, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/11/2023, 14:00

Những người đi tìm "thuyền liền chèo"

MINH NGUYỆT
Là một nhóm của dân tộc Thổ ở Nghệ An, người Đan Lai từng có một quá khứ trốn chạy đau thương. Ngày nay, cộng đồng có biệt danh tộc người “ngủ ngồi” này lại đang trên hành trình phá thế cô lập nơi rừng sâu núi thẳm để vượt thoát đói nghèo chứ không còn là câu chuyện tìm “con thuyền liền chèo” như trong truyền thuyết về nguồn gốc của họ.
Sông Giăng.

Đánh vật với con đường vào bản

Không ít lần tôi đến Cò Phạt và Búng, hai bản người Đan Lai ở đầu nguồn con sông Giăng ở huyện Con Cuông (Nghệ An). Sông Giăng bắt đầu từ núi Pù Mát giáp biên giới Việt - Lào và hòa vào sông Lam tại địa phận huyện Thanh Chương. Lần nào đến đây, trong tôi cũng đầy ắp xúc cảm. Đó là một vùng đất có thể khiến người ta nhớ mãi.

Cuộc sống nơi đây khó khăn và con người nơi đây vẫn còn sót lại những thứ để có thể hình dung được về một thời người ta vẫn sinh sống theo từng bộ lạc, dù rằng, điện lưới đã đến nơi. Dù rằng nơi đây từ lâu cũng đã có trường học, có chính quyền cơ sở. Có hẳn một trạm và một tổ công tác của Đồn biên phòng Môn Sơn và một trạm kiểm lâm Vườn Quốc Gia Pù Mát.

Đường vào bản của người Đan Lai ở thượng nguồn sông Giăng vào mùa mưa.

Đầu tháng 9 cũng là lúc vào năm học mới. Mùa mưa như chực sẵn ở đâu đó ập về từ rừng thẳm, từ lòng trời, lòng sông. Đó cũng là lúc tôi trở lại hai bản người Đan Lai này. Tuyến đường từ trung tâm xã vào bản đầu tiên, Cò Phạt dài gần 20km, khổ ải bậc nhất ở huyện Con Cuông. Qua cầu treo Môn Sơn là những chặng dốc lầy lội nhão nhoẹt bùn và đá núi, đá dăm. Thi thoảng cũng gặp một số cầu cống, kè chống sạt đang xây dựng dang dở. Có những quãng, bùn lầy ngập nửa bánh xe gắn máy.

Cũng may, trước đó, chúng tôi mượn được chiếc Win, một thương hiệu từ Indonesia gầm cao, máy khỏe lại lắp lốp chống trơn. Chiếc xe của những người thợ rừng thuộc Công ty Lâm nghiệp huyện Con Cuông giúp chúng tôi phần nào dễ bề vượt dốc. Thế mà đến một hẻm núi tên là Khe Có thì chiếc xe khựng lại, bánh sau xoay tít. Tôi buộc phải ra sau đẩy xe, còn anh bạn đi cùng thì cố rồ ga. “Hai ba, đẩy. Nào!” - Anh bạn liên tiếp hô để lấy nhịp. Lên đến đỉnh dốc cả hai đều mướt mồ hôi trán. Nhìn xuống chiếc máy ảnh đeo trước ngực, ống kính đã nham nhở bụi đất.

Từ đỉnh dốc ngó sang phía bên kia, một nhóm người cũng đang rồng rắn đẩy xe. Đó là các giáo viên ở các điểm trường đang trên đường trở về nhà. Mới chiều thứ Năm. Buổi học cuối tuần và thứ Sáu chỉ còn lại các thầy giáo bộ môn mỹ thuật, thể dục, âm nhạc. Nghe đâu đây là chủ trương của nhà trường nhằm bố trí việc giảng dạy phù hợp với một vùng đặc thù như hai bản người Đan Lai. Các thầy cô dạy các môn chính có thêm một ngày nghỉ. Các bộ môn như mỹ thuật, âm nhạc được bố trí cuối tuần vào bản, đầu tuần dạy ở trường chính và các bản lẻ phía ngoài.

Giáo viên trường TH Môn Sơn 2 đẩy xe trên dốc núi.

Ngay giữa quãng dốc, tôi tình cờ gặp lại thầy giáo Lang Văn Hùng, người gắn bó với điểm trường bản Búng từ năm 2005. Trong suốt 18 năm qua, thầy giáo người Thái quê xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông gần như liên tục đứng lớp ở bản Búng. Năm 2013, trong lần đầu đến bản Búng, khi ấy chưa thể đi đường bộ mà chỉ có thể ngồi thuyền và đi bộ, tôi đã gặp thầy Hùng và nhóm giáo viên cắm bản. Đó là một người đàn ông thấp đậm, chắc nịch và là giáo viên nam duy nhất trong bản. Thường ngày, sau giờ lên lớp thầy giáo chỉ còn biết loanh quanh trong bản và rượu trở thành thứ chất kích thích giúp thầy tìm quên nỗi buồn nhớ nhà. “Cũng may là mình không mắc nghiện rượu như nhiều đàn ông ở đây” - tôi nhớ thầy Hùng cười rất sảng khoái và có phần tự hào. Bởi ngày đó hầu hết đàn ông nơi đây đều uống nhiều rượu và không ít người uống đến mắc nghiện.

“Gần mười năm qua đường sá vẫn vây. Bọn tôi cũng vẫn vậy. Mỗi tuần hai lần đẩy xe thế này đây. Ngày nắng thì dễ đẩy hơn.” - Thầy giáo Lang Văn Hùng nói và cùng một đồng nghiệp nữ loay hoay đưa xe vượt dốc. Còn tôi và người bạn đồng hành thì cố giữ cho chiếc xe máy không bị đổ kềnh khi xuôi trên đoạn dốc núi trơn nhầy.

Đó là đoạn dốc khó khăn cuối cùng trên đường vào bản Cò Phạt. Đi thêm một quãng nữa thì thấy ngôi nhà màu vàng lợp tôn xanh hiện ra. Nhà văn hóa cộng đồng bản Cò Phạt nổi bật giữa những mái tranh, mái lợp ngói và tôn xen kẽ nhau. Nhiều hơn hết vẫn là những mái nhà lợp lá cọ. Trong buổi chiều muộn, bản Cò Phạt hiện lên với vẻ đìu hiu buồn bã. Chúng tôi ghé vào một quán lá mới dựng đầu bản uống nước. Vậy là bản đã có quán bán hàng, điều mà tôi không thấy trong chuyến đi gần nhất cũng đã dăm năm. 

Buổi tối, tôi ngủ trong căn phòng y tế của Trạm biên phòng bản Cò Phạt. Trận đánh vật với quãng đường dốc suốt hai giờ đồng hồ đã cho tôi một giấc ngủ ngon lành đến sáng banh. Sau bữa sáng, chúng tôi tìm đến ngôi trường làng của các trò Đan Lai mong chụp được ít ảnh thì thấy cảnh tượng ngổn ngang gạch vữa. Ngôi trường cũ đã bị đập đi và đang xây lại trường mới. Cách đó không xa, trong một ngôi nhà ván gỗ, các trò tiểu học đang trong giờ học môn thể dục.

Bí thư chi bộ bản Cò Phạt, ông La Văn Linh cho hay: “Đây là nhà ông La Văn Đoàn cho nhà trường mượn chứ không có thuê mướn gì đâu. Vì con em là chính mà.” Còn thầy giáo Hà Anh Tuấn đang đứng lớp thì chia sẻ rằng có lẽ các học trò ở Cò Phạt còn phải học trong ngôi nhà tạm này khá lâu nữa. Chưa rõ bao giờ thì trường xây xong.

Học sinh bản Cò Phạt phải mượn tạm nhà dân làm lớp học.

Người Đan Lai là ai?

Bản Cò Phạt có 123 hộ dân với 506 nhân khẩu, hầu hết là người Đan Lai. Nhưng đây chỉ là một trong những điểm cư trú của nhóm dân tộc này.

Người Đan Lai hiện sinh sống chủ yếu ở huyện Con Cuông tại các xã Môn Sơn, Châu Khê. Ngày nay có thêm ở một số bản như Kẻ Tắt, Bá Hạ, Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn), bản Tân Sơn (xã Môn Sơn). Những bản mới ở Thạch Ngàn và bản Tân Sơn mới chỉ hình thành từ năm 2001, khi Chính phủ bắt đầu dự án bảo tồn người Đan Lai. Nhiều hộ đã được di dời từ bản Cồn đi lập bản mới. Nay bản cũ chỉ còn sót lại khoảng 30 hộ ở phía ngoài bản Búng.

Học sinh nhóm dân cư bản Con.

Ở xã Châu Khê, người Đan Lai chủ yếu ở bản Châu Sơn gần Quốc lộ 7, bản Khe Bu, Khe Nóng. Khe Bu có lẽ là nơi nhiều người Đan Lai sinh sống nhất với khoảng 600 nhân khẩu. Ngoài ra có một nhóm khác trên 50 hộ dân ở cụm dân cư Khe Nóng ở giữa rừng già thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp huyện Con Cuông, cách trung tâm xã Châu Khê 18km. Cụm dân cư này hình thành từ những năm 1960 khi những người Đan Lai ở bản Châu Sơn vào làm nương phát rẫy rồi ở lại luôn. Coi như một chốn định cư mới.

Trong truyền thống, người Đan Lai chủ yếu sống bằng nghề săn bắt, hái lượm, phát nương làm rẫy, ít chăn nuôi và không có nghề thủ công. Có lẽ vì thế mà cộng đồng này phải gắn bó với rừng núi, sông suối. Từ những năm 1950 có ông La Văn Bốn là người Đan Lai đầu tiên thoát ly khỏi làng bản và trở thành giáo viên rồi hiệu trưởng một trường trung cấp sư phạm trên địa bàn Nghệ An. Đó cũng là người Đan Lai thành đạt nhất cho đến ngày nay.

Cũng như người Thái trên địa bàn, người Đan Lai ở nhà sàn nhưng khá tạm bợ, lợp lá, vách nứa, tre đan nong mốt đơn giản. Gầm nhà sàn thường thấp, cầu thang lên khá đơn giản ghép từ những khúc gỗ nhỏ. Dưới gầm sàn ngày nay bà con vẫn thả gà, vịt, gia súc. Các nhà thường nằm sát nhau mà không có vườn liền kề. Theo một số cao niên thì họ ở vậy để tránh thú dữ như gấu, hổ, trăn. Nếu hổ có đến cũng dễ bề phòng hơn. Ngày nay một số nhà đã có vườn liền kề.

Để tránh thú dữ, người Đan Lai còn có một cách khác là ngủ ngồi. Nhưng ngày nay, chúng ta không còn thấy cảnh này nữa. Có lẽ thói quen vốn được truyền thông nhắc đến khá nhiều này đã mai một. Ông La Văn Linh từng tâm sự: “Trước đây nhiều thú dữ, khi ngủ người ta cắm một cái cọc có hai nhánh nhỏ rồi gác cằm lên chạc cây mà ngủ cạnh bếp lửa. Thú dữ thấy người ta vẫn ngồi thì cũng chờn. Đó chẳng phải là tục lạ gì đâu.”

Người Đan Lai chủ yếu có họ Lê và La. Một số gia đình từ bản Khe Nóng, một quần cư ở xã Châu Khê có thêm họ Viêng. Ở bản Khe Bu có những dòng họ khác như Vi, Lô vốn gốc gác là người Thái. Cộng đồng này được xếp là một nhóm của dân tộc Thổ. Ở Nghệ An, có khoảng 75.000 người Thổ sinh sống ở chủ yếu ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ. Các nhóm như Đan Lai, Lỳ Hà, Tày Poọng sinh sống ở các huyện Con Cuông và Tương Dương. Theo một số cư dân người Đan Lai thì họ có thể nghe được 80% tiếng Tày Poọng ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Thực tế này cho thấy ngôn ngữ của hai nhóm dân tộc này khá giống nhau.

Bé gái lớp 5 trên đường từ trường về nhà.

Có một câu chuyện rất phổ biến và hấp dẫn về nguồn gốc của người Đan Lai cho rằng cách đây khoảng trên 200 năm, tộc người này sống ở vùng đất Hoa Quân thuộc huyện Thanh Chương. Một ngày nọ chẳng biết là quan quân triều đình hay một nhóm phiến loạn nào đó đến làng của người Đan Lai và ra lệnh cho họ trong vòng một ngày phải tìm đủ cống phẩm gồm 100 cây nứa vàng và một con thuyền “liền chèo”. Trái lệnh cả làng sẽ bị sát hại.

Trưởng làng họp dân lại và bàn nhau làm thế nào để tìm ra cống phẩm đem nộp. Chẳng ai biết người ta muốn một trăm cây nứa bằng vàng hay màu vàng. Còn con thuyền “liền chèo” là thứ gì cũng chẳng ai rõ nốt. Để tránh tai họa, người ta bàn nhau bỏ trốn. Họ cứ thế men theo con sông Giăng mà ngược mãi. Đi đến sơn cùng thủy tận, không còn nhìn thấy người, đi đến khi phía trước chỉ còn rừng rậm núi non điệp trùng chẳng thể tiến bước nữa thì dừng. Từ đó, người Đan Lai tránh tiếp xúc với cộng đồng khác và cũng là để tránh sự truy tìm của những người đã đòi những cống vật oái oăm kia.

Sinh sống lâu dài trong thế cô lập như vậy, người Đan Lai chỉ kết hôn trong cộng đồng vì thế khó tránh hôn nhân cận huyết. Nạn tảo hôn cũng khá phổ biến. Những tập quán này đặt cả cộng đồng vào một tình trạng nguy nan, đó là sự suy yếu của giống nòi. Chủ trương bảo tồn người Đan Lai là nhằm phá thế cô lập của cộng đồng này và giúp họ tiếp xúc với thế giới bên ngoài và từng bước phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội. 

Từ những năm 2000 trở đi, người Đan Lai đã có những bước hòa nhập cơ bản. Hiện nay, cộng đồng này cũng đã có những người tốt nghiệp đại học, làm bác sỹ và được bố trí những công việc quan trọng trong hệ thống chính quyền. Cuộc sống đã thực sự thay đổi ở một số bản mới.

Học trò Đan Lai tập viết.

Đi tìm con thuyền

Chúng tôi không thể đi đường bộ để vào bản Búng. Trận lũ đầu tháng 9/2023 đã cuốn trôi cây cầu tạm trên tuyến đường từ Cò Phạt vào bản Búng và chúng tôi phải đi nhờ thuyền của đoàn công tác của Vườn Quốc Gia Pù Mát. Đây cũng là quãng sông hung dữ nhất. Nhiều khi con thuyền tưởng như muốn lật úp khi va vào những bãi đá ngầm. Chốc chốc, người phụ lái lại dùng sào chống thuyền tránh những tảng đá nhô lên mặt sông, có khi là những rặng cây sà xuống từ bờ sông.

Bản Búng nép mình bên dòng sông Giăng mờ ảo trong màn mưa mùa Thu. Theo trưởng bản La Văn Chín thì hiện trong bản có 117 hộ với 508 dân. Đại bộ phận là hộ nghèo.

Chúng tôi dạo quanh bản một lượt. Dưới những mái nhà tranh, từng tốp phụ nữ túm tụm tán chuyện. Hầu hết đều tay bồng tay bế. Có một bà mẹ nói năm sinh của mình là 2002 khiến anh bạn đi cùng tôi, một trai tân tuổi 30 ngạc nhiên vì lỡ chào bằng “cô”. Cuộc sống vất vả khiến những phụ nữ nơi đây có vẻ già hơn độ tuổi thật. Nhiều chị em trong cảnh đông con. Đàn ông, đàn bà nơi đây chỉ ở nhà vào ngày mưa. Nắng ráo là lên rừng hái măng, rau, săn bắt thú nhỏ hoặc ra ruộng cấy lúa. Một bộ phận nhỏ khá khẩm hơn nhờ nghề lái thuyền chở hàng, chở khách trên sông Giăng. Không phải ai cũng làm được nghề này bởi cần có kỹ năng và một khoản đầu từ khoảng 30 triệu để sắm thuyền máy. Đó là một món tiền lớn với những ông bố bà mẹ sống bằng nghề hái lượm, lại đông con.

Những phụ nữ ở bản Búng.

Tại ngôi trường bên rìa bản, hơn 60 học sinh tiểu học đang trong giờ mỹ thuật. Dù bản vẫn đìu hiu nhưng phòng học nom khang trang. Nhưng theo thầy giáo Lang Văn Hùng thì vẫn thiếu trang thiết bị giảng dạy. Hơn 10 giờ trưa, tiếng trống trường vang lên. Bầy trẻ tan học. Một nhóm trò khoảng chục em ở bản Cồn cách điểm trường khoảng 3km bắt đầu băng đồi trở về nhà. Em Lê Văn Tài, học sinh lớp 5 cho biết từ mẫu giáo đã đi trên quãng đường này. Nhiều trẻ khác khi được hỏi chỉ cười rúc rích. Vẻ hồn nhiên bẽn lẽn của bầy trẻ cho thấy đối với các em quãng đường này đã là điều bình thường trên con đường chinh phục con chữ.

32 tuổi, trưởng bản La Văn Chín là ông bố của 5 đứa con. Hai gái lớn đang học lớp 6 và 7 tại trung tâm xã. Đứa nhỏ nhất vừa đi nhà trẻ. Mỗi đầu tuần “ông bố quốc dân” lại đèo hai con ra trường trên chiếc xe máy. Mùa lũ, cầu trôi, anh phải nhờ người giúp khiêng xe rồi cõng con vượt suối. Cuối tuần lại đón con về trên những cung đường đèo dốc. Phụ cấp trưởng bản không đủ tiền đóng học cho con, người cha phải làm thêm các nghề khác như phụ hồ, hái măng. Gia cảnh như anh Chín khá phổ biến ở bản Búng cũng như Cò Phạt.

“Cho con đi học để con khá hơn cha.” - La Văn Chín tâm sự. Anh học dở cấp 2 thì trở về nhà đi rừng hái măng rồi lấy vợ sinh con và được bầu làm trưởng bản từ dăm năm nay. Anh tâm sự việc học ở vùng thượng nguồn sông Giăng còn nhiều gian nan nhưng cũng đỡ hơn trước rất nhiều rồi.

Người Đan Lai ở thượng nguồn sông Giăng ngày nay lại đang trên con đường đi tìm “con thuyền liền chèo” của họ. Nhưng không phải con thuyền trong truyền thuyết. Đó là một thứ rất khác, một lối đi để thoát cảnh nghèo khó. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất