, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 13/12/2022, 08:50

Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề tại Bắc Ninh

QUANG NHIỀU
(vnanet.vn)
Tỉnh Bắc Ninh là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Bên cạnh các giá trị kinh tế các làng nghề mang lại, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là nỗi lo, đặt ra nhiều thách thức đối với địa phương. Để giải quyết bài toán này, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai nhiều giải pháp từng bước cải thiện môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề, nhất là tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nghề cô đúc nhôm tại xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Làng Đại Bái (xã Đại Bái, huyện Gia Bình) nổi tiếng với nghề đúc đồng, với những sản phẩm như: tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh câu đối bằng đồng… Hiện làng có 1.198 hộ làm nghề, trong đó có 708 hộ sản xuất hộ sản xuất hàng dân dụng, 301 hộ sản xuất hàng mỹ nghệ và 189 hộ đúc nhôm, đồng. Năm 2022, doanh thu của làng nghề đạt khoảng 300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người dao động từ 50 - 70 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, môi trường ở đây ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Đại Bái cho biết, làng nghề đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng từ phát triển nghề gò đúc đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, cô bã nhôm đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axít, sút… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng ống khói đạt tiêu chuẩn, đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của nhân dân trong làng.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ và mặt bằng dân trí thấp. Những hạn chế về khả năng đầu tư, điều kiện cạnh tranh trên thị trường làm tăng mức đầu tư phát sinh và ô nhiễm môi trường. Các hộ sản xuất, kể cả các xưởng sản xuất đều được xây dựng sơ sài. Diện tích chật hẹp, hệ thống điện, nước lắp đặt tùy tiện, không an toàn. Hệ thống thu gom nước thải từ các hộ sản xuất và sinh hoạt cũng chưa được phân loại xử lý mà vẫn đổ trực tiếp ra môi trường...

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, nhận thức của nhân dân còn thấp, ý thức chung trong việc bảo vệ môi trường chưa cao khiến tình trạng môi trường trong làng nghiệp làng nghề ngày càng bị ô nhiễm. Cụ thể, người dân làng Đại Bái thường phải hít không khí năng, có mùi khét do các hộ đúc, cô phế thải đồng nhôm gây ra, hoặc thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da.

UBND xã Đại Bái đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường như quy hoạch khu bãi rác thải tập trung rộng hơn 8.000 m2 nhằm giảm thiểu tình trạng ứ đọng, ô nhiễm nguồn rác thải. Quy định ống khói của các hộ đúc, cô phế liệu phải xây dựng cao từ 12 mét trở lên, các hộ có máy móc sản xuất phải tuân thủ thời gian quy định làm việc từ 5 đến 19 giờ hàng ngày, không làm quá thời gian quy định. Các hộ tẩy, rửa hóa chất lớn bắt buộc phải xây dựng bể chứa lắng đọng...

Cách làng nghề đúc đồng Đại Bái không xa, làng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, nổi tiếng khắp cả nước với những sản phẩm cơ khí chi tiết được đúc từ đồng. Đến nay, nghề đúc đồng truyền thống của làng phát triển cả về số lượng và chất lượng với hàng trăm công ty, cơ sở sản xuất. Sự phát triển nhanh của làng nghề đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường.

Theo ông Trịnh Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, làng Quảng Bố hiện có khoảng 800 hộ, doanh nghiệp sản xuất cơ khí từ đồng, kim loại và từ nhựa, trong đó, các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%. Việc sản xuất trong khu dân cư đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường làng nghề. Về lâu dài, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài tình trạng ô nhiễm khói, bụi, ô nhiễm tiếng ồn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, xã đã yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khói; đồng thời kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền về việc thành lập cụm làng nghề để giải quyết triệt để vấn đề về ô nhiễm môi trường.

Nỗ lực cải thiện môi trường làng nghề

Những sản phẩm cơ khí chi tiết được đúc từ đồng ở làng Quảng Bố, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 30 làng nghề thủ công truyền thống, nổi bật như: làng nghề gỗ Đồng Kỵ, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, chạm khắc gỗ Phù Khê. Hiện các làng nghề có trên 28.000 hộ tham gia, với gần 74 nghìn lao động làm nghề, tạo ra sản phẩm hàng hóa trên 12.000 tỷ đồng/năm, mang lại thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ở mức "báo động đỏ" như làng nghề giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, làng nghề giấy Phú Lâm, huyện Tiên Du, làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, hầu hết các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều chưa đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định, các cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ bản không đầu tư xây dựng các công trình xử lý đối với các loại chất thải phát sinh. Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm nặng (làng nghề thép Châu Khê và làng nghề giấy Phong Khê). Chất thải của các làng nghề làm ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, đất và không khi khu vực, điển hình như làng nghề tái chế nhôm Văn Môn và làng nghề giấy Phong Khê.

Hiện nay, đa số các làng nghề trong tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dây chuyền công nghệ thủ công, lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, cho nên tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe người dân. Mặt khác, do chưa có quy hoạch tổng thể nên các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong vùng dân cư, thiếu mặt bằng sản xuất; đa số các làng nghề chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải nên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước mặt cục bộ tại địa phương. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh hạn chế, thiết bị công nghệ chế biến thô sơ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại còn ít.

Tại một số làng nghề,hành vi xả trộm nước thải ra môi trường vẫn còn song khó phát hiện và xử lý dứt điểm; vẫn còn những trường hợp chưa chấp hành, có hiện tượng làm hệ thống xử lý môi trường chỉ để đối phó với đoàn kiểm tra; tình trạng cơ sở sản xuất lén lút hoạt động vào ban đêm, tự tháo niêm phong hoạt động gây bức xúc trong nhân dân…

Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, phù hợp thực tiễn cơ sở, nhằm vừa đáp ứng nguyện vọng của cả người dân và doanh nghiệp, vừa giải quyết căn bản, căn cơ công tác bảo vệ môi trường.

Theo ông Nguyễn Đình Phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm trung chuyển đến khu xử lý và kinh phí xử lý; nhân dân đóng góp kinh phí thu gom, vận chuyển từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển theo quy định. Đối với khu vực làng nghề, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý đối với chất thải rắn tồn đọng từ trước đến thời điểm dự án được UBND tỉnh phê duyệt.

Với các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các địa phương nâng cấp lên đô thị và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong đó, các dự án do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư được giao đất đã giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ khác sau khi đầu tư hoàn thành theo các quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư xử lý làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các đô thị trên địa bàn các huyện chưa có hệ thống xử lý, lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với các cụm công nghiệp hiện đã đi vào hoạt động. Đồng thời, bố trí nguồn vốn cho đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực nông thôn, làng nghề, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng.

Tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải giai đoạn I công suất 5.000 m3/ngày đêm tại phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh; làng nghề bún Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh được đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 400 m3/ngày đêm; đưa vào vận hành giai đoạn 1 nhà máy xử lý nước thải ở thành phố Từ Sơn với công suất 33.000 m3/ngày đêm.

UBND tỉnh đã cho phép UBND huyện Yên Phong triển khai Dự án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại làng nghề Mẫn Xá, xã Văn Môn; dự án đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề Mẫn Xá với diện tích 3,8 ha; đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá để di chuyển các cơ sở trong làng nghề ra cụm công nghiệp.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất