, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/11/2022, 06:00

Nơi hai lần... vượt cạn

NAM KHANG
Đứng trưa, ông Lê Hai - Chủ tịch xã Duy Phước huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam dẫn tôi ra cầu Bà Ngân ở thôn Hà Nhuận nối bờ bên này của Hà Nhuận với bên kia của Hội An.

Tới đây, tôi nhớ chuyện cũ, hồi đó, những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, Duy Phước có lò võ cổ truyển khá nổi tiếng xứ Quảng Nam. Sau một lần tập tành, bạn bè tôi rủ nhau ra bến đò Bà Ngân nhảy sông cho mát để còn đạp xe lên trường huyện học buổi chiều. Trưa, cũng tầm này, người bạn bị chuột rút giữa dòng nước, đã vĩnh viễn ra đi trong tiếng kêu thất thanh vô vọng của đám học trò. Con đò có đó, nhưng không thấy người lớn.

Vẳng bên tai tôi lời ông Lê Hai: “Bao năm mới có cây cầu từ nguồn của Bộ GTVT, không thì cứ chèo đò ớn luôn”. Lời ông như viên sỏi lặn không tăm giữa chói chang nắng, khi tôi đang bận bịu với ký ức… Cả xã Duy Phước, hồi đó, muốn qua Hội An, phải đi đò này nếu không muốn mất thời gian vòng lên quốc lộ 1 rồi đi theo đường Vĩnh Điện chạy xuống.

“Vô nhà bà Hường”, ông đập vai làm tôi giật mình. Bà Nguyễn Thị Hường được cả xã biết đến, không phải do nhà ngay đường dẫn lên cầu, mà là làm một việc mà theo bà là rất… dại. “Ừ, họ nói cô dại - bà cười xòa - cô ra Đà Nẵng chữa bệnh, về nhà được 3 ngày, nghe xã nói, cô cho đại 180m2. Con cháu nói sao má không xuống xã xin ít đất, nghĩ lại, thôi trất”. Tôi nghe chữ “trất” gọn lỏn như cái lật bàn tay, nhanh như chớp biến có thành không, phủi cái rẹt không chần chừ, kéo theo tiếng cười ồ của mọi người xung quanh. 

Không có động tác này của bà, thì nếu không đền bù, giải tỏa, đố mà cây cầu làm được, bởi cầu đi ngang qua đất nhà bà. “Cô nghĩ làm dân mà không cho nhà nước, răng được! Cô già rồi, chỉ mong cuộc sống tân tiến để con cháu sung sướng…”.

 
Bà Nguyễn Thị Hường.
 

Hà Nhuận là thôn có khu dân cư kiểu mẫu. Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hiền, cũng ở thôn này: “Tân tiến không ?”. “Ngó biết liền, chị nói, Nông thôn mới đem lại niềm vui, đường sá mở ra, bán buôn được. Hiện cả thôn có 100/400 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, trước đây chưa có cầu, đường cuối thôn là đường cụt, bà con hay giỡn là vịt chạy đường ni cũng thúc thủ, ăn trộm cũng bó tay hết đường trốn, ai thèm đi, chừ anh thấy đó, hoa trồng thay cỏ…”.

* * *

Lòng dân nhẹ lắm, nếu họ thuận, vui, thích, thì cha ông đã nói đấy thôi, chở thuyền hay lật thuyền cũng dân. Con thuyền Duy Phước này, những năm mới giải phóng ra, chiêng trống thanh la não bạt ầm ầm… vượt cạn qua mặt bạn đua, trở thành Hợp tác xã Nông Công Thương Tín dẫn đầu cả tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, khiến khắp nơi xúm về học tập kinh nghiệm. “Hồi đó, để lại… di sản chi?”. Ông Hai đáp liền: “Nó cho xã tôi hưởng cái lợi tới chừ, là ruộng đồng, đường sá được qui hoạch hết, không lộn xộn đi cong về tắt, nên khi tiến hành Nông thôn mới, khỏi tốn công qui hoạch lại, sản xuất ra sản xuất, dân cư ra dân cư…”.

Bà Hường, hay những người trên đường tôi gặp ở thôn Mỹ Phước, tự nguyện đập hàng rào, cổng ngõ, mất đất để mở đường cho rộng ra, rồi phải làm lại mới, tốn mấy chục triệu như nhà anh Phan Tiến, máu… đua tự nguyện vì cộng đồng như chưa từng hết, khiến chính quyền đỡ xiết bao chuyện đả thông, truyên truyền. “Ừ, 8 thôn của xã đều như thế, tôi xuống họp, bà con đa phần là thuận, số ít còn lại truyên truyền thuyết phục riết, cũng xong”. “Cán bộ có ông nào bàn ra không?”. Ông Hai bật cười: “Đụng tới quyền lợi của dân là chính chứ có dính mấy ổng mô mà bàn ra”.

Những cái gật đầu nối nhau trong suốt dặm dài, để trong cơn đau đẻ lần hai làm Nông thôn mới này, khi bắt tay vào năm 2011, Duy Phước luôn về đích sớm, và cuối năm 2020 đón nhận là xã Nông thôn mới Nâng cao đầu tiên của huyện, với những con số đạt chuẩn: xây mới, nâng cấp mở rộng 15km đường giao thông khang trang, sạch đẹp; 100% các tuyến đường trục xã, 80% đường thôn, xóm được thắp điện chiếu sáng; 80% hệ thống thủy lợi đã kiên cố hóa. 100% Khu thể thao thôn - Nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định… Về văn hóa, xã đã có 3.175/3.330 hộ đạt Gia đình văn hóa (95,35%), có 6/8 thôn đạt Thôn văn hóa, trong đó có 03 thôn đạt Thôn văn hóa 03 năm liền (2019 - 2021) là Lang Châu Đông, Mỹ Phước, Hòa Bình).

Dân hiến đất mở đường Nông thôn mới.

Nhưng, nói thiệt, chuyện Nông thôn mới, tôi như bao người, nếu để tâm soi kỹ một chút, cũng ra bao chuyện phải bàn. Một bữa, tôi điện cho một bí thư Huyện Ủy ở Quảng Nam, nơi có một xã của huyện ông được chọn làm thí điểm của cả nước, ông “đốp” ngay trong điện thoại: “Tau rầu thúi ruột! Mi cứ về mà hỏi: cánh đồng cũng một… màu đó, ông/bà lấy đâu ra thu nhập 45 triệu đồng/tháng? Họ nói chính xác, tau từ chức!”. Tôi hỏi ông Hai: “Khoảng năm 2015, xã có các ngành nghề dệt chiếu An Phước, cơ khí, mây tre đan, nay còn không?”. “Làm thua lỗ, họ nghỉ rồi, may ra còn vài hộ giữ nghề”. “Đất nông nghiệp có 500ha đã dồn điền đổi thửa, vậy sao không có doanh nghiệp nông thôn sản xuất hữu cơ?”. “Thời gian trước, xã qui hoạch đồng mẫu ở Đồng Bà Thu thôn Lang Châu Bắc 5,5ha, có doanh nghiệp vô làm rau VietGap. Làm xong, đầu ra không có, họ lại lấy giá đắt quá, không ai mua, thế là bể”.

“Các anh không có cách nào khác hay sao, bởi diện tích đất vậy, có chuỗi sản phẩm nông nghiệp tại chỗ uy tín, giá trị thương phẩm cao, sẽ định hình thương hiệu, chưa nói sẽ kéo theo du lịch sinh thái nông thôn như rau Trà Quế, nông dân sẽ giàu và sung sướng…”. “Đâu có dễ anh - ông giọng thật thà - mình kêu họ không vô thì mình thua, không có doanh nghiệp, khi mình chưa có nền, là nan giải”. “Nhưng anh có cánh đồng lúa hữa cơ?”. Ông gật, nhưng giọng trở nên trầm buồn: “Nói thiệt với anh, chuyện ni cũng khổ lắm. Xã có 50ha, cá nhân 50ha được chọn làm lúa, nếp giống, doanh nghiệp họ bao tiêu sản phẩm. Qui trình làm chuỗi lúa này đã được hình thành, từ gieo sạ đến phun thuốc, thu hoạch. Lúc đầu, tính cách, thói quen của dân mình là làm đại cho rồi, nên chúng tôi cực lắm. Từ lặt bông cỏ, lựa hạt lộn, khử, phơi giống riêng, dài dòng. Dân nói, làm thì làm, nhưng chúng tôi không thỏa mãn, bởi quá cực”. “Có ai bỏ qui trình không ?”. “Có chứ, khi ở đây làm nông nghiệp bây giờ là phụ rồi, giá bán giống ra chỉ tăng hơn thị trường 1 ngàn đồng/kg. Nhưng, nói thiệt, cảm ơn bà con, họ chia sẻ với chính quyền, bởi đây cũng là một tiêu chí phải có của Nông thôn mới”.

* * *

Có cái chi đó xót xa khi nghe lòng tạ ơn sâu thẳm của người vừa là con dân vừa là lãnh đạo của xứ đất ven sông Thu Bồn này. Tôi nhớ có lần phỏng vấn Chủ tịch một xã Nông thôn mới, khi nghe ông thuyết trình xong, tôi cảm ơn và hỏi đúng một câu rồi đứng lên ra về: “Ông làm tùm lum vậy, lương ông có tăng không ?”. Tôi suýt hoảng khi mắt ông rơm rớm: “Anh là người đầu tiên hỏi… tình riêng, khổ lắm, chất chồng mà lương cũng chừng đó”. Tôi đùa ông Hai: “Lương lên không anh?”. “Hơn 4 triệu chứ mấy, làm chi mà lên anh !”. “Vậy, xã đã dịch chuyển cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp là chính, nay thương mại - dịch vụ là chính chiếm tới hơn 90%, được rồi, nhưng tôi nói thẳng với anh, tôi nghi ngờ con số thu nhập bình quân đầu người là 47,5 triệu/tháng. Anh lấy đâu ra? Bà con làm chi là chính, ở đâu, khi tại xã không có doanh nghiệp lớn đứng chân, chỉ vài chục doanh nghiệp nhỏ, tẻ lẻ, hộ gia đình ?”.

Ông cho tôi con số, trong hơn 7.000 lao động của xã, thì đi làm dịch vụ, thợ ở Hội An, Đà Nẵng và các xí nghiệp, công ty trong huyện đã hơn 2 phần, số còn lại lớn tuổi thì ở nhà làm dịch vụ nhỏ và làm ruộng. “Vậy, thu nhập phần lớn là từ bên ngoài mang về?”. Ông Hai xòe ra: “Anh coi, ruộng làm 5 - 7 bữa là xong, ba bốn tháng sau mới thu hoạch, trong khi đi phụ hồ, ngày công thợ chính 500 ngàn, mà lúa thì mấy đồng bạc, bám ruộng ăn cái chi? May có cái cầu Bà Ngân, sáng ra, tôi phải chỉ đạo công an phân luồng chứ sợ sập cầu, vì công nhân đi làm Hội An, Điện Nam - Điện Ngọc chật cứng. Các địa phương lân cận có dịch vụ nhiều, là thuận lợi của dân Duy Phước. Hơn 2 năm dịch, dân tôi ổn, bởi họ làm ngành nghề, chứ ruộng thì chắc chết. Hai năm dịch là cơ hội để chúng tôi biết sức dân… Chưa nói bà con còn huy động rau củ gửi tặng Sài Gòn, Đà Nẵng”.

Vậy là rõ. Điện, đường, trường, trạm phong quang. Có nhà văn hóa vui chơi. Dân tình khấm khá hơn nhiều so với lúc khởi động Nông thôn mới 2011. Chuyện không chối cãi. Nhưng về nông thôn là về ruộng đồng. Chừng nào chính vườn ruộng chứ không đâu khác là nơi giữ lao động ở, quay vòng sản xuất, làm giàu, thì lúc đó Nông thôn mới mới thực sự là mới từ ruột mới ra.

Bởi vẫn có lập luận rằng, câu chuyện đua thành tích là tràn lan, khi ngay trên chính quê hương, người dân chẳng biết làm chi, ruộng bỏ hoang, phải đi tha hương cầu thực nơi khác kiếm sống, rồi mang tiền về sinh sống, chính quyền lại căn cứ vô thu nhập, tài sản, định lượng, cho ra con số bình quân. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mới đây “thẳng ruột ngựa” nói rằng, Nông thôn mới là của nông dân chứ không phải là của lãnh đạo, nhiều nơi có cốt mà không có hồn, văn hóa đậm chất làng quê khó tìm thấy. Với Nông thôn mới, người dân phải được là chủ, họ đứng lên, tự chủ, bàn bạc, làm giàu và sung sướng ngay trên mảnh ruộng, tìm thấy niềm vui vật chất và tinh thần ở đó...

* * *

Ám ảnh trong tôi, 2 năm dịch bệnh, trai tráng từng đoàn thất thểu từ phương Nam về miền Trung, tạo ra bao cảnh tang thương ngẫu lục. Bao làng xóm, nhất là Bắc Trung bộ, con cái tứ tán đi xuất khẩu lao động, ra Bắc vào Nam kiếm sống, gửi tiền về nuôi gia đình, ai khá hơn thì ủng hộ quê, thế là một thời gian sau, quê thăng hạng Nông thôn mới, nhưng người già chết chẳng có ai chôn, bởi thanh niên trong làng không còn một mống… Nói đâu xa, xã tôi, giáp Duy Phước này, dịch, người làng chống tay gối ngồi nhìn rồi thở dài, bởi hầu hết miếng ăn của họ nằm ở Hội An, Đà Nẵng mà nơi đó giờ phong tỏa. Vùng Duy Nghĩa, Duy Hải sát biển, đất ruộng lâu nay bị chối từ ruồng bỏ bởi chủ nhân đi ra phố xênh xang kiếm sống, giờ lại xắn quần lội trên ruộng vỗ về nó cho hạt lúa củ khoai chống đói… Nhưng, hết dịch, lại phũ phàng chia lìa gốc rạ bờ tre.

Mục tiêu của Duy Phước là 2025 sẽ là xã Nông thôn mới Kiểu mẫu của Quảng Nam. Đường xem ra không quá xa, nhưng sao tôi cứ ước, gặp lại, như phép thần kỳ, ông Hai không còn xòe tay gói lời chân thật thầm thì như muối mặn… Bí thư huyện ủy ông Nguyễn Công Dũng nhắn tôi: “Trong mỗi hoàn cảnh, phải linh hoạt thôi, đường còn dài lắm, mình không chạy theo thành tích, mong mỏi lớn nhất là bà con ai cũng tham gia, làm cho chính họ, biến làng quê thành phố, nhưng phố cũng ở trong làng, xa mấy rồi sẽ đến ngày đó”…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.
Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất