, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 30/03/2022, 08:00

Nơi đàn ông toàn tài

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Hơn ba trăm năm nay đàn ông dân tộc Nùng An ở xã Phúc Sen huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) trổ tài khéo léo, sức bền bỉ và tính cần cù bên những lò rèn quanh năm đỏ lửa.

Từ thành phố Cao Bằng, đi 30km về phía Đông Bắc theo hướng Quốc lộ 3 đi cửa khẩu Tà Lùng, bên cánh đồng uốn lượn lúa, ngô, khoai, mía… tôi gặp những lán tre, lán gỗ treo đầy dao, liềm, búa, cuốc…; tai nghe những tiếng đập búa chát bụp, lửa lò reo phần phật, máy mài xoèn xoẹt, sắt đỏ nhúng nước xèo xèo.

Thép tôi kỹ mới thành dao tốt

Thấy bên tay trái có một lán khang trang, dao sáng loáng treo trên giá, lại thấy cái tên Lưu Luyến dễ thương nên tôi rẽ vào. Sinh ra trong một gia tộc đã tám đời làm nghề rèn nên ngay từ năm 13 tuổi, Nông Lưu Luyến (sinh năm 1971) đã xuống lò rèn với cha để học việc. Đầu tiên là giúp bố vào lửa, bổ đổi, dùa thép mỏng đều, làm chuôi dao, thân dao, cuối cùng mới được làm lưỡi dao. Nhìn bố làm mà học, cái gì không hiểu thì hỏi để được chỉ bảo thêm, mất đến ba năm Luyến mới được lên làm thợ cả. Luyến bảo rằng làm nghề này phải có con mắt tinh tường để biết phân biệt từng loại thép mà quyết định rèn vật dụng gì, nung bao nhiêu lâu thì đạt. Mỗi loại thép lại phải nung ở một độ lửa khác nhau. Ví như rèn dao, lửa già quá thì thép biến thành gang, khi nhúng vào nước thép sẽ giòn, màu dao sẽ trắng quá, khi thái, chặt dễ mẻ; non quá thì dao quăn, cùn. Lửa vừa với chất thép thì lưỡi dao sẽ tốt.

“Để có lưỡi dao sắc và bền thì quan trọng nhất là khâu tôi. Phải nhìn màu của miếng thép khi nung, nếu bị đỏ quá sản phẩm hoàn thiện sẽ giòn nên khi thép màu da cam là phải gắp ra khỏi lò. Việc dùng nước lạnh để tôi lưỡi giúp sản phẩm sắc hơn, bền hơn song đòi hỏi sự tinh tế mà phải mất nhiều thời gian mới rút kinh nghiệm được. Cũng là dùng tro than củi hòa vào nước để trung hòa acid nhưng tỉ lệ thế nào, thời gian bao lâu lại là bí quyết của từng gia đình. Thép nung xong, nhúng vào nước thấy váng nước có màu sắc như cầu vồng và lấy ra khỏi nước thấy thép có màu hồng tươi là đạt yêu cầu, tức là rắn mà không giòn, dẻo mà không mềm. Nếu thép tôi xong có màu xanh xám thì dù sản phẩm sắc nhưng rất dễ mẻ, vỡ khi sử dụng vì thép này giòn. Phải tôi - rèn đúng kỹ thuật trong suốt 90 phút mới hoàn thiện một con dao. Dao tốt dùng được ít nhất mười lăm năm, có con dùng cả đời không hỏng,” Luyến nói.

Mỗi ngày, Luyến rèn được từ sáu đến tám con dao, giá bán mỗi con từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng, trừ chi phí mất một nửa. Một năm gia đình anh thu nhập hơn 20 triệu đồng từ nghề rèn.

Chủ nhiệm hợp tác xã Long Chiến, ông Long Văn Chiến, 61 tuổi đời nhưng đã có 46 năm trong nghề. Thành lập HTX năm 2010, quy tụ mười hai người làm nghề rèn, xưởng rèn của ông nằm ngay đầu đường rẽ vào xóm Pác Rằng, biển hiệu được thiết kế lớn, bắt mắt; gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm có cả phần hình ảnh giới thiệu tường tận quy trình sản xuất. Trong khu xưởng khang trang, ông sắm cả máy dập, máy mài. Hợp tác xã của ông chuyên đúc lưỡi cày, rèn dao, búa, cuốc, xẻng, liềm, hái… Ông cho biết: “Trung bình mỗi ngày một người làm được bốn sản phẩm, thu nhập từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng. Chúng tôi gửi sản phẩm đi bán khắp nơi trong cả nước và sang cả Nà Po, Trịnh Tây, Long Châu của Trung Quốc. Từ năm 2006 đến nay, tôi đã mang hàng đi dự hội chợ thương mại ở Bắc Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng...”.

Trung bình, mỗi ngày một người đàn ông Nùng An ở Phúc Sen rèn được bốn sản phẩm, thu nhập từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng.

Theo ông Chiến, nghề rèn nhìn đơn giản nhưng thực ra công phu lắm. Phải mua được thép tốt, mà tốt nhất vẫn là nhíp của ô tô Zil, IFA để làm dao; trục xe máy cày, bánh xe xích để rèn búa... Sau đó, khâu quyết định hết thảy là kỹ thuật tôi. Mùa hè nếu tôi nhiều lần, nhiều sản phẩm thì khi nước trong máng nóng là phải thay ngay; còn mùa đông nếu để nước lạnh quá thì dao, búa dễ mẻ lưỡi. Khó nhất là rèn loại dao thái thuốc lá dài 70 cm, đòi hỏi người tôi phải có kinh nghiệm và tay nghề cao, kỳ công lắm mới làm được. Người làm nghề rèn phải mạnh khỏe, dẻo dai, mắt tinh, tai thính, cảm quan tốt và đặc biệt là tính nết phải cẩn thận, nhẫn nại. Nung được rồi phải nhanh chóng tạo hình sản phẩm trước khi sắt nguội. Cho dù bụi sắt có rơi xuống tay cũng không có thời gian để phủi. Vì nếu nguội phải nung lại từ đầu.

Còn ông Nông Văn Hiệp, 73 tuổi thì từ năm 14 ông đã ngồi cạnh lò rèn của cha và học cách luyện dao. Cứ mỗi khi đi học về, ông lập tức bám lấy cha và người anh trai lớn để xem cách quai búa, cách phân biệt nước tôi dao và cách nung cho vừa độ dẻo của thép. Mười sáu tuổi, ông được cha giao cho một lò rèn để kiếm sống. Ông giảng giải: “Khi nào rèn được phần lưỡi ưng ý thì mới trau chuốt đến phần thân và chuôi dao. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc ngọt thì chỉ rèn một lần.”

Ở Phục Sen ngày nay, thợ rèn làm trung bình mười tiếng một ngày, công cụ sản xuất đã có máy mài, máy đập nên tiết kiệm công sức, đập tay chỉ để chỉnh sửa nên công suất lao đông tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với làm tay hoàn toàn mà sản phẩm lại đẹp, chất lượng.

“Trước, ngày làm ba con dao, nay ngày làm mười con, kiếm một triệu đồng. Mỗi phiên chợ Trùng Khánh tôi bán trung bình được năm triệu đồng, phiên bán được nhiều nhất là 19 triệu đồng”, ông Long Văn Hải, một thợ rèn có tiếng của Phúc Sen cho biết.

Xã Phúc Sen hiện có 423 hộ gia đình với 1.982 nhân khẩu thì có đến một nửa làm nghề rèn. Sáu trong mười xóm của xã có dân làm nghề rèn là Phja Chang trên, Phja Chang dưới, Đâư Cọ, Tình Đông, Pác Rằng và Lũng Vài. Sản phẩm chủ yếu là hàng nông cụ và đồ nghề mộc. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dân Phúc Sen đã tham gia đúc súng thần công và vỏ lựu đạn phục vụ kháng chiến.

Theo ông Lương Văn Quáng ở bản Tình Đông, vị tổ sư nghề rèn ở Phúc Sen là một người đàn ông Nùng Giang không vợ, không con, một thân một mình lặn lội từ Trung Quốc sang mở lò rèn kiếm sống. Lò rèn của ông nằm giữa bản Tình Đông bây giờ. Dân bản không ai rõ họ tên ông là gì, chỉ gọi ông là Pú Lếch (ông làm đồ sắt). Ông Lương Văn Kinh ở bản Tình Đông hằng ngày lo cơm nước, than củi và quai búa phụ giúp Pú Lếch, do đó sớm học được nghề và trở thành thợ rèn đầu tiên của Phúc Sen. Tiếp theo, ông Nông Văn Nọn ở bản Phja Chang, ông Lương Văn Phủng ở bản Đâư Cọ và một ông nữa ở bản Tình Đông gọi là Pú Căm (họ Lương, không rõ tên) cũng học được nghề rèn. Khi Pú Lếch già yếu, trở về quê sống nốt quãng đời còn lại thì những vị này lần lượt mở lò rèn.

Trước kia, người dân thường rèn rồi gồng gánh dao, cuốc, búa, liềm, lưỡi cày… đi bộ mấy ngày trời lên tận chợ huyện Trà Lĩnh, Thông Nông, Trùng Khánh, Thạch An… để bán sản phẩm, sau đó, mua nông cụ cũ, nhíp ô tô cũ… về để có nguyên liệu sản xuất. Dần dần, có những người chuyên đi thu mua nhíp ô tô cũ mang đến bán tận nơi rồi lại lấy sản phẩm rèn mang đi khắp nơi tiêu thụ. Từ hai, ba năm nay, người dân vươn ra hai bên mặt đường xây lò, dựng hiệu làm thành phố chuyên doanh. Người, xe tấp nập đến - đi để mua sản phẩm. Cánh lái xe cũng hay ghé lại bán cho thợ rèn những thanh nhíp hỏng. Thế là tạo thành tổ hợp sản xuất, kinh doanh thuận lợi. Thông thường, đến mùa phát nương, làm rẫy (từ tháng mười năm trước đến tháng một năm sau), lượng hàng tiêu thụ tăng đột biến. Nhiều gia đình không đủ hàng để bán. Các tháng khác thì bán rả rích nhưng lò rèn quanh năm đỏ lửa.

Thấy một anh trung niên đang đứng ngắm nghía rồi gại gại hai lưỡi dao vào nhau để thử độ sắc (để biết thép có tốt hay không người ta lấy lưỡi của một con dao gọt vào sống lưng của một con dao khác. Phần lưỡi thép đã được tôi sẽ gọt được phần sống dao - tác giả), tôi đến làm quen. Anh cho biết tên là Nguyễn Văn Khương từ Cà Mau ra tham quan khu du lịch thác Bản Giốc, đi ngang xã Phúc Sen, thấy dãy hàng rèn độc đáo quá liền dừng xe xuống xem rồi mua luôn mười con dao về dùng và tặng bạn bè.

Ông Lương Văn Huấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Sen, cho biết: “Nghề rèn ở Phúc Sen có lịch sử hơn 300 năm và theo hình thức cha truyền con nối, chỉ truyền cho con trai. Toàn xã hiện có hơn 120 lò rèn, lúc cao điểm lên đến hơn 200 lò. Gia đình nào có hai người khỏe mạnh trở lên là làm nghề. Sản phẩm của làng nghề gồm hơn hai mươi loại. Thu nhập từ nghề rèn của nhân dân trong xã là hai tỉ đồng/năm”.

Không biết rèn là bất tài

Người Nùng An có những câu tục ngữ đúc rút tri thức bản địa về nghề rèn như: Phầy đing lí hoán lếch/Phầy xinh lí tháo khang (Rèn sắt cần đỏ lửa/Lửa xanh thì tháo gang) hay Khín sạ phầy đáo rum/Khín phấu phầy đeng quýnh (Tôi dao cần nhỏ lửa/Tôi búa cần lửa to)

Hình ảnh thân thuộc ở xã Phúc Sen: những chiếc lán đơn sơ bày bán các sản phẩm nghề rèn.

Nói về sự phân công nhân lực trong làm rèn thì có câu: Sam pấu le hoón phấu/Nậu toọc le hoón liềm (Ba người thì rèn búa/Một người chỉ rèn liềm) hoặc nói về kinh nghiệm chế tác sản phẩm phù hợp với địa hình và điều kiện sản xuất Phát khằn rây sạ kho/Phát khằn nà sạ dàu (Phát bờ mương cần dao quắm/Phát bờ ruộng cần dao thẳng.)

Trong phương thức truyền nghề, các thế hệ thợ rèn ở đây đặc biệt chú trọng việc nhắc nhở nhau đức tính thật thà, giữ uy tín với khách hàng. Họ thường răn dạy con cháu rằng: Tiền bạc như đất như cỏ/Mặt mũi đáng giá ngàn vàng.

Bà Nhan Thị Minh Thi, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cho biết: Nghề rèn từ lâu đã được lưu truyền trong truyền thuyết, thơ ca, tín ngưỡng dân gian. Để tỏ lòng biết ơn ông tổ nghề rèn (lão piấu troó lếch), ngoài lập bát hương thờ tại nhà, các thợ rèn Nùng An còn lập bàn thờ ông ngay tại lò rèn, đều đặn thắp hương vào các ngày mùng một và ngày rằm hằng tháng.

Lễ cúng ông tổ nghề thường được tổ chức vào các dịp lễ, Tết như: Tết tháng giêng, rằm tháng bảy. Vào tháng giêng, từ đêm 30 Tết, các thợ rèn đều cất hết đồ nghề và quét dọn lò rèn sạch sẽ. Để tẩy uế, trừ tà và đón mừng năm mới, người ta cắm một cành lá bưởi lên lò rèn và cắm một cành lá bưởi trước cửa nhà. Suốt đêm 30 Tết, người ta thắp hương ở lò rèn như thắp hương ở ban thờ tổ tiên. Họ chờ đón ông tổ nghề rèn về ăn Tết với gia đình, sang năm mới phù hộ cho lò rèn luôn đỏ lửa và vang tiếng búa, đe. Sáng mùng một Tết, làm cơm cúng tổ tiên, người ta cũng làm một mâm cơm đặt ở ngoài sàn để cúng ông tổ nghề. Lễ vật là một con gà trống, một cân thịt lợn, một cặp bánh dày, mười phong bánh khảo, rượu, vàng hương. Từ đêm 30 Tết cho đến rằm tháng giêng, đêm nào người ta cũng thắp hương tại lò rèn tuy không đặt đồ lễ. Rằm tháng bảy, sau khi làm cơm cúng tổ tiên và cúng thổ công ở miếu thờ đầu bản xong, người ta lại bê mâm lễ ra cúng ông tổ nghề rèn rồi mới cúng các vong hồn. Đồ cúng dịp này gồm một con vịt quay, một cân thịt lợn quay, bánh gai, bánh dợm, rượu, vàng hương.

Đối với những gia đình hoặc cá nhân vì lý do nào đó mà phải chuyển đi nơi khác cư trú thì trước khi đi phải làm lễ tạ ông tổ nghề cho phép họ được thôi làm nghề rèn. Lễ vật gồm một cái thủ lợn, một con gà trống thiến, một mâm xôi ngũ sắc, một chai rượu, vàng hương. Bên cạnh mâm cúng phải đặt bộ đồ làm nghề rèn. Lễ này do thầy tào thực hiện, trước tiên là cúng tổ tiên, tiếp đến là cúng ông tổ nghề rèn, cuối cùng là cúng vọng miếu thờ. Khi cúng, thầy tào phải xướng tất cả tên tuổi những người sẽ chuyển đi trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ, già bản. Nội dung lời cúng nêu rõ lý do phải thôi nghề, chuyển chỗ ở và cuối cùng là lời hứa dù ở đâu, làm nghề gì khác cũng không bao giờ quên và phản bội nghề rèn của quê hương bản quán.

“Người Nùng An quan niệm người con trai trước khi đi hỏi vợ mà chưa biết rèn là bất tài,” ông Long Văn Chiến nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất