, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 26/12/2022, 17:00

Nỗi lo sạt lở khi sông “đói phù sa”

NHÓM PV
(sggp.org.vn)
Vụ sạt lở nghiêm trọng vừa xảy ra ở bờ sông Cổ Chiên thêm một lần cho thấy, ĐBSCL đang ngày càng đối mặt với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, nỗi lo sau khi nước lũ rút, các tuyến sông “bị đói nước, đói phù sa” khiến tình trạng sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu và các đê biển cũng bắt đầu gia tăng…

Hàng chục hộ dân ven sông Cổ Chiên “trắng tay”

Chưa hết bàng hoàng và trong ánh mắt ngấn lệ, anh Võ Minh Thảo nhớ lại: “Chiều hôm đó, tôi đang làm vườn thì con đê chắn nước sông Cổ Chiên vỡ, nước tràn vào ao cá. Thấy vậy, tôi vội vào nhà lấy hộ khẩu và di ảnh của cha chạy ra ngoài. Trong khoảnh khắc, tôi đành ngậm ngùi đứng nhìn căn nhà lọt thỏm xuống sông, biến mất theo dòng nước…”. Anh Thảo là một trong 16 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất trong vụ sạt lở bên bờ sông Cổ Chiên.

Hiện trường vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên. Ảnh: PHAN HUY

Vụ sạt lở diễn ra trong 12-2022 ở xã Hòa Ninh (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) làm 16 hộ dân “trắng tay”. Éo le nhất là trường hợp của ông Bảy Trường, mẹ và anh ruột mới mất, mồ còn xanh cỏ nhưng gia đình phải cất bốc sang nơi khác để an táng lại vì sợ sạt lở tiếp tục ăn sâu vào, cuốn đi 2 ngôi mộ của người thân mình. Đến thời điểm hiện tại, vị trí sạt lở có chiều dài khoảng 500m, ăn sâu vào bờ từ 200-250m, tổng diện tích thiệt hại khoảng 10ha. Hiện số hộ dân bị ảnh lên đến 22 hộ.

Cứ vào thời điểm sau khi nước lũ rút, tình trạng sạt lở bắt đầu gia tăng khi các tuyến sông “bị đói nước”. Những năm qua, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang liên tục công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, đê biển.

Tại Cà Mau, tình trạng sạt lở cũng “bủa vây” tứ phía. Cà Mau là địa phương có chiều dài bờ biển lớn nhất ĐBSCL với 254km. Qua quan trắc sạt lở ở bờ biển Tây bình quân từ 20-25m/năm, cá biệt có nơi lên 50m/năm; ở bờ Biển Đông bình quân 45-50m/năm.

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế nên tỉnh chưa xử lý đảm bảo an toàn triệt để.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện nay trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy xảy ra 93 điểm sạt lở với chiều dài 4.195m, cần khoảng 69 tỷ đồng để khắc phục. Trong đó, có 52 điểm sạt lở lớn và nguy hiểm vượt quá dự phòng ngân sách cấp huyện cần phải được xử lý khẩn cấp để bảo vệ vườn cây ăn trái, tính mạng, tài sản của người dân.

Phải quản lý khai thác tốt nguồn cát lòng sông

Theo Bộ NN-PTNT, ước tính giai đoạn 2021-2025, các tỉnh, thành ĐBSCL phải chi hàng chục ngàn tỷ đồng để trồng rừng, xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Cụ thể, giai đoạn 2018-2021, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ ĐBSCL trên 6.200 tỷ đồng chống sạt lở. Hiện vùng ĐBSCL cần thêm khoảng 8.200 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 76 điểm sạt lở.

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), hiện ĐBSCL có 665 điểm sạt lở với tổng chiều dài 656km. Đặc biệt, có 181 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 172km.

Theo ông Hà Huy Anh, Quản lý quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững của WWF Việt Nam, hiện lượng cát đổ về ĐBSCL ngày càng giảm, trung bình mỗi năm ước khoảng 7 triệu m3 nhưng khai thác lại lên tới 27-30 triệu m3/năm; thoát ra biển 5 triệu m3/năm...

Các nhà khoa học cho rằng, việc khai thác cát quá mức làm giảm lượng dự trữ ở các sông lớn, gia tăng sụt lún. Ông Hà Duy Anh cảnh báo: Qua khảo sát mới đây cho thấy, ở sông Tiền gần cầu Mỹ Thuận có những hố sâu do khai thác cát trên lòng sông lên tới 50m, đe dọa an toàn của công trình. Sạt lở xảy ra ngày càng nhiều, làm trôi nhà cửa, đường giao thông, đất sản xuất. Có những hộ dân sổ đỏ vẫn còn nhưng đất thì đã mất do sạt lở.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: Tỉnh vừa ban hành đề án chống sạt lở ven biển, ven sông trên địa bàn. Theo đó, phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông sẽ được thực hiện đồng bộ, cả xử lý cấp bách trước mắt và giải pháp căn cơ lâu dài, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn phòng hộ ven biển và tạo sinh kế cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái ĐBSCL bày tỏ lo lắng: “Thiếu cát làm sâu lòng sông, đe dọa sự an toàn của những cây cầu lớn vượt sông Tiền, sông Hậu khi những hố sâu xuất hiện gần chân cầu. Việc cấp bách hiện nay là quản lý cát phải có tính liên kết vùng chứ không thể quản lý theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, bên này cấm mà bên kia lại cho khai thác thì cát vẫn hết”.

Các nhà khoa học cho rằng, cát từ dòng Mê Công ngày càng ít và hiếm nên cần có chiến lược tìm vật liệu thay thế, nhất là trong xây dựng công trình. Ngoài ra, cũng cần có phương pháp khai thác cát dựa vào ngân hàng cát (tức là nguồn đổ về) chứ không phải trữ lượng cát hiện có dưới lòng sông. Nhà nước cũng nên có định mức tỷ lệ sử dụng vật liệu thay thế trong các công trình công.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất