, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 26/06/2019, 08:22

Nói đằng này, dạy đằng kia!

TRIẾT AN

Đi thưa về trình

Ngày xưa, cách nay vài chục năm, vợ chồng trẻ có con nhỏ khi đi ra đường, đều được các bậc cha mẹ, ông bà nhắc vào xin phép ông Táo, rồi đi đâu đi. Nghi thức này gồm lấy lọ nghẹ (nhọ nồi) ở đáy nồi, quẹt vào trán đứa bé. Cha hay mẹ đứa bé lầm rầm xin ông Táo cho trẻ ra đường bình an. Sau khi làm nghi thức này, đôi vợ chồng trẻ bồng con lên chào ông bà, cha mẹ, người lớn trong nhà rồi mới ra đường.

Hình minh họa. Nguồn: Internet
Hình minh họa. Nguồn: Internet

Tục lệ này, ngày xưa hầu như nhà nào cũng có, nhưng ngày nay đã thay đổi. Ngày xưa nấu bếp củi, bếp than mới có nhọ nồi quẹt cho trẻ. Ngày nay, bếp điện, bếp ga trắng bong đáy nồi, lấy gì mà quét. Hồi xưa bếp có thờ ông Táo, ngày nay dưới bếp đâu có thờ cúng gì.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa hơn, bên trong cái tục lệ trên là ý thức ông bà, cha mẹ muốn con phải chào người lớn trong nhà mỗi khi ra đường. Cháu phải xin phép ông Táo, xong rồi lên nhà trên tạm biệt ông bà. Ông bà chào cháu, bảo ban con cháu đi đường cẩn thận, đi mau chóng về. Nhiều ý nghĩa mang đậm tình cảm gia đình, chăm sóc lẫn nhau trong một tục lệ xem tưởng chừng như đơn giản này.

Ngày nay, con cháu ra khỏi nhà, đã đơn giản bớt, thường bậc dưới chào bậc trên và thông báo đi đến chừng nào về, đi với ai, làm công việc gì. Một thông báo ngắn gọn, nhưng làm người nhà yên lòng. Đâu chỉ đi ra mới chào, đi về cũng tương tự, “Đi thưa, về trình” đã là nếp đẹp gia phong của người Việt. Nhà nào giờ này còn có gia phong nề nếp trên kể như phúc đức lưu truyền mấy đời.

“Lời chào cao hơn mâm cỗ” như ông bà ta đã nói. Một mâm cỗ đầy món ngon, vật lạ nhưng được dâng lên với một vẻ mặt câng câng, sân sỉa… quả là khó nuốt vào hơn một lời chào nhiệt tình thân ái.

Lời chào còn đi đầu trong mọi việc lễ. Lời chào có thể là cái khoanh tay cúi đầu của người trẻ đối với người lớn tuổi. Là cái vẫy tay, là cái giở nón, nụ cười mỉm, ôm nhẹ, cọ má hay chấp tay chào cho người gặp mặt. Lời chào còn là nghi lễ quan trọng trong các cuộc lễ. Lễ cưới, tang ma, lễ giỗ, lễ báo hiếu… trong gia đình, hay lễ trọng như cúng đình, cúng làng, lễ ở tầm quốc gia… đều bắt đầu từ cái chào.

Những cái chào này đều trân trọng bằng việc thắp nhang chào ông bà tổ tiên. Ngày nay, chúng ta không hề thấy lạ khi thấy các cấp lãnh đạo thắp nhang ở Đền Hùng, ở đài tưởng niệm các liệt sĩ… Nói cái chào quan trọng, đi đầu mọi lễ cũng không là thừa.

Một cách dạy bảo ý nhị

Xin quay lại chuyện bảo ban con cháu bắt đầu từ việc dạy đi thưa về trình qua việc xin phép ông Táo. Đề nghị xin phép ông Táo, quẹt lọ nghẹ lên trán cháu để khi ra đường ma quỷ không quấy phá gây bệnh, nhưng thực ra là muốn con cháu biết khi ra ngoài phải chào ông bà, cha mẹ trong nhà. Ta dễ thấy cách dạy dỗ đạo đức cho trẻ của người xưa thường không nói trực tiếp mà thường “nói đằng này, dạy đằng kia”.

Người xưa thường dạy: Khi vào nhà không đội nón vì sau này sẽ lùn. Chắc chắn không có tài liệu khoa học nào cho rằng có mối liên quan giữa lùn và đội nón vào nhà. Nhưng có điều đội nón vào nhà là vô lễ. Ông bà muốn dạy con cháu khi vào nhà, vào nơi chốn thờ phượng phải lấy nón ra là vậy.

Hình minh họa
Hình minh họa

Sưu tầm những lời khuyên hay lời ngăn cấm của ông bà xưa ta thấy có nhiều trường hợp tương tự như: Không bồng con trẻ đưa qua cửa sổ vì mai mốt lớn nó đi ăn trộm. Thực tế là ngày xưa cửa sổ đa phần là cửa số sập mở ra bằng cách chống cây, đưa con trẻ qua cửa sổ không khéo, cây chống sập xuống nguy hiểm cho trẻ.

Dạy con trẻ gắp cá không lật lên, lật xuống nhiều lần vì mai mốt đi thuyền bè sẽ bị lật. Chỉ gắp một bên, sau đó khéo léo lấy xương cá ra, ăn tiếp phần dưới. Đây là ông bà dạy cách gắp cá lịch sự văn minh, chứ chẳng dính líu thuyền bè đi trên sông biển ở đây.

Còn rất nhiều lời khuyên, tục kiêng kỵ như sau: Người còn trẻ không cho tôi vôi vì sợ sớm bạc đầu; Trẻ con không cho ăn cơm cháy vì sợ tối dạ, không cho ăn chân gà vì sợ run tay…

Thử ngẫm, nếu nói thẳng con bồng cháu đưa qua cửa sổ cây đập xuống cháu bị thương, hay gắp cá ăn lật lên, lật xuống là cách ăn của người thô bỉ… cũng được. Nhưng khả năng tiếp thu của người được nhắc nhở sẽ ít đi, nghe máu me, hung tợn quá, chưa kể người nghe có thể nghe như bị xỉ nhục. Ngẫm như vậy mới thấy ông bà xưa khéo nói như thế nào.

Lời khuyên giống như một lời cảnh báo nhẹ, mang tính hài hước. Người lớn nghe hiểu ngay, trẻ nhỏ hay lý sự có thế thắc mắc, nhưng thường được người lớn khuyên con cứ tin đi, mai mốt rồi biết. Mai mốt những cô cậu trẻ ngày nào sẽ hiểu ra, rồi nhiều người trong họ cũng sẽ ý nhị khuyên người khác với phong cách “nói đằng này, nhưng dạy đằng kia”.

***

Ta có thể thấy những phong tục, lời khuyên của ông bà ngày xưa đều có ý nghĩa gì đó và đa phần tiềm tàng những lời dạy khôn ngoan, tinh túy truyền lại từ ngàn xưa. Có thể gọi là túi khôn của muôn đời, chịu khó suy ngẫm, nghiên cứu ta có thể thấy rất nhiều điều ý nhị, thông minh của cha ông ta truyền lại qua kho tàng tục ngữ, ca dao, truyện kể, điều kiêng hay lời khuyên thường thấy.

Tất nhiên có những điều của quá khứ đã khác xa với thời hiện đại, ví dụ như lọ nghẹ, cánh cửa sổ sập… ngày nay đâu còn, hoặc có những điều xem ra không còn phù hợp với thời đại hiện nay. Tuy nhiên, cái gì phù hợp, sau khi đã nghiên cứu nghiền ngẫm lâu ngày cảm thấy chưa phù hợp thì không thực hiện. Còn nghi vấn thì ghi để đó vì chắc chắn rằng người xưa khi nói gì được lưu lại ngàn năm chắc cũng có lý của nó.

Ta cứ như nhà khảo cổ nhặt nhạnh những cổ vật ngày xưa mà nghiên cứu. Có những cái tinh túy, hồn vía văn minh dân tộc bao đời nay có thể thấy vẫn còn đó và truyền từ đời này sang đời khác, nếu có cái nhìn thật minh triết.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất