, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 26/02/2023, 16:05

Những nhà khoa học nữ và “cuộc cách mạng” trong bào chế thuốc kháng nọc rắn

NHƯ Ý - theo Telegraph
(phunuonline.com.vn)
Nhiều năm qua, kỹ thuật sản xuất thuốc kháng nọc rắn vẫn gần như không thay đổi. Một số nhà khoa học nữ đang mong đợi một “cuộc cách mạng”.
Nhân viên tại “trại rắn” đang tiến hành lấy nọc từ một con rắn lục Malaysia.
Nhân viên tại “trại rắn” đang lấy nọc từ một con rắn lục Malaysia

Giữa lúc 1 nhân viên của “trại rắn” đang cẩn thận giữ chặt đầu con rắn lục Malaysia bằng tay không, chờ nó phun tia nọc cực độc vào đĩa lấy mẫu chuyên dụng, bác sĩ Lawan Chanhome khẽ nghiêng người yên lặng quan sát.

“Tôi từng bị 1 con rắn lục Malaysia cắn ở tay. Chuyện xảy ra nhiều năm trước… 1 giờ ngay sau khi bị thương, tôi được tiêm huyết thanh kháng nọc phù hợp. Tôi phải nằm viện 4 ngày, nhờ có thuốc và được điều trị kịp thời, tôi không phải mất ngón tay” - Chanhome chia sẻ. Vụ tai nạn xảy ra khi cô đang cho một con rắn lục con ăn, và đây không phải trường hợp hiếm thấy với nữ bác sĩ hiện là viện trưởng “trang trại rắn” lớn thứ hai thế giới.

Đứng trước các “rào cản” cũ

Bác sĩ Lawan Chanhome.
Bác sĩ Lawan Chanhome

Ẩn mình giữa các dãy nhà chọc trời ở thủ đô Bangkok sầm uất của Thái Lan, trung tâm chăn nuôi rắn và bào chế thuốc kháng nọc nơi Chanhome làm việc trực thuộc Viện Nghiên cứu tưởng niệm Nữ hoàng Saovabha (QSMI), đã có lịch sử phát triển hơn trăm năm. Đây là nhà của 1.500 con rắn thuộc 50 loài khác nhau, trong số này có vài loài được liệt vào nhóm nguy hiểm nhất Đông Nam Á.

Nơi này có kiến trúc như một cơ sở nghiên cứu y khoa điển hình, dãy phòng dọc theo hành lang dài chứa đầy những chiếc hộp nhỏ là chuồng nuôi rắn. “Cư dân” nổi tiếng tại đây là rắn hổ mang, với khoảng 600 con. Phần lớn chúng được sinh ra và nuôi dưỡng ngay ở QSMI, số còn lại do người dân địa phương đưa đến sau khi tình cờ phát hiện trong khu vực lân cận.

Rắn hổ mang - tương tự rắn lục Malaysia và 5 loại rắn kịch độc khác - thường trải qua chu trình “vắt” nọc đều đặn. Kế tiếp, chuyên viên của trung tâm sẽ xử lý, chiết xuất nọc độc để sản xuất thuốc kháng nọc. Sản phẩm huyết thanh kháng nọc rắn của QSMI được tin dùng tại Thái Lan cũng như được xuất khẩu sang nhiều nước Đông Nam Á.  

Khu vực trưng bày các loài rắn tại QSMI
Khu vực trưng bày các loài rắn tại QSMI

Ước tính hằng năm, Đông Nam Á ghi nhận 242.600 trường hợp bị rắn độc cắn, trong đó có gần 16.000 ca tử vong. Đối lập với số nạn nhân tăng giảm khó lường thường niên, hơn 100 năm qua, kỹ thuật sản xuất thuốc kháng nọc rắn áp dụng ở những cơ sở như QSMI gần như không thay đổi. Các nhà nghiên cứu tiêm một lượng nhỏ nọc độc vào ngựa (hoặc cừu, dê), sau đó thu thập protein kháng thể sản sinh từ cơ thể con vật có tác dụng chống lại độc tố.

Bác sĩ Chanhome e ngại: “Tiến trình sản xuất thuốc kháng nọc có lẽ sẽ khó lòng thay đổi, ít nhất là ngay lúc này”.

Nữ bác sĩ có chung nỗi lo như nhiều chuyên gia thú y hiện nay. Kỹ thuật bào chế truyền thống không chỉ đắt đỏ, nhọc công mà còn cho thấy một số khuyết điểm chưa thể khắc phục. Huyết thanh kháng nọc lấy từ ngựa tiềm ẩn nguy cơ khiến người bệnh khó tiếp nhận và chỉ được phép sử dụng ở bệnh viện, tuân theo phác đồ điều trị cụ thể. Vấn đề gây trăn trở khác nằm ở tính đa dạng của nọc độc rắn. Khác biệt nơi thành phần chất độc đồng nghĩa cần có các loại huyết thanh kháng nọc khác nhau, tương ứng với từng loài rắn.  

Cách QSMI khoảng 1 giờ lái xe, tại Đại học Chulalongkorn danh tiếng, 1 nữ đồng nghiệp đang muốn “hóa giải” nỗi lo của Chanhome với ý tưởng sản xuất thuốc kháng nọc rắn từ thực vật.

Năm 2019, tiến sĩ ngành Khoa học dược phẩm Suthira Taychakhoonavudh sáng lập công ty khởi nghiệp Baiya Phytopharm chuyên điều chế kháng thể và vắc xin phòng ngừa - điều trị bệnh. Đội ngũ điều hành công ty kỳ vọng, có thể đơn giản hóa lẫn giảm thiểu chi phí sản xuất thuốc kháng nọc rắn bằng cách sử dụng cây thuốc lá, thay vì ngựa, làm “nền tảng trung gian”.

Hướng đi mới cho tương lai

Cây thuốc lá có thể trở thành “ngôi sao mới” trong lĩnh việc nghiên cứu điều chế thuốc kháng nọc rắn.
Cây thuốc lá có thể trở thành “ngôi sao mới” trong lĩnh vực nghiên cứu điều chế thuốc kháng nọc rắn

“Nhà máy” sản xuất kháng thể nọc rắn từ thực vật của Baiya Phytopharm ở tầng 11 Đại học Chulalongkorn gần đây đã trở thành địa điểm thu hút khách tham quan. Những chậu ươm nhỏ chứa chồi cây thuốc lá được sắp đặt ngăn nắp trên kệ. Trong phòng thí nghiệm, chúng được tiêm vào một loại vi khuẩn biến đổi gen nhằm kích thích tạo kháng thể đơn dòng (kháng thể nhân tạo có chức năng mô phỏng hoạt động hệ miễn dịch), vốn sau đó được “thu hoạch” như một dạng thuốc kháng nọc rắn. Việc giải mã gen vi khuẩn sử dụng cho quá trình bào chế giúp các nhà khoa học xác định kháng thể được sản sinh sẽ chống lại loại nọc độc cụ thể nào.     

Tiến sĩ Taychakhoonavudh nhấn mạnh, nhu cầu về thuốc điều trị kháng nọc rắn tại khu vực Đông Nam Á rất cao. Thế nhưng tình trạng khan hiếm nguồn huyết thanh đang làm khó không ít quốc gia. Ở Lào, chỉ khoảng 4% nạn nhân bị rắn độc cắn có thể tiếp cận thuốc kháng kịp thời. Ở Indonesia, con số này là 10%, Philippines là 26% và Việt Nam là 37%.

“Đông Nam Á là một thị trường lớn của các loại thuốc kháng nọc. Nhưng trên hết, chúng ta cần giải được bài toán chi phí nghiên cứu và giá thành sản phẩm” - tiến sĩ  Taychakhoonavudh nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất