, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 05/02/2021, 08:37

Những sự kiện nổi bật của nông nghiệp Việt qua lăng kính các chuyên gia

MAI PHƯƠNG
(thực hiện)

Năm Canh Tý - 2020 là một năm đầy biến động đối với cả thế giới khi phải đối mặt với hàng loạt thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Không nằm ngoài bối cảnh chung này, nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng tích cực, đủ để tiếp tục minh chứng vai trò là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Mời bạn đọc của Tạp chí NTV cùng theo dõi bình luận của các chuyên gia về một số sự kiện trong Top 10 sự kiện nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm qua.

TOP 10 SỰ KIỆN NỔI BẬT NGÀNH NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2020

1. Tăng trưởng GDP toàn ngành 2,65%

2. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,25 tỷ USD

3. Nông sản Việt rộng đường sang EU nhờ EVFTA

4. Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

5. Sắp có vaccine dịch tả lợn châu Phi “made in Việt Nam”

6. Tôn vinh 63 nông dân xuất sắc năm 2020

7. Cả nước có 3.200 sản phẩm OCOP

8. Nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với DN, HTX theo chuỗi được triển khai nhân rộng

9. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới

10. Nhiều dự án nông nghiệp được đầu tư

PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI (Chuyên gia kinh tế độc lập): Kim ngạch XNK nông sản vượt mức 41 tỷ USD là một con số rất ấn tượng

PGS.TS VŨ TRỌNG KHẢI

Sự kiện này cho thấy nhiều chuyển biến tích cực từ phía các doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết, nó chứng tỏ các doanh nghiệp đã nắm bắt được thị trường theo những tiêu chuẩn khắt khe của các hiệp định FTA với các nước phát triển, thực hiện tốt vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp là làm thị trường và xây dựng thương hiệu. Thứ hai, điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã sản xuất được theo chuỗi giá trị nông sản, bởi có liên kết với nông dân từ canh tác, nuôi trồng đến chế biến thì mới đảm bảo được tiêu chuẩn xuất khẩu của các hiệp định FTA. Thứ ba, doanh nghiệp hiện không chỉ áp dụng công nghệ cao trong khâu chế biến, tiêu thụ mà họ còn giúp nông dân áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng... Rất nhiều doanh nghiệp đã giúp người nông dân trang bị kiến thức mới để việc sản xuất của họ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời đã tự động hóa, cơ giới hóa và số hóa được một số khâu trong canh tác như làm đất, sạ lúa, bón phân… bằng máy móc thiết bị chuyên dụng, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái...

Ở một góc nhìn khác, tôi nghĩ chúng ta đã có những thắng lợi nhất định trong việc thực hiện chuỗi liên kết để tạo ra những nông phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường xuất khẩu, thì cũng nên làm như vậy cho cả thị trường trong nước. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến một chương trình quốc gia thực hiện VietGAP trên toàn bộ nền nông nghiệp quốc gia.

PGS.TS ĐÀO THẾ ANH (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam): Sản phẩm OCOP sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng ngành nông nghiệp

PGS.TS ĐÀO THẾ ANH

Với tôi, con số 3.200 sản phẩm OCOP là con số biết nói, bởi chỉ sau 3 năm thực hiện chương trình (2018 - 2020), các địa phương đã vượt đến 33% kế hoạch so với dự kiến ban đầu là 2.400 sản phẩm. Kết quả này thể hiện sức sáng tạo, tính năng động của các cộng đồng và các địa phương, điều mà trước đây ta chưa thực sự chú ý một cách đầy đủ. Các sản phẩm nông sản OCOP cho phép sử dụng các giống bản địa, áp dụng canh tác nông nghiệp sinh thái - là những yếu tố của nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất ấn tượng với mức độ đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch như bảo quản, chế biến, bao bì và truy xuất nguồn gốc điện tử cho phép nâng giá trị của các sản phẩm địa phương trong chuỗi giá trị. Đây thực sự là đóng góp lớn lao của chương trình OCOP vì nó giúp các doanh nghiệp nhỏ, HTX, hộ nông dân áp dụng công nghệ sau thu hoạch hiện đại.

Đặc biệt hơn nữa là trong năm 2020, khi mà các sản phẩm nông sản xuất khẩu đa số gặp khó khăn thì các sản phẩm OCOP vẫn tăng trưởng mạnh cho thấy khả năng tự chủ về kinh tế, ít phụ thuộc vào các nguồn lực nước ngoài. Tuy còn nhiều việc phải làm để cho các sản phẩm OCOP có sức cạnh tranh thực sự, nhưng tôi tin sản phẩm OCOP sẽ có những đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu nông sản trong thời gian tới.

Th.S TRẦN THẾ NHƯ HIỆP (Phó Viện trưởng Viện KHCN Mê Kông Cần Thơ): Nông sản Việt rộng đường sang EU nhờ EVFTA

Th.S TRẦN THẾ NHƯ HIỆP

Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) đã mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn, toàn diện giữa Việt Nam và EU. Sự kiện “nông sản Việt rộng đường sang EU nhờ EVFTA” đứng vào TOP sự kiện của ngành nông nghiệp năm qua là rất xứng đáng.

Với cơ hội gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn, về lâu dài, EVFTA nếu được thực thi triệt để thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (vì EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay). Tuy nhiên, để bảo hộ hàng hóa trong nước, các quốc gia trong khối EU sẽ tăng cường khắt khe các biện pháp phòng vệ như SPS (vệ sinh dịch tễ) và TBT (rào cản kỹ thuật). Từ quan điểm “trọng nông”, “lấy nông dân làm gốc” để tiếp cận tốt với các cơ hội của EVFTA, tôi nghĩ rằng cộng đồng doanh nghiệp cần phải tiếp tục mở rộng đầu tư để nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Song song đó, các doanh nghiệp phải coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.

Về phía người nông dân, tôi nghĩ các nhà nông cần phải có kiến thức sâu về các loại nông sản, mùa vụ, hiểu rõ quy trình kỹ thuật nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch… đồng thời mạnh dạn áp dụng quy trình, công nghệ hiện đại để tăng năng suất, chất lượng. Người làm nông nghiệp cần thật sự quan tâm đến việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc để nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa. Đặc biệt, cần tham gia tốt các mô hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, liên kết theo chuỗi cung ứng để khai thác lợi thế theo quy mô, sản xuất theo thị trường…

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất