, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/11/2023, 06:00

Những vườn rau trên đất không chân

LỮ HÀ
Ở phố muốn trồng rau phải đi mua từng ký đất. Đất mua về không nằm dưới đất, mà được mang vác lên đến tận nóc nhà, sân thượng. Khó khăn đến vậy, mà rồi các chị vẫn vun trồng, chăm bón được khoảng vườn xanh của riêng mình. Trồng rau cho bữa cơm của cả nhà đã thành niềm say mê của không ít bà nội trợ.

Vườn mê xanh trong phố

Lần rồi về quê chị đem vô một chồng năm cái nón lá. Ai hỏi đi đâu mà đội nón, chị cười: không phải đi đâu, con ở nhà đội nón trồng rau! Ai nghe chị kể chuyện trồng rau trên sân thượng cũng nghĩ chuyện rau cỏ giữa phố phường là chuyện cho vui, chuyện của người rảnh rỗi. Chỉ mình chị biết mảnh vườn con con trên sân thượng đã thực sự biến chị thành một bà nông dân nhỏ bé. Cứ nhìn bàn tay chị thì thấy. Hơn cả năm rồi chị không làm móng tay. Bàn tay đó giờ rành trộn đất, ủ phân, bắt sâu, tỉa lá mỗi ngày. 

Đám nhỏ trong nhà bảo niềm say mê của mẹ tưởng không tốn mà tốn không tưởng. Lần đầu, chị đặt hàng một dàn trồng rau gồm cả tưới tiêu rất hoành tráng. Thợ tới thi công lắp đặt xong, chụp hình đăng lên phây nhìn rất “pờ rồ”, nhưng rồi cuối cùng kết quả là mấy cây xà lách ốm tong teo èo uột dòm không nỡ ăn. Tiếc công, thêm nỗi tức câu nói của chồng (bộ tưởng trồng rau dễ lắm sao!), chị tự mình đi tìm, đi học. Không còn tin vào hình đăng trên mạng, chị điện thoại hỏi thăm, rồi tìm tới tận nhà, tới tận nơi nghe người ta chỉ, nhìn người ta làm. 

Rồi cây cũng xanh dần, mảnh vườn yêu quý hút hết thời gian rảnh rỗi của chị. Đêm chị cũng lên vườn, rị mọ bật đèn, lui hui xới đất. Sáng sớm lật đật chạy lên coi mầm cây mới nhú. Những lúc hái được mớ rau, mấy trái dưa leo, cắt một khúc bầu đem xuống luộc trong bữa cơm của cả nhà, chị kể cây bầu này ra bông khi nào, bông đậm màu hay lợt màu, rồi nó đậu trái, rồi nó lớn lên ra sao. Ăn dĩa bầu luộc mà thấy bao nhiêu công phu của người làm vườn bỏ vô đó. Cái sân thượng rộng chừng 10m2 mà có đủ rau trái thu hoạch cho bốn người ăn, lâu lâu còn cho bạn bè, lối xóm lấy tình.

Phép tính của tâm hồn

Chi phí cho một vườn rau trên sân thượng không ít. Trung bình một dàn trồng rau cơ bản rẻ nhất cũng từ hai triệu, nhiều thì đến bốn, năm triệu đồng. Trồng rau thủy canh, chỉ riêng dàn tưới nước cũng ba bốn triệu bạc. Đất hữu cơ sinh học, giá thể trồng rau cũng tốn từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn một lần thay khay. Ai nói trồng rau ở nhà giống kiểu tăng gia sản xuất hồi còn bao cấp là sai. Tính ra, trồng rau ở nhà không phải là một giải pháp kinh tế. Đó là một giải pháp cho rất nhiều vấn đề của đời sống thành thị. Giải pháp đối phó với nỗi lo sợ rau bán trên thị trường quá nhiều hóa chất, nhiều thuốc trừ sâu. Giải pháp sống xanh, sống sạch, hàn gắn những kết nối với thiên nhiên. Giải pháp chữa lành cho bản thân, xoa dịu những căng thẳng của nhịp sống phố phường, một góc xanh bình an để trốn lánh... Tất cả đều đáng giá hơn, có ý nghĩa hơn tiền. 

Chỉ tính trên mạng xã hội Facebook ở Việt Nam, đã có vài chục hội nhóm trồng rau tại nhà đang hoạt động mạnh mẽ, nào “Thích trồng cây”, “Hội làm vườn sân thượng”, “Vườn xinh Sài Gòn”, “Shop cây 0 đồng”... Nhiều hội nhóm có vài chục ngàn thành viên. Gạt qua tất cả những hình ảnh sống ảo, chạy theo trào lưu, lợi ích của mảnh vườn là có thật. Chẳng phải tự nhiên mà trồng rau trồng cây lại hấp dẫn đến thế, không ích lợi gì ai đâu mua việc vào thân. 

Hầu như tất cả bạn bè, người thân đều được nhận chút gì đó từ mảnh vườn của chị. Nhưng cũng ít ai theo gương chị để làm vườn ở nhà mình. Lý do đơn giản: chị vất vả quá. Nhiều người chỉ nghĩ tới việc đi mua phân, vác đất, bắt sâu đã ngại, huống hồ còn phải mua cá, mua trứng về ủ phân bón cho cây, đến khi thu hoạch cây trái rồi nhà không dùng kịp lại phải đem đi cho kẻo không thì tiếc công tiếc sức. Kể ra, từ hồi trồng rau thì vui, nhưng cũng chẳng còn chút thời gian nào rảnh rỗi, đi đâu vài ngày chị cũng phải tính, vì ở nhà không ai… tưới rau, ăn rau. 

Rau trong phố hay hoa trong phố?

Không ai thống kê bao nhiêu người kiên nhẫn duy trì được vườn rau của mình trong thời gian dài. Cứ tưởng sống thuận với tự nhiên bằng vườn rau nho nhỏ nhưng không khéo con người lại đang khai thác cùng kiệt sức lực và không gian sống của mình. Tự nhiên có bốn mùa, mùa đông để đất được nghỉ, người làm vườn cũng được nghỉ, và cây cũng được nghỉ. Còn mảnh vườn nhỏ trên sân thượng của chị hình như chưa được nghỉ bao giờ. Xuân hạ thu đông rồi lại thu, mảnh vườn nhỏ cho rau xanh bất kể mùa màng, quy luật vận hành của trời đất.

Người bạn kể trong những khu vườn Nhật, cây xanh là hoa cảnh, cây ngả vàng hay lá khô cũng là hoa là cảnh. Có khi trái rụng trong vườn trong sân nhưng họ không ăn, vẫn bỏ tiền mua rau trái trong siêu thị. Có lý do để lá rụng trái chín làm mỡ màu thêm cho đất. Có lý do vì rau trái thương phẩm được kiểm soát chất lượng, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Có lý do nữa vì quy luật cung cầu, cư dân thành thị có tiêu dùng nông sản thì người nông dân mới bán được sản phẩm, mới thu về được tiền. Ai cũng tự cung tự cấp thì rồi nông sản bán cho ai. Xã hội đã tiến bộ, phân công lao động chuyên môn hợp lý, trao đổi, giao dịch thương mại là cách xã hội vận hành. Không ai muốn mình lùi mình về với thời trồng được gì ăn đó ngày xưa. Chồng chị cũng có buổi sáng lên vườn ngắm cây, thậm chí ngồi uống ly cà phê, nhưng chị không thể bắt chồng nửa đêm lên chong đèn bắt sâu rau, vì anh bảo lợi bất cập hại. 

Lần được bà ngoại gửi vô cho mớ rau sống Hội An, cả nhà làm một nồi mì quảng ngon nhức, cha con tấm tắc khen rau sống thơm quá, không lạt lẽo như… rau vườn nhà mình! Thằng con kết luận: rau này chính gốc gà ta, còn rau nhà mình là gà nuôi công nghiệp! Chị lườm nó một cái, nhưng lòng cũng nghe thương nhớ mớ rau nhãn lồng leo hàng rào xóm cũ. Vườn nào sản vật đó. Với mấy khay đất đã nhào trộn kiểm soát công thức đến trung tính, tính toán cân đong đến không còn chút riêng nào, làm sao ra được cái hương của đất, của trời, của thổ nhưỡng phong thủy từng vùng cho được. Cứ vậy mà cả nhà ngồi nhắc nhớ nhãn lồng thành nội Huế, su su Tam Đảo, hay món măng tươi xào lần về Bà Rịa, sao mà ngon không thể quên.

Những khu vườn nhỏ trong nhà là nơi người ta trồng hoa, trồng kiểng. Ngắm khu vườn nhà mình trồng rau lo mấy bữa ăn trong nhà, thấy thương nhiều hơn phục. Ở quê, đất ruộng bao đời, rau vẫn xanh theo bàn tay chăm bón, vun trồng của những người nông dân. Chỉ có lòng tin chưa bền khiến người ta e ngại khi mua mớ rau ngoài chợ. Cái trắc trở cập kênh trong lòng tin ấy đội giá rau sạch lên cao đến vô lý, và âm thầm góp phần tạo ra những mảnh vườn rau trong phố. Rau vẫn xanh, nhưng đất mua đất mượn nên đất không chân, rau không tính cách thổ nhưỡng. Người ăn rau vẫn cầu mong một nền nông nghiệp an lành, nơi niềm tin “đói ăn rau, đau uống thuốc” được giữ gìn từ gốc rễ vườn ruộng quê hương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất