, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/03/2023, 06:00

Những nông trại tuần hoàn được tạo ra từ những nông dân sinh thái

HOÀNG ANH
Những ưu Việt từ mô hình V-A-C (vườn - ao - chuồng) có từ nhiều thập niên trước, tưởng chừng như đã bị lãng quên thì nay lại đang tạo ra những người nông dân, doanh nghiệp sinh thái.

Nông nghiệp không phát thải

Ninh Thuận – vùng đất “nắng như rang, gió như phang” sẽ chẳng phải là lý tưởng với nhiều người làm nông nghiệp. Vậy nhưng, nông trại Nắng và Gió (thuộc Công ty Cổ phần Tthực phẩm G.C) tại xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã và đang làm thay đổi suy nghĩ đó. Nông trại 120ha như một hệ sinh thái thu nhỏ, vận hành tuần hoàn vật nuôi và cây trồng trong nông trại nuôi nhau. Vườn hàng trăm héc-ta nha đam và các loại rau quả như khổ qua, mướp, bầu, bí, cà chua, dưa leo, cải xanh, rau muống, rau dền, táo… Ao ngoài vai trò dự trữ, cung cấp nước tưới cho cây trong vườn còn tạo thêm nguồn thu từ các loại cá nước ngọt. Chuồng với bò, cừu, heo đen, gà… chăn thả tự nhiên.

Hàng ngàn con bò mỗi ngày thải ra một lượng phân khổng lồ được ủ hoai cùng nguồn vỏ thải ra từ quy trình chế biến hàng trăm tấn lá nha đam mỗi ngày tạo thành thứ phân bón hữu cơ chất lượng bón cho chính các loại cây trồng trong nông trại. Vỏ lá nha đam cũng được ủ lên men thành thuốc trừ sâu sinh học trị bệnh cho cây trồng. Phân gia súc, rác từ cây trồng còn trở thành thức ăn của trại trùn quế.

Trùn quế ở đây có vai trò như bộ máy xử lý phân tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh thượng hạng cho nông nghiệp sạch. Loại vật nuôi này còn trở thành thức ăn tươi cho gà, cá… hay được sấy khô, ép thành viên “fast food” (thức ăn nhanh) cho tôm, cá, heo bò. Cây trồng được bón dịch và phân trùn quế, cộng với thổ nhưỡng vùng đồi núi nhiều khoáng chất… khiến khả năng kháng bệnh, phát triển tự nhiên cũng vượt trội.

Mọi sản phẩm từ nông trại được nuôi trồng thuận tự nhiên, chất lượng cũng hơn hẳn. Rau quả ngoài bán tươi còn được chế biến như: thạch nha đam, táo sấy dẻo; bò vàng bản địa, cừu, heo đen được chăn thả nơi có không khí trong lành, nước sạch, nguồn cỏ hay nguồn phụ phẩm dinh dưỡng từ rau quả trong nông trại giúp thịt có chất lượng đặc trưng…

Nguồn thu của nông trại ngoài bán rau quả tươi hoặc chế biến, thịt gia súc gia cầm, còn đến cả từ phân (dạng tươi hay ép viên) và dịch trùn quế, các chế phẩm sinh học (thuốc trừ sâu bệnh, chế phẩm xử lý phân…). Nắng và Gió còn đang hướng đến mở cửa cho khách du lịch đam mê du lịch sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn.

Ở quy mô nhỏ hơn, lão nông Nguyễn Lê Việt (Hai Việt), chủ một nông trại có diện tích 5ha tại Bến Lức, Long An cũng tạo ra một “vòng tuần hoàn” cho riêng mình. Ông tận dụng nguồn phân vật nuôi, gia súc, phụ phẩm trồng trọt để nuôi trùn quế. Phân và dịch trùn quế là nguồn cung cấp dinh dưỡng, vi sinh cho cây trồng, giúp ông không phải bán phân bò rẻ mạt để mua phân hóa học đắt đỏ lại không tốt cho sức khoẻ người dùng. Trùn quế cũng là nguồn thức ăn chăn nuôi cho gà, vịt… giúp ông không phải bán lúa để mua thức ăn công nghiệp cho chúng.

Nông trại vận hành sinh thái tự bản thân đã giảm được dịch hại, do môi trường đất được “hồi sinh” một cách từ nhiên. Với ông, trong sinh thái, các yếu tố vô sinh (đất, cát, nước, oxy…) đóng vai trò quan trọng. Do đó, có khi xuất hiện dịch bệnh ông không cần dùng hóa chất hay vi sinh mà để cây phát huy khả năng kháng bệnh tự nhiên của chúng. Song song đó, ông cũng sẽ thay đổi điều kiện canh tác… Đây chính là sự tuần hoàn của vật tư tại chỗ, tuần hoàn lao động tại chỗ, kinh tế nông hộ tuần hoàn.

Ông Hai tự hào khoe những nông sản làm ra có những khách hàng đặc biệt là những nhà khoa học, doanh nhân… đã về hưu; lựa chọn lối sống ăn chay trường. Họ đã tin vào chất lượng rau quả trong vườn ông Hai bằng chính vị giác của mình chứ không phải thông qua các tờ chứng nhận từ các tổ chức. Có cả những bác sĩ đã lấy những sản phẩm này đem kiểm nghiệm. Sau đó, họ đưa những sản phẩm này vào chương trình điều trị cho những bệnh nhân lựa chọn phương pháp điều trị bằng thực phẩm chữa lành – một phương pháp đang được chú ý. Nhiều đầu mối phân phối các sản phẩm từ vườn của ông Việt ở TP.HCM, Hà Nội…

Ông Hai Việt cho rằng, những nông sản bản địa nuôi trồng thuận tự nhiên sẽ cho chất lượng tốt. Ảnh: NVCC

Trong buổi trò chuyện ngắn với chúng tôi, ông Hai Việt còn hào hứng khoe ông có thể “bán không khí sạch” từ khu vườn đầy cây cối của mình. Thực ra là hình thức đăng ký tín chỉ carbon (CO2) - một công cụ dùng để đánh giá lượng phát thải khí nhà kính được cắt giảm trong quá trình sản xuất và có thể đem mua bán. Các quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (thông qua năm 1997) đưa ra cam kết cắt giảm khí thải về theo lộ trình cụ thể. Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Nghị định này cũng cho phép các quốc gia dư thừa quyền phát thải carbon được bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu cam kết.

Hiện một số nông dân trồng hoặc được giao quyền quản lý rừng tại Quảng Nam, Thanh Hóa… cũng đã đăng ký tham gia chứng chỉ carbon. Mỗi m3 cây rừng có thể lưu giữ được hơn 1 tấn carbon. Theo Bộ Công Thương ước tính, Việt Nam có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ, mỗi năm, có thể thu về hàng trăm triệu USD.

“Trước đây mình trồng lúa, rau hay cây ăn trái dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hoặc xử lý rác thải sau thu hoạch... sẽ phát thải khí carbon (CO2) ra môi trường gây hiệu ứng nhà kính. Giờ mình giảm bớt hoặc không dùng đến hóa chất, giảm phát thải ra môi trường… thì có thể đăng ký bán tín chỉ carbon. Mỗi tấn CO2 cắt giảm được có thể thu được hơn trăm ngàn…”, ông Hai Việt cho biết.

Giá trị từ rác nông sản

Kinh tế tuần hoàn đang là giải pháp hữu hiệu với cả ngành công nghiệp chế biến nông sản. Rất nhiều chuỗi giá trị các ngành hàng được tạo ra từ những thứ mà trước nay vốn chỉ là rác thải.

Lấy ví dụ từ cây mía và chuỗi giá trị ngành công nghiệp mía đường đang được tạo ra. Trước đây giá trị chỉ tập trung ở lượng đường ép ra rồi tinh luyện, còn lại hầu như là phế thải. Nhưng hiện, loại cây này được nhiều nhà sản xuất tận thu và tạo ra hàng chục sản phẩm khác nhau.

Đại diện Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Biên Hòa), cho hay một quy trình tuần hoàn đã giúp họ đã thiết lập được cả một chuỗi giá trị từ cây mía. Phần thân cây ngoài tinh chế thành đường (gồm đường lỏng, đường kính); rỉ mật dùng sản xuất thực phẩm (nước màu, gia vị, nước sốt, sản phẩm lên men, tiến tới dùng sản xuất bột ngọt, giấm, nhựa sinh học); siro còn có thêm nước mía tươi đóng chai; nước hương mía đóng chai (thu từ nguồn nước bay hơi trong quá trình tinh chế đường). Bã, bùn thải từ quá trình tinh chế còn được sản xuất thành các sản phẩm sáp dùng trong làm đẹp. Phần ngọn, lá vốn bị vứt bỏ tại ruộng, nay cùng với bã mía thành nguyên liệu sản xuất các sản phẩm như than hoạt tính, ván ép, viên nén, điện sinh khối…

Nhờ chuỗi tuần hoàn này, TTC Biên Hòa không chỉ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, mà còn tiết giảm các phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, tối đa hóa lợi nhuận đem lại khi giá trị thu được từ các sản phẩm cạnh đường - sau đường có thể cao gấp 3 - 4 lần so với chính phẩm là đường.

Nhiều phụ phẩm sau chế biến các loại cây công nghiệp khác cũng đang được các nhà sản xuất biến thành các sản phẩm độc đáo hữu dụng. Bã cà phê trở thành nguyên liệu sản xuất đế giày thời trang; tơ lá dứa (thơm) thành vải sợi…

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam hiện nay khoảng 158,8 triệu tấn/năm; trong đó, 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%), lâm nghiệp khoảng 4 triệu tấn... đang được phát triển trong chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những phụ phẩm này có thể được sử dụng để sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; làm phân bón hữu cơ; sản xuất năng lượng tái tạo; sản xuất các loại dầu sinh học và năng lượng sinh học từ sinh khối phụ phẩm nông nghiệp.

Ngành nông nghiệp hướng đến mục tiêu không bỏ đi thứ gì, đặt nền tảng cho một thời kỳ mới là phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất