, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/04/2021, 11:52

Những vật phẩm lấp lánh ánh hoàng kim

NGUYỄN PHƯỚC BẢO ĐÀN
(PHÂN VIỆN VHNT QUỐC GIA VIỆT NAM TẠI HUẾ)

Nhiều năm trước, giới sưu tầm cổ vật ở Việt Nam xôn xao về một bộ trang sức chế tác từ vàng của một vị vương phi thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Tạo hình nổi bật của bộ trang sức này đã khiến nhiều người ngỡ ngàng với kỹ thuật chế tác trang sức vàng đỉnh cao dưới thời các chúa, một giai đoạn lịch sử quan trọng, mà di vật hiện không còn nhiều bởi trải qua quá nhiều biến cố.

Những báu vật biểu tượng cho quyền lực của vương triều nhà Nguyễn.

Vàng và những vật phẩm chế tác từ vàng

Miền Trung là xứ sở của vàng. Dưới thời các chúa Nguyễn, nghề khai thác vàng được triều đình khuyến khích và việc thu thuế từ vàng trở thành một nguồn lợi đáng kể ở Đàng Trong. Triều đình cho thành lập Nội lệnh sử ty chuyên trách việc thu nhận vàng, Ngân tượng ty chuyên việc tinh luyện vàng bạc và Nội kim tượng cục chuyên chế tác vàng thành phẩm, đồ trang sức phục vụ đời sống hoàng cung. Đại Sán Hán Ông, qua Hải ngoại kỷ sự, cho thấy trong giai đoạn này, các chúa Nguyễn dùng toàn đồ làm bằng vàng và bạc, chế tác rất công phu. 

Có thể nói với người Việt, những vật dụng, trang sức chế tác từ vàng, chạm hoặc gắn ngọc, từ rất sớm đã là một phần không thể thiếu trong đời sống cung đình lẫn dân gian. Vàng là quý kim, những vật phẩm chế tác từ vàng, qua bàn tay tài hoa của người thợ vì thế càng trở nên quý giá. Ngoài việc là của để dành, là vật góp phần định chuẩn giá trị, thước đo về mặt xã hội, loại quý kim này còn gắn chặt với cuộc đời của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi nằm xuống. Đó là những chiếc vòng, kiềng, lắc tay, chiếc khánh… chuyển tải ước vọng bình an, sức khoẻ, dành tặng cho đứa trẻ khi khẳm tháng. Là chiếc vòng, đôi nhẫn đính hôn, bộ trang sức hồi môn khi lập gia đình tuổi trưởng thành. Là miếng vàng nhỏ đặt vào lòng bàn tay như một dạng hành trang, và cũng là lộ phí để mỗi một con người, khi đã kết thúc hành trình cuộc đời, về với thế giới tổ tiên.

Tượng rồng bằng vàng, vua Thiệu Trị cho chế tác năm 1842.

Nghề kim hoàn xứ Huế

Huế, trong một thời gian dài là thủ phủ của vùng miền, là kinh đô của một quốc gia thống nhất. Miền đất được gọi “xứ thần châu” này là nơi đô hội của hoàng thân quốc thích, quan lại, quý tộc. Qua đôi bàn tay tài hoa của những người thợ được trưng tập vào Nội kim tượng cục, đời sống cung đình triều Nguyễn thủa hoàng kim đã để lại nhiều vật phẩm, vốn là những vật dụng trong cung phủ rất quý giá như ấn, triện; những bản kim sách, ngân sách…; kim khánh, ngân khánh… nhà vua ban phong cho các phủ đệ, quan lại; văn phòng tứ bảo; đỉnh; lư; kim chi ngọc diệp; những bộ trâm cài, vòng, hoa tai, xuyến, nhẫn… của các vị phi tần; những bộ đồ trầu, ống nhổ, nậm rượu, khay trà… tinh xảo. Tất thảy đã làm nên chân dung của nghề kim hoàn ở Huế trong một giai đoạn lịch sử.

Ngai vàng bảo vật quốc gia…

Lịch sử nghề Kim hoàn xứ Huế gắn liền với tên tuổi của hai vị tổ nghề là ông Cao Đình Độ (1746 - 1810) và con là Cao Đình Hương (1773 - 1821) quê ở làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, vào làng Kế Môn (xã Điền Môn -huyện Phong Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế) lập nghiệp. 

Có người nói rằng kim hoàn là nghề lấp lánh, lấp lánh ánh kim quyến rũ từ vàng bạc, nhưng cũng không sai khi nói rằng kim hoàn là nghề lấm lem, bởi người thợ, trong quá trình chế tác vàng, thường chấp nhận lấm lem bụi bẩn để tận thu những bụi vàng rơi vãi. Để có được vàng tinh luyện chế tác các vật phẩm, trang sức, người thợ kim hoàn phải trải qua công việc “trở vàng”, tức chế tác vàng nguyên liệu. Trở vàng là việc nấu vảy vàng, vàng cốm, vàng cục, vàng cũ đã qua sử dụng thành loại vàng đạt được độ tuổi, độ tinh chất như mong muốn. Sau khi có được nguyên liệu vàng, sản phẩm của nghề kim hoàn xứ Huế thường là kết quả của một trong ba ngành, hoặc là sự kết hợp của cả ba ngành trơn, đậu và chạm. 

Mũ Bình Thiên được nhà vua sử dụng trong các lễ thiết đại triều.

Ngành trơn, chuyên làm các sản phẩm đơn giản, đại thể trên sản phẩm là trơn, không chạm trổ. 

Ngành đậu, chuyên tạo những sản phẩm tinh xảo, khó hơn và người thợ cũng phải dụng công nhiều hơn khi phải kéo vàng, bạc thành những sợ chỉ mảnh như tơ, sau đó dùng những sợi chỉ này tạo hình trên sản phẩm, hoặc tạo hình thành sản phẩm. Kỹ thuật đậu đòi hỏi sự công kỹ và chính xác, ví như việc nung chảy vàng phải nhờ đến hơi nóng được tạo ra bằng cách dùng miệng thổi từ một ống kim loại nhỏ qua ngọn lửa của cây đèn dầu lạc. Đây cũng chính là nét đặc trưng của kỹ thuật chế tác trang sức vàng ở Huế, mà hiện nay còn rất ít người thợ thủ đắc.

Ngành chạm, đòi hỏi sự khéo tay, đôi khi là thiên bẩm của người thợ, là ngành khó và cao quý hơn cả trong nghề kim hoàn. Thông thường, người thợ chạm trổ những hình vẽ hoặc hoa văn trên sản phẩm, những hình vẽ này hoặc lấy từ có mẫu có sẵn, hoặc tự sáng tạo. Bằng các động tác cơ bản như thổ, doi, sắp, đệm, trăm, đáp, trỗ, cháy, hàn; cùng những kỹ thuật phức tạp như ám, thúc, tách, tức rúc tỉa, tạo hình sản phẩm bằng ba dụng cụ: mũi ám, mũi thúc, mũi tách để tạo nên những sản phẩm tinh xảo và riêng có.

Những sản phẩm vàng của ngành trơn và chạm, sau khi chế tác xong thường được đánh bóng cho lên màu bằng bồ hòn hoặc chuỗi cườm. Những sản phẩm của ngành đậu thường được trá, tức nhuộm vàng, để có màu vàng thắm hơn, rực rỡ hơn.

Trong quy trình chế tác các vật phẩm, trang sức vàng ở Huế, người thợ kim hoàn thường kết hợp cả ba ngành trơn, đậu và chạm để tạo ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Những đường nét uốn lượn mềm mại trên sản phẩm thường có được từ thủ pháp chạm, những sợi tơ vàng của ngành đậu, làm nên những sợi dây chuyền, vòng kiềng, lắc tay, hoa xuyến, nhẫn… đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như thưởng lãm của người tiêu dùng.

Kim ấn biểu thị cho quyền lực tối cao của hoàng đế.
Kim sách là một loại thư tịch cổ đặc biệt bằng vàng, ghi lại những sự kiện trọng đại của triều đình.

Với nghề kim hoàn, nét tài hoa, tính tỉ mỉ, cẩn thận cùng sự khổ luyện thành kỹ năng nghề luôn là yếu tố được đề cao. Cùng trên bộ công cụ đặc thù của nghề như cân tiểu ly, nồi đất, bàn khò, búa, kềm, đe, dũa, nống, mũi ve, chuỗi cườm… mỗi ngành trơn, đậu, chạm, tùy thuộc vào kỹ thuật chế tác của mình đã tạo nên nhiều sản phẩm, góp mặt vào sự đa dạng sản phẩm của nghề kim hoàn xứ Huế, từng là chuẩn mực sinh nghệ của một thời. 

Một số vật dụng dùng trong đời sống sinh hoạt, nghi lễ cung đình.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất