, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 05/09/2022, 13:30

Những nông dân thời 4.0

BÙI TÙNG
(baolongan.vn)
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, những nông dân thời công nghệ 4.0 đang chuyển mình, thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận hơn với nền nông nghiệp thông minh.

Làm giàu từ cây rau

Đến xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, những ngày này, nhìn những ngôi nhà khang trang nằm xen kẽ giữa những vườn rau xanh mướt, đường sá thông thoáng, xanh, sạch, đẹp,... có thể thấy đời sống kinh tế của người dân nơi đây đã có sự thay đổi ngoạn mục.

Theo chân cán bộ Hội ND xã, chúng tôi đến gia đình ông Trần Ngọc Oanh (ấp Long Giêng, xã Phước Hậu) - một trong những ND đầu tiên thực hiện mô hình sản xuất rau theo hướng công nghệ cao (CNC). Ngồi bên căn nhà khang trang, cạnh vườn rau xanh mướt, nhấp ngụm trà nóng, ông Oanh tâm sự, để có được thành quả như ngày hôm nay tất cả là nhờ cây rau. Trước đây, cũng như bao người dân địa phương, ông chủ yếu canh tác theo phương thức truyền thống, chạy theo sản lượng, sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi mức sống người dân ngày càng cao, nhu cầu về rau sạch cũng tăng, ND cũng vì vậy mà phải thay đổi tư duy sản xuất.

Ông Trần Ngọc Oanh là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau

Nhận thức được điều đó, ông Oanh đã tích cực tìm hiểu và tham gia các khóa tập huấn về sản xuất rau, quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng CNC vào sản xuất do địa phương tổ chức. Sau khi nắm vững kiến thức, năm 2015, ông đã quyết định đầu tư xây dựng 2 nhà màng, mỗi nhà 1.000m2 cùng hệ thống tưới tự động và ứng dụng men vi sinh vào sản xuất các chủng loại rau ăn lá, rau gia vị như cải ngọt, tía tô,... Trung bình mỗi năm, ông trồng 6 vụ, mỗi vụ đem lại lợi nhuận cho gia đình hơn 30 triệu đồng.

“Việc ứng dụng CNC vào trồng rau, tôi thấy được lợi rất nhiều, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra, mật độ sâu, rầy cũng giảm đáng kể. Nếu mình kỹ có thể khống chế được 99% sâu, bệnh phá hoại nên giảm được rất nhiều chi phí sản xuất. Đặc biệt, trước đây, canh tác theo phương thức truyền thống, mỗi vụ phải xới đất nhiều lần, còn canh tác trong nhà màng mỗi vụ chỉ cần 2 - 3 lượt xới. Mặt khác, nhờ hệ thống tưới tự động, mình duy trì độ ẩm của đất và tiết kiệm được nhân công, lợi nhuận tăng gấp nhiều lần” - ông Oanh phấn khởi nói.

Theo Chủ tịch Hội ND Việt Nam xã Phước Hậu - Võ Thanh Trai, toàn xã có 400ha rau. Từ mô hình của ông Oanh, đến nay, xã có trên 310ha sản xuất rau ứng dụng CNC. Hiện địa phương tiếp tục tuyên truyền, lựa chọn các mô hình, công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế để nhân rộng nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho ND.

Trồng thanh long theo hướng GlobalGAP

Hiện nay, sản xuất thanh long theo hướng VietGAP, GlobalGAP cho sản phẩm sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe con người và môi trường nông thôn là hướng đi đúng, được nhiều ND vùng chuyên canh thanh long huyện Châu Thành áp dụng. Điển hình là ông Nguyễn Văn Hôi - ND sản xuất giỏi cấp tỉnh ở xã An Lục Long.

Trước đây, gia đình ông Hôi trồng 0,5ha lúa, mỗi năm 2 - 3 vụ. Nhận thấy trồng lúa mang lại thu nhập không cao; đồng thời, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương về việc chuyển đổi sản xuất, năm 2011, ông quyết định cải tạo lại toàn bộ diện tích đất, chuyển sang chuyên canh thanh long ruột đỏ. Sau khoảng 3 năm, thanh long đã cho thu hoạch ổn định với năng suất đạt từ 20 tấn/ha trở lên. Hàng năm, thu nhập của gia đình ông Hôi từ vườn thanh long cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trước đây.

Vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Hôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP

Nhận thấy nhu cầu của thị trường về nông sản ngày càng cao, đặc biệt nông sản muốn xuất khẩu ổn định thì phải đạt tiêu chí GAP (VietGAP hoặc GlobalGAP), liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác,... ông Hôi quyết định chuyển đổi từ sản xuất theo kiểu truyền thống sang tiêu chuẩn VietGAP rồi GlobalGAP và tham gia vào Hợp tác xã Thanh long Long Hội (xã An Lục Long, huyện Châu Thành).

Ông Hôi chia sẻ: “Để áp dụng quy trình canh tác thanh long VietGAP, GlobalGAP cho ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, ND cần tuân thủ những quy định như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch, phải ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực,...".

Vườn thanh long của ông Hôi cũng như của các thành viên Hợp tác xã Thanh long Long Hội từ năm 2017 đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tấm giấy thông hành đáng giá để sản phẩm thanh long nơi đây thâm nhập vào thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý, từ khi sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và tham gia hợp tác xã, gia đình ông Hôi cũng như các thành viên HTX có nhiều lợi ích. Đó là nông sản hàng hóa ổn định đầu ra, không phải lo điệp khúc “được mùa, mất giá”, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng, chất lượng cuộc sống nâng lên, sức khỏe và môi trường nông thôn được bảo đảm.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa

Những năm gần đây, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị bệnh cho lúa được nhiều ND huyện Vĩnh Hưng ưa chuộng sử dụng. Thấy được sự tiện lợi của thiết bị bay phun thuốc, hiện nay, nhiều ND tại huyện Vĩnh Hưng mạnh dạn tự bỏ vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ để mua thiết bị bay về phun thuốc cho ruộng lúa nhà mình và làm dịch vụ.

Năm 2019, anh Phan Thanh Hưng, ngụ ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, đầu tư gần 500 triệu đồng để mua thiết bị bay có dung tích 10 lít về phun thuốc, bón phân cho ruộng lúa của gia đình. Năm 2021, anh Hưng tiếp tục đầu tư hơn 500 triệu đồng mua thêm 1 thiết bị bay phun thuốc có dung tích 20 lít để vừa làm ruộng nhà, vừa làm dịch vụ cho các chủ ruộng lúa xung quanh.

Anh Phan Thanh Hưng (bìa phải) mạnh dạn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để mua 2 thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật

Anh Hưng chia sẻ: “Thiết bị bay này vừa phun nhanh mà chi phí lại rẻ, chỉ tốn từ 130.000 - 160.000 đồng/lần phun thuốc/ha, tiết kiệm chi phí lên đến 6 triệu đồng/ha/vụ. Một thiết bị bay có thể phun từ 15 - 30ha/ngày và trung bình mất khoảng 10 phút để phun cho 1ha lúa, nhanh hơn 15 lần so với phun thuốc truyền thống. Phun thuốc bằng cách này không giẫm đạp lúa trong quá trình phun và hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất”.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn, toàn huyện hiện có khoảng 57.000ha đất canh tác lúa trong năm. Việc ứng dụng thiết bị bay phun thuốc giúp ND không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc, giảm số lần phun thuốc và chi phí sản xuất,... Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục triển khai các mô hình về áp dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay để đánh giá về hiệu quả và quy trình kỹ thuật sử dụng thiết bị trong phun thuốc cho lúa một cách an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành sẽ thí điểm triển khai mô hình sử dụng thiết bị bay sử dụng luôn cho sạ lúa và phun phân, kết hợp thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm chi phí nhiều hơn trong sản xuất lúa.

Không chỉ có ông Oanh, ông Hôi, anh Hưng mà nhiều hộ nông dân thời đại 4.0 trên địa bàn tỉnh đã và đang bắt nhịp với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chủ động, nhanh nhạy thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất