài việc hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân và điểm danh mỗi buổi thì ca đêm kiêm thêm việc phát quần áo cho bệnh nhân sau 3h sáng. Đêm trực đầu tiên chào đón mình bằng những ca chuyển bệnh liên tục, từ phòng mổ hay box sanh chuyển lên các tầng, hay từ các tầng xuống lại tầng 1. Mình và chị làm chung ca cứ như con thoi từ tầng 4 xuống tầng 1 và ngược lại.

Ngày 20/08

Má hay nói “phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi”. Không thể thuyết phục hơn khi lần đầu tiên mình chứng kiến cảnh mổ bắt thai. Lần đầu tiên mình thấy sản phụ vỡ nước ối khi mình đang chuyển chị ấy xuống box sanh. Lần đầu tiên mình chứng kiến người phụ nữ vượt cạn và sự đau đớn về thể xác của họ để đưa một sinh linh bé nhỏ đến thế giới này. Lần đầu tiên mình cảm nhận được nỗi đau của người mẹ mất con. Lần đầu tiên mình thấy người phụ nữ trầm cảm sau sinh là như thế nào…

Và còn rất nhiều “lần đầu tiên” đau đớn mà mình mong là lần cuối cùng mình chứng kiến nó. Có thể thấy, mỗi người được sinh ra và tồn tại trên thế giới này đã là một điều kì diệu rồi. Bên cạnh đó, mình nghĩ mọi nam giới nên một lần thử đặt mình vào vị trí làm mẹ, làm vợ để có thể hiểu được những gì mà người phụ nữ đã và sẽ phải đối mặt. Để từ đó chúng ta hiểu họ hơn, và nuôi dưỡng thêm tình yêu thương với những người phụ nữ xung quanh.

Ngày 25/08

“Những người hùng thầm lặng”. Trong cuộc chiến với Covid này, mình nghĩ ai cũng là người hùng. Có những “người hùng” ít được biết đến hơn dù cũng làm việc ở nơi tuyến đầu, ở môi trường nguy hiểm không kém. Đó là các cô nhân viên vệ sinh trong K1. Mỗi ca làm việc của họ kéo dài từ 8 - 10 giờ đồng hồ với bộ đồ bảo hộ cấp 3 dính trên người. Dọn dẹp và thu gom chất thải mà CHẮC CHẮN có chứa virus, đôi khi còn là máu, nước ối và chất bài tiết của bệnh nhân. Luôn giữ cho các khu vực sạch sẽ, thậm chí là từng bậc cầu thang. Phải sử dụng và tiếp xúc với một lượng lớn chất tẩy rửa mạnh mỗi ngày mà sau lớp faceshield cùng chiếc khẩu trang 3M mình vẫn bị choáng khi mùi xộc lên mũi lúc đi ngang qua. Mình không quên cảm ơn họ, mỗi lần như vậy đều nhận được câu trả lời quen thuộc: “Có gì đâu con, việc của cô mà”. Nhìn đôi mắt cô, mình biết sau lớp bảo hộ bít bùng đó là một nụ cười. Mong các cô luôn mạnh khoẻ và giữ vững tinh thần lạc quan!

Ngày 01/09

Ngoài giờ làm trong K1 thì mình tham gia thêm chương trình “Nối nhịp yêu thương” của bệnh viện. Chương trình này với mục đích chủ yếu là chụp hình các bé có mẹ là F0 sau đó in ra và gửi tặng các mẹ đang bị cách ly. Thử nghĩ xem, các mẹ sẽ hạnh phúc như thế nào khi được thấy đứa con mà mình mang nặng đẻ đau mà không được ở cạnh ngay sau lúc mới sinh? Với mình, mỗi lần trao tận tay bức ảnh đứa bé cho người mẹ thì đều rưng rưng xúc động. Đa số các mẹ khóc, mình cũng vậy, nhưng là khóc vì hạnh phúc. (Ít ra sau bộ đồ bảo hộ, khẩu trang và chiếc faceshield thì không ai biết mình cũng khóc, thật là may, đỡ xấu hổ).

Việc này làm mình tìm được một chút cảm xúc tích cực trong khoảng thời gian căng thẳng như thế này. Dù vậy, đôi khi mình gặp vài mẹ đang thở máy, không có ý thức với mọi thứ xung quanh hoặc mình phải chụp một số bé đang nằm lồng ấp. Những sinh linh nhỏ bé ấy chào đời với một cơ thể không được khoẻ mạnh, đã vậy không được có mẹ kề bên. Đặc biệt, có bé chào đời chỉ với 950g cân nặng nhưng phải cần hàng trăm kg thiết bị duy trì sự sống…

Ngày 07/09

Đôi khi những thứ nhỏ nhặt lại mang đến những niềm vui và hạnh phúc lớn lao cho mọi người hơn mình nghĩ. Các bệnh nhân khi chuyển xuống tầng 1 thì vật dụng cá nhân sẽ được các tình nguyện viên hay các chị hộ sản đóng gói, ghi thông tin và lưu kho đến khi bệnh nhân được chuyển lên lại. Có rất nhiều bệnh nhân bị chuyển xuống tầng 1 trong tình trạng mất ý thức, vậy mà khi được chuyển từ tầng 1 về lại thì hầu hết tư trang và vật dụng cá nhân đều nhận đủ, chỉ bị mất… dép. Một số tình nguyện viên quyên góp một cơ số dép dự trữ để tặng cho các bệnh nhân có nhu cầu. Quà nhỏ vậy, mà niềm vui của các mẹ thật lớn. Những chiếc máy hút sữa hay quần lót giấy dùng 1 lần cũng vậy, đến đúng lúc thật là vô giá.

Ngày 22/09

Mãi đến hôm nay mình mới để ý số bệnh nhân xuất viện ngày càng tăng, nhiều hơn số nhập viện nhiều lần. Hôm qua, thông tin bệnh nhân xuất viện mình ghi kín cả tay áo và hai ống quần của bộ đồ bảo hộ, trong khi ca nhập viện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các giường cũng đã trống dần, tầng 1 hôm nay chỉ còn hơn 20 giường bệnh. Một trong những tín hiệu báo rằng mọi thứ đã sắp qua và mình sắp trở về nhà. Những ngày tháng ở đây mình sẽ chẳng bao giờ quên.

Sài Gòn, 22/09, năm Covid thứ 2…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất