, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 15/12/2021, 19:00

Nơi gìn giữ sắc màu Khmer

NHẬT HUY
Từ Khu di tích Miễu Bà Chúa xứ Núi Sam đi ngược về dãy Thiên Cấm Sơn là đến làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Khmer - tọa lạc tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên – nơi dừng chân khó có thể bỏ qua khi về với vùng đất An Giang kỳ thú.
 
 
 

Không đơn thuần chỉ là sinh kế, nghề dệt thổ cẩm tại đây vẫn đang âm thầm gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của người Khmer Nam bộ.

 
 
 
 

Thổ cẩm Khmer gây ấn tượng bởi màu sắc phong phú và hoa văn cực kỳ tinh xảo. Thông thường, vải thổ cẩm được may thành quần, áo, sarong (một loại váy truyền thống của người Khmer) để mặc trong các dịp quan trọng như: lễ, tết, đám cưới, viếng chùa… Để có một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn với thời gian dài. Ngoài tay nghề cao, người làm thổ cẩm còn phải tỉ mỉ, cẩn thận và chăm chút đến từng sợi tơ. 

Trung bình, một người thợ giỏi phải mất 3 đến 5 ngày, thợ thường có thể mất 10 đến 15 ngày, mới có thể dệt xong một tấm thổ cẩm, chưa kể thời gian chuẩn bị nguyên liệu, nhuộm tơ, bắt bông… Tơ được sử dụng để dệt phải là tơ có nguồn gốc tự nhiên, kết hợp với phương pháp nhuộm đặc biệt mới có thể cho ra những thước thổ cẩm vừa mềm mại, bóng bẩy, không đổ lông lại có độ bền cao. Theo chia sẻ của các nghệ nhân, phải trải qua đến 17 công đoạn mới có thể cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi công đoạn đều hết sức tỉ mỉ, vì nếu có bất kỳ sai sót nào cũng coi như hư hỏng, phải làm lại từ đầu.

 
 

Tơ trắng sau khi mua về đem ngâm trong nước tro để làm sạch cũng như loại bỏ tạp chất trước khi nhuộm màu. Mỗi bó tơ có khoảng trên dưới 100 sợi tơ.  Người ta dùng sợi nilong cột tơ thành từng khúc để nhuộm thành những màu khác nhau phù hợp với màu sắc trên hoa văn đã chọn. Do vậy, người thợ phải đếm thật chính xác số lượng màu trên hình mẫu đã chọn để cột và nhuộm tơ cho chính xác. Tơ nhuộm xong, lại phải đếm xem có bao nhiêu sợi tơ trên từng hoa văn trước khi quay tơ lên khung để bắt bông. Càng tỉ mỉ, cẩn thận và chính xác bao nhiêu thì hoa văn trên thổ cẩm khi hoàn thiện càng chuẩn xác, nổi như thêu và đạt yêu cầu bấy nhiêu. 

Thổ cẩm Khmer thường có hoa văn thể hiện hình ảnh gần gũi trong đời sống hàng ngày hoặc phỏng theo hình ảnh trong các tuồng cổ, truyện cổ tích Khmer. Hoa văn phỏng theo các tuồng cổ thường rất phức tạp nên đòi hỏi người thực hiện phải có tay nghề cao và tâm huyết. Hoa văn dạng này thường chỉ có các nghệ nhân nhiều năm kinh nghiệm mới thực hiện nổi. 

Điểm đặc biệt của thổ cẩm Khmer không chỉ nằm ở kỹ thuật nhuộm tơ mà còn ở kỹ thuật dệt 3 lớp với 3 màu khác nhau. Vì thế, nếu nhìn ngang tấm thổ sẽ có màu xanh, nhìn nghiêng bên trái sẽ có màu cam và nghiêng bên phải sẽ có màu đỏ. Kỳ công trong hầu hết các công đoạn từ se tơ đến thành phẩm nên thổ cẩm có giá khá cao, từ vài trăm ngàn đến vài triệu, thậm chí cả chục triệu đồng một sản phẩm. 

 
 
 
 

Đặc sắc là thế nhưng vào những năm 80 của thế kỷ trước, nghề dệt thổ cẩm Khmer đã từng có nguy cơ biến mất. 

Cũng như làng nghề dệt lụa ở xứ lụa Tân Châu, từ xa xưa, vùng đất Văn Giáo, Tịnh Biên đã phổ biến nghề ươm tơ, nuôi tằm, dệt vải. Bên dưới những nếp nhà là hình ảnh những người chị, người mẹ bên khung dệt hoặc nong tằm, nong kén. Ban đầu, nghề dệt thổ cẩm chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn mặc trong gia đình hoặc rộng hơn một chút là của người dân quanh vùng. Trong mỗi gia đình, ngoài thờ Phật, người dân còn thờ thần TOPICA – ông Tổ nghề dệt của người Khmer. Chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978 nổ ra, dân địa phương ly tán khắp nơi, vườn tược tan hoang, nhà cửa, vật dụng nhiều thứ không còn. Cuộc sống khó khăn nhiều năm sau đó cùng với những yêu cầu khá cao của nghề càng khiến thợ dệt ngày càng hiếm hoi. Nghề dệt thổ cẩm theo đó mà mai một…

 

 
 

Trước nguy cơ biến mất của nghề truyền thống gắn liền với văn hóa, lịch sử của cộng đồng, một nghệ nhân ở địa phương đã ra sức vận động xóm làng chung tay phục hồi nghề dệt thổ cẩm, bắt đầu từ việc truyền dạy nghề cho con cháu trong nhà và thói quen mặc váy áo thổ cẩm trong những dịp hiếu hỉ. Từ đó, bà dạy cho cháu, mẹ truyền cho con, nhà này rủ rê nhà kia, thêm chính quyền địa phương hỗ trợ…, việc nhuộm tơ, dệt vải cuối cùng đã xuất hiện trở lại, ngày càng nhiều, ở Văn Giáo. 

Năm 1998, vải thổ cẩm của người Khmer Văn Giáo lần đầu “xuất cảnh” sang Campuchia với tên gọi “Khmer Silk”. Không lâu sau đó, hợp tác xã Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo ra đời, chính thức đánh dấu sự trở lại của nghề dệt thổ cẩm tưởng đã thất truyền ở An Giang.  Tính đến nay, cả làng nghề có khoảng 130 thợ dệt. Các sản phẩm thổ cẩm sản xuất ra không chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương mà còn trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, theo chân du khách tỏa về nhiều chốn; trong đó có không ít khách hàng là người Nhật, Mỹ hoặc một số nước châu Âu… 

Không dừng lại ở các sản phẩm như áo, váy dân tộc, nghệ nhân làng dệt thổ cẩm còn làm thêm những sản phẩm mới từ chất liệu thổ cẩm như nón, khăn choàng, túi xách, móc khóa… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách…

 
 

Bài viết: NHẬT HUY

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất