, //, :: GTM+7

Ninh Thuận nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch hiệu quả

NGUYỄN THÀNH
(dantocmiennui.vn)
Sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn luôn là mối quan tâm lớn của xã hội, không chỉ đem lại những sản phẩm tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường mà còn đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Với xu thế phát triển này, tỉnh Ninh Thuận tập trung ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Ninh Thuan nhan rong mo hinh san xuat nong nghiep sach hieu qua hinh anh 1
Mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Hai năm qua, vườn nho hồng ngón tay NH 01-152 của gia đình ông Đoàn Văn Hoàng (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) trở thành điểm tham quan, chia sẻ kinh nghiệm trồng nho cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Hoàng cho hay, trước đây gia đình trồng giống nho đỏ Red Cardinal theo kiểu truyền thống, hiệu quả sản xuất không như mong đợi. Sau khi được Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An vận động, hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình quyết định chuyển sang trồng 3 sào (3.000m2) giống nho mới này.

Tham gia hợp tác xã, ông Hoàng học hỏi và áp dụng được nhiều phương pháp canh tác mới như: lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh, dùng bao giấy đặc chủng bao bọc các chùm nho để bảo vệ quả khỏi các tác hại tiêu cực của thời tiết, các loại sâu hại lẫn dịch bệnh.

Ông Hoàng chia sẻ, bao chùm nho giúp sản lượng tăng từ 10%- 20%, giảm đáng kể quả nho bị hư. Bình quân mỗi sào nho cho thu hoạch trên 1 tấn quả/vụ, sản xuất được 2 vụ mỗi năm. Nhờ bao chùm, quả nho đảm bảo độ an toàn, đủ độ ngọt, mẫu mã đẹp nên bán với giá cao hơn. Hiện, nho NH 01-152 bán tại vườn có giá dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần so với các giống nho truyền thống. Trừ chi phí đầu tư, gia đình còn lãi khoảng 60 triệu đồng/sào/vụ. Để tăng hiệu quả kinh tế, ông Hoàng kết hợp mở cửa vườn nho đón khách vào tham quan, chụp ảnh, bán nho tươi cho khách hái ăn ngay tại vườn.

Thời gian qua, không chỉ vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất nông sản theo hướng sạch, an toàn, tỉnh Ninh Thuận còn đẩy mạnh việc kêu gọi các công ty, doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

Ông Trần Duy Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) cho biết: Hai năm gần đây, công ty chuyển sang trồng thêm măng tây xanh hữu cơ trên diện tích 30ha. Đây là cây trồng mới, công ty áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đầu tư các trang thiết bị công nghệ tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt. Ngoài ra, công ty còn đầu tư sâu trong công nghệ chế biến sản phẩm sau thu hoạch như hệ thống nghiền bột, hệ thống sấy lạnh, đảm bảo hương vị, màu sắc măng tây xanh phục vụ làm bột dinh dưỡng để cung cấp cho thị trường.

Ninh Thuan nhan rong mo hinh san xuat nong nghiep sach hieu qua hinh anh 2
Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại Công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn). Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo ông Hải, cây măng tây xanh một năm sẽ cho thu hoạch 9 tháng liên tục. Hiện tại, giá măng tây loại 1 hiện nay dao động từ 55.000 đồng – 60.000 đồng/kg, còn loại 2 có giá hơn 40.000 đồng/kg, một ha măng tây xanh cho thu nhập trên dưới 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Công ty cũng đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 200 lao động là người dân địa phương với mức lương từ 4,5 triệu đồng – 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ISO, ISO/IEC 17025, HACCP, hữu cơ... Tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2021, toàn tỉnh có 15 dự án đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích khoảng 250ha.

Từ đó, hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng; công nghệ sinh học, vi sinh; công nghệ sản xuất nông nghiệp không dùng đất; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm; công nghệ máy móc, tự động hóa trong sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả cao, tạo ra các sản phẩm nông sản sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tăng cường giải pháp hỗ trợ

Điều kiện khí hậu ít mưa, nhiều nắng đã tạo cho Ninh Thuận có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù như: nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, cừu, dê, tôm giống, nước mắm… Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân như: hoạt động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến còn hạn chế dẫn đến năng suất, mẫu mã, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; thị trường tiêu thụ sản phẩm còn thiếu tính bền vững.

Ninh Thuan nhan rong mo hinh san xuat nong nghiep sach hieu qua hinh anh 3
Ninh Thuận tăng cường quảng bá sản phẩm nông sản đặc thù tại các hội chợ thương mại. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho hay, trong giai đoạn 2021 - 2025, Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 3-4%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 30 - 40%/năm. Đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu có từ 3 - 5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất đạt 1.000 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha.

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với việc phát triển nền nông nghiệp sạch nhằm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đồng thời đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Cụ thể, Ninh Thuận tạo điều kiện thông thoáng nhất để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp quy mô lớn; đẩy mạnh thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, coi doanh nghiệp là trọng tâm, các hợp tác xã là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết giữa 4 nhà: nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học.

Để thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, trong năm 2022, tỉnh Ninh Thuận dành trên 9,4 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thành phố trong việc phát triển nông nghiệp và hỗ trợ thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Cùng đó, tỉnh tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp và mở rộng hình thức cho vay tín chấp để tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP; đặc biệt, thông qua các chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ninh Thuận cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, các Bộ, ngành Trung ương trong triển khai các hoạt động kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn; ngăn chặn hàng giả, kém chất lượng để góp phần đảm bảo thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển một cách bền vững.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất