, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/02/2022, 15:00

Những ông đồ quê

ANH KIỆT
Từ đầu thế kỷ 20, nhà thơ Đông Hồ Lâm Tấn Phát ở Hà Tiên đã dùng bút lông và lối viết tượng hình của thư pháp Hán tự để sáng tạo ra thư pháp Việt và được các thế hệ kế tiếp phát triển.
Các hội viên Câu lạc bộ Thư pháp Hồn Chữ Việt Long An, trong đó có các “cô, cậu đồ nhí” trổ tài viết thư pháp.

Sống trong không gian Từ đường truyền thống với rất nhiều hoành phi, câu đối cổ nên từ nhỏ, hai anh em Nguyễn Huỳnh Triều, Nguyễn Huỳnh Long (Long An, cháu dòng đích đời thứ 7 của Đức Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức) đã yêu thích cái đẹp của thư pháp. Trưởng thành, hai anh cùng một nhóm văn nghệ sĩ ở địa phương lập Câu lạc bộ Thư pháp mà người hướng dẫn đầu tiên là thầy Lệ Trí - trụ trì một ngôi chùa ở địa phương.

Về sau, do thầy Lệ Trí bận bịu Phật sự nên lớp học giải tán, riêng hai anh Huỳnh Triều, Huỳnh Long và vài thành viên khác, vì đam mê nên tự học. Những năm 2008 – 2009, các anh từng khăn gói ra Bắc tham dự một số cuộc thi thư pháp, câu đối do các Trung tâm Văn hóa - Nghệ Thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức và giành được không ít giải thưởng.

Cho chữ ứng tác, niềm vui ngày Tết

Nhiều năm qua, mỗi lần xuân về, hai anh cùng các thành viên khác trong CLB lại đi khắp nơi cho chữ, có khi là cho những người dân địa phương trong một ngôi đình, có khi phục vụ người chơi Tết tại hội hoa xuân. Họ bày sẵn những câu liễn mẫu cho ai có yêu cầu và sẵn sàng ứng tác cho chữ, hoành phi, liễn, thơ lục bát, thơ tứ tuyệt theo nguyện vọng của người hâm mộ.

Nghệ nhân Huỳnh Long viết câu đối viếng nhạc sư Vĩnh Bảo.

Anh Huỳnh Triều có tài ứng tác nhanh ngay cả trong tình huống người hâm mộ có yêu cầu lắt léo. Có lần một doanh nghiệp có 35 thành viên yêu cầu rất ngặt là xin cho mỗi thành viên một câu thơ hoặc một cặp liễn với lời chúc tốt đẹp và phải có tên của người đó. Các thành viên nghe xong tá hỏa, nhưng anh Huỳnh Triều vui vẻ nhận lời.

Anh lấy tên của khách hàng và phân công các thành viên: “Tôi nghĩ ra câu nào, giao cho ai thì người đó tự ghi và viết lại. Tôi không nhớ để nhắc lại lần thứ hai đâu”. Chỉ sau vài giờ, các ông đồ đã hoàn thành đủ thư pháp cho 35 người mà người nào nhận cũng vui, cũng hài lòng.

Bài thơ ông đồ tưởng niệm nhà thơ Đông Hồ - ông tổ thư pháp Việt và cặp liễn đối của anh Huỳnh Triều.

Hạnh phúc của các ông đồ quê này là niềm vui của người nhận. Anh Huỳnh Long kể về ấn tượng sâu đậm trong những lần cho chữ chính là ánh mắt, nụ cười, bàn tay nhẹ nhàng, trân trọng vuốt lên tờ thư pháp của những cụ già. Những ông đồ quê tìm thấy hạnh phúc mùa xuân từ niềm vui của người nhận, từ đó, phát sinh thêm niềm vui mới, hạnh phúc mới là dạy viết, truyền lửa, truyền nghề cho thế hệ tiếp theo.

Gieo chữ đẹp cho thế hệ sau

Một lần anh Huỳnh Long cho chữ ở đình Cây Trôm của xã Khánh Hậu, một em nhỏ cứ đeo theo nhìn anh viết rồi lẽo đẽo theo anh về nhà xin học. Thế là anh mở lớp dạy. Khi đình làng, lúc nhà văn hóa, có khi là nhà riêng của các nhà hảo tâm. Đặc biệt, anh còn dạy năng khiếu cho các em mồ côi ở trường Bồ Đề Phương Duy, ngôi trường do thầy trụ trì chùa Long Thạnh nuôi dạy miễn phí. Nhà cách trường hơn 10km nhưng suốt 4 năm liền, tuần nào anh cũng đến hướng dẫn các em từng nét chữ, từng cách nghiêng bút, cách lắc, chuyển dịch cổ tay…

Thầy Đồ Huỳnh Long dạy thư pháp trong đình Khánh Hậu thời 2008.

Nghệ thuật thư pháp đòi hỏi người học phải chăm chỉ như con kiến, kiên nhẫn và tĩnh lặng như mặt nước hồ. Vậy đó mà nhiều hạt mầm anh gieo đã ra hoa. Em Khánh yêu chữ ngày xưa giờ đã là sinh viên trường Nghệ thuật Quân đội và là thư pháp gia chuyên nghiệp. Nguyễn Chí Phúc, Nguyễn Tấn Hào - học sinh trường Bồ Đề Phương Duy - nay đã có em vào đại học và vẫn đam mê thư pháp, thường viết thư pháp để tặng hoặc bán cho bạn bè và khách thập phương viếng chùa.

Nhiều giáo viên mỹ thuật của các trường ở Long An cũng học thư pháp và vào CLB Thư pháp chữ Việt như cô Kiều Trang, Thanh Tuyền, Quỳnh Hương, thầy giáo Lê Thiệu, Huỳnh Uy, Văn Toàn... Có cả những học viên thư pháp nhí tuổi thiếu nhi.

Gian hàng của Câu lạc bộ Thư pháp Chữ Việt Long An trong dịp Tết.

Em Nguyễn Chí Kiếm từ một trẻ làm thuê, mê thư pháp được anh Huỳnh Long truyền nghề ở đình Khánh Hậu giờ đã thành ông đồ chuyên nghiệp. Em đang học ngành đạo diễn ở TP.HCM nhưng vẫn đi xe máy về Long An tham gia hoạt động cho chữ ngày Tết của CLB và dạy chữ cho các lớp năng khiếu. 

Đặc biệt, Chí Kiếm đã lập CLB Thư pháp ở xã Tân Thành, Thủ Thừa. Tân Thành thuộc địa bàn Đồng Tháp Mười giáp với rún phèn mặn Ma Ren, mùa nước thường bị ngập rất sâu, hàng bao năm nay muốn đến xã phải đi bằng xuồng, trẻ học đến cấp 3 phải ra chợ ở nhà thuê. Vài năm nay, Tân Thành mới có đường bộ. Chữ “mọc” lên trên đồng trũng nặng phèn Đồng Tháp Mười, cũng ví như một đóa sen đẹp.

Cô Tuyết Vân, viết liễn thư pháp tặng công chúng dịp Tết Nhâm Dần.

Lý giải về thành công của học trò, anh Huỳnh Long cho đó là chuyện nhân duyên chứ không phải vì anh là thầy giỏi. “Có nhiều người thích học, siêng năng nhưng chỉ một ký tự mà mấy tháng trời viết không thành. Cũng có người như cô Tuyết Vân, Phó TGĐ một công ty lớn đã về hưu, tình cờ biết thư pháp qua bức trướng tôi viết viếng tang Nhạc sư Vĩnh Bảo năm rồi. Tính cô nóng như lửa nên cứ tưởng cô không học được. Vậy mà chỉ chưa đầy năm cô đã thạo chữ, ráp câu, bắt đầu viết đại tự - phần khó nhất của thư pháp. Tết năm nay cô có thể đi cho chữ được rồi...

Những thư pháp gia Việt hiện nay có thể viết chữ Việt Latin theo cả năm lối viết: Chân (viết bình thường rõ chữ), Hành (nét viết phóng khoáng như đang đi), Triện (viết chữ hình vuông), Lệ (chữ triện giản lược), Thảo (chữ viết bay bướm).

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất