, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/06/2022, 06:25

Ninh Bình cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi

HẢI YẾN
(vnanet.vn)
Dịch tả lợn châu Phi hiện đang có những diễn biến phức tạp tại tỉnh Ninh Bình, xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố với trên 6.000 con lợn mắc bệnh đã chết và tiêu hủy. Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình đang triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi.  
Chú thích ảnh
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình tuyên truyền công tác phòng chống dịch tả lợn cho các hộ dân.

Trên địa bàn huyện Gia Viễn, chỉ tính từ ngày 25/4 đến nay, trên địa bàn đã có gần 2.500 con lợn bị chết và tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Từ ngày 20/4 đến ngày 20/5, huyện Gia Viễn công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 19 xã trong huyện.  

Ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn cho biết, hiện trên địa bàn chỉ còn 2 xã chưa có ổ dịch tả lợn châu Phi. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý tiêu hủy lợn tại các xã, thị trấn theo quy định; phối hợp với Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh huyện xây dựng các chuyên mục tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch trên hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn đã tiếp nhận và cấp 3.500 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, đồng thời tiếp tục cấp phát vaccine cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản vụ Xuân Hè năm 2022. Tuy nhiên, việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi còn gặp nhiều khó khăn bất cập do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, rải rác.

Ý thức của người dân chăn nuôi còn hạn chế, chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch; kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn; lực lượng cán bộ thú y cấp xã mỏng, cán bộ chuyên môn thiếu, việc chỉ đạo tại một số địa phương chưa quyết liệt còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại từ cấp trên.

Một số địa phương còn khó khăn trong bố trí địa điểm tiêu hủy lợn. Mức hỗ trợ lợn dịch phải tiêu hủy cho các hộ chăn nuôi còn thấp.

Vì vậy, ông Đinh Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gia Viễn đề xuất UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xem xét tiếp tục hỗ trợ hóa chất để triển khai việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; sớm có văn bản triển khai chế độ, chính sách hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn cho các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy kể từ thời điểm 16/9/2021. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Ninh Bình, hiện tại dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trở lại ở 30 xã của 8 huyện, thành phố với trên 6.000 con lợn mắc bệnh chết và tiêu hủy. Đặc biệt, từ thời điểm cuối tháng 4/2022 đến nay, dịch bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều ổ dịch ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn và Yên Mô.      

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Ninh Bình cho biết, những hộ có lợn chết do dịch hầu như là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức chăn nuôi còn hạn chế, chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, thời tiết đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan và gây thiệt hại nặng cho các hộ chăn nuôi lợn. 

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh đã cấp trên 10.000 lít hóa chất cho các huyện, thành phố để tiêu độc, khử trùng; tăng cường giám sát đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện và yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được giấu dịch, không tự ý chữa trị, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cũng liên tục thông tin, tập huấn giúp người dân chủ động nâng cao ý thức bảo vệ đàn lợn của gia đình. 

Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là địa phương đang có dịch bệnh phức tạp, nguy cơ cao. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực cho người dân và cộng đồng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất