, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 03/04/2023, 10:50

Những vườn tiêu hữu cơ 20 năm tuổi vẫn cho năng suất 6 - 7 tấn/ha

TRẦN TRUNG - HỒNG THỦY
(nongnghiep.vn)
Trong bối cảnh hồ tiêu vừa mất mùa vừa mất giá, nhiều hộ trồng tiêu hữu cơ vẫn có thu nhập và trụ vững với nghề…

2 “kiện tướng” tiêu hữu cơ

Xã Hưng Phước hiện là vùng còn diện tích hồ tiêu nhiều nhất huyện Bù Đốp (Bình Phước). Đến với Hưng Phước những ngày này, không khó để bắt gặp một số vườn tiêu được trồng cách đây khoảng chục năm giờ vẫn xanh tốt và cho năng suất cao. Điểm chung là các vườn tiêu này đều được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, sinh học.

Vườn tiêu hữu cơ xanh tốt của gia đình chị Xoan tại xã Hưng Phước. Ảnh: Trần Trung

Vườn tiêu 2ha của gia đình bà Nguyễn Thị Xoan ở ấp Bù Tam, xã Hưng Phước là một trong 60 hộ gia đình đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, thuộc đối tác sản xuất của Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (Công ty Nedspice) tại Bình Phước. Điều đặc biệt, tuy được xếp vào diện "cổ thụ", trồng khoảng 20 năm, nhưng vườn hồ tiêu của bà Xoan hiện nay vẫn xanh tốt, cho năng suất trung bình từ 4 - 5 tấn/ha, có thời điểm lên đến 6 - 8 tấn/ha.

Bà Xoan cho biết, ngay từ khi bắt tay vào trồng hồ tiêu, bà xác định việc lạm dụng phân bón hóa học, bón phân không đúng cách sẽ khiến cây hồ tiêu chết. Thế nên, bà quyết chăm sóc theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng là chính.

Nhờ canh tác hoàn toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ nhiều năm, tiêu cho năng suất trung bình từ 4 - 5 tấn/ha, có thời điểm lên đến 6 - 8 tấn/ha. Ảnh: Trần Trung

Để đạt hiệu quả cao, bà Xoan đã trộn phân dê sẵn có ở địa phương với men vi sinh, nấm trichoderma và ủ tầm 6 tháng để bón cho tiêu. Ngoài khâu phân bón, toàn bộ diện tích hồ tiêu được bà trồng bằng trụ sống để cây phát triển bền vững. Trong vườn, bà luôn để cỏ, tuyệt đối không sử dụng thuốc hóa học.

Sau thời gian dài nỗ lực, năm 2020, gia đình bà là một trong số ít hộ dân tại địa phương được chứng nhận hồ tiêu hữu cơ. Nhờ ký hợp đồng ký gửi cho Công ty Nedspice từ khá sớm nên toàn bộ sản lượng hồ tiêu vụ này của gia đình bà đã được thu mua. Trừ toàn bộ chi phí và công thu hoạch, gia đình bà có lãi vài trăm triệu đồng/ha.

“Trồng cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ mang lại nhiều hiệu quả. Tôi trồng hồ tiêu hơn 22 năm, thu bền vững, năng suất ổn định, gần như rất ít khi bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Đặc biệt, giá hồ tiêu hữu cơ luôn cao hơn giá tiêu trên thị trường”, bà Xoan phấn khởi nói.

Chị Nhã phấn khởi bên vườn tiêu hữu cơ bội thu của gia đình. Ảnh: Trần Trung

Trái ngược với màu vàng úa, lác đác trái ở những vườn tiêu trên cùng địa bàn, vườn tiêu hữu cơ hơn 2ha của gia đình chị Nguyễn Ngọc Nhã ở ấp 4 xã Hưng Phước vẫn xanh tốt, trĩu quả nhờ tuân thủ quy trình canh tác do Công ty Nedspice đưa ra.

Theo đó, toàn bộ vườn cây của chị Nhã được bón phân hữu cơ vi sinh và nước tưới cả gốc lẫn ngọn nên trụ sống và cây tiêu đều phát triển tốt. Cỏ trong vườn tiêu không nhổ bỏ để tránh ảnh hưởng đến rễ tiêu, dẫn đến dễ bị bệnh. Thay vào đó, cỏ được cắt nhằm giữ ẩm cho đất. Cộng với bón phân hữu cơ vi sinh nên các vi sinh vật có lợi trong đất có “đất sống”, giúp cây tiêu có thêm điều kiện phát triển, tăng sức đề kháng với sâu bệnh.

Mỗi trụ tiêu hữu cơ cho năng suất hơn 5kg (quy khô), nhân công phải dùng thang cao hơn 7m để thu hái. Ảnh: Trần Trung

Những niên vụ qua, vườn tiêu của chị Nhã luôn cho năng suất ổn định. Tính sơ bộ, 1ha cho thu trung bình khoảng 4 tấn tiêu khô, với giá bán cho Công ty Nedspice hiện nay là 75.000 - 80.000 đồng/kg (cao hơn thị trường trên 20%), sau khi trừ chi phí, chị Nhã có lãi ròng hơn 300 triệu đồng/ha.

“Canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ tiêu có giá bán cao và việc chăm sóc cây cũng nhẹ nhàng, hồ tiêu sẽ phát triển bền hơn. Nếu lạm dụng thuốc hóa học sẽ cho năng suất cao ở giai đoạn ban đầu nhưng tuổi thọ của cây tiêu ngắn, sản phẩm đầu ra bấp bênh”, chị Nhã phấn khởi nói.

Trái ngọt sau 10 năm kiên trì với sản xuất hữu cơ

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có khoảng 15.000ha hồ tiêu. Để phát triển hồ tiêu bền vững, từ năm 2013, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan và Công ty Nedspice đã triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững”.

Bà con trong chuỗi liên kết chuẩn bị tiêu hữu cơ cung ứng cho công ty Nedspice Việt Nam. Ảnh: Trần Trung

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất tiêu thông qua việc hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ nông hộ sản xuất tiêu bền vững. Sau hơn 10 năm với nhiều giai đoạn thực hiện, đến nay, dự án đã đem lại hiệu quả cao cho người trồng tiêu ở Bình Phước.

Ông Lê Thanh Hùng, phụ trách chính sách của Công ty Nedspice tại Bình Phước cho biết, canh tác hồ tiêu hữu cơ bền vững trước hết là bảo vệ môi trường sống xanh - sạch cho sức khỏe cộng đồng và cả người trồng tiêu. Những thành viên liên kết với Công ty Nedspice đã nhận thức được quy luật thị trường là nông dân không quyết định được giá mà phụ thuộc vào người tiêu dùng. Theo đó, người trồng tiêu phải tuân thủ quy luật của thị trường, kể cả trong thời điểm thuận lợi do nguồn cung chưa đáp ứng cầu.

Tại Bình Phước, nhiều năm trước, hồ tiêu là một trong những cây kinh tế chủ lực. Thời điểm giá hồ tiêu cao, nhiều nông dân đã ồ ạt trồng, dẫn đến phá vỡ quy hoạch của tỉnh, đồng thời tạo áp lực dịch bệnh khiến diện tích tiêu chết khá lớn, gây thiệt hại kinh tế. Hiện nay, Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” tại tỉnh đã từng bước nâng tầm giá trị và tạo hướng đi đúng, đó là liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

“Canh tác theo hướng hữu cơ vừa tạo độ bền cho đất, vừa giúp hệ sinh thái cây trồng phát triển bền vững, chưa kể giá thu mua Công ty đưa ra luôn cao hơn so với giá thị trường từ 20 - 30%. Chúng tôi đã và đang đồng hành, chọn vườn để làm mô hình mẫu trồng tiêu hữu cơ bền vững để nhân rộng”, ông Lê Thanh Hùng cho biết.

Tiêu hữu cơ luôn có giá cao hơn thị trường từ 20 - 30%. Ảnh: Trần Trung

Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước, việc đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế đã bảo đảm được lợi nhuận của người trồng tiêu, nâng cao chất lượng hồ tiêu cũng như tính công bằng trong việc đo đếm chất lượng. Dự án đã tạo động lực cho người dân tăng gia sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm hồ tiêu, tăng thu nhập, ổn định đời sống.

“Sau hơn 10 năm thực hiện, Dự án “phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” đã góp phần nâng cao điều kiện sản xuất, tác động đến quá trình canh tác, thu hoạch... và nhận thức của nông dân. Người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với khái niệm trồng tiêu sạch, sản xuất có trách nhiệm đi đôi với quyền lợi. Đến nay, hạt tiêu Bình Phước đã được khách hàng ghi nhận, các nhà thu mua đánh giá là tỉnh có chất lượng hồ tiêu tốt nhất hiện nay.

Hiệu ứng tích cực của dự án đã lan tỏa và là tiền đề cho các chương trình, dự án khác trong liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ đó góp phần cải thiện thị trường cho các sản phẩm bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ hệ sinh thái trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay gắt như hiện nay”, ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đánh giá.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất