, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 15/11/2022, 12:44

Nỗi lo… thiếu cát ở Đồng bằng sông Cửu Long

TÂN THÀNH
Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL triển khai rầm rộ nhiều công trình xây dựng quan trọng; đồng thời chuẩn bị khởi công 2 tuyến cao tốc huyết mạch là Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Trần Đề, vì vậy khối lượng cát cần rất lớn. Nỗi lo thiếu cát đang khiến các ngành chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công… rối bời như canh hẹ.
Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL sẽ khởi công trong thời gian tới, do đó nhu cầu cần cát san lấp là rất lớn.

Cầu nhiều, cung nhỏ giọt!

Là một trong những nhà thầu chuyên san lấp mặt bằng cho các công trình giao thông, trụ sở, nhà ở… ông Đặng Văn Bình (ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho biết, mấy tháng nay giá cát san lấp và xây dựng “nhảy múa” khiến các công trình gặp khó khăn. Hiện tại, giá cát tương đối cao so các năm trước, cát san lấp mặt bằng dao động từ 190.000 – 210.000 đồng/m3; còn cát xây có giá từ 300.000 – 320.000 đồng/m3. “Giá cát cao quá nên các nhà thầu thi công ngán ngại nhận công trình, còn những công trình đã “nhận thầu” từ trước thì buộc phải nỗ lực hoàn thành trong giai đoạn từ nay đến cuối năm nhằm thanh quyết toán cho xong”, ông Bình nhìn nhận. 

Giám đốc một công ty chuyên về xây dựng ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho hay: “Từ đầu năm 2022 đến nay thị trường vật liệu xây dựng nói chung và cát nói riêng có nhiều biến động khiến các nhà thầu vất vả. Hiện, nguồn cát san lấp mặt bằng mua từ các mỏ ở An Giang, Đồng Tháp… vận chuyển về phục vụ những công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau tăng cao, lên đến 260.000- 270.000 đồng/m3 (so với thời điểm năm 2020 giá chỉ 130.000 - 150.000 đồng/m3). Dù giá khá cao nhưng các công trình san lấp mặt bằng ở qui mô “vừa và nhỏ”  mới chủ động được số lượng cát theo tiến độ, còn những công trình lớn, cần khối lượng cát san lấp mặt bằng nhiều thì vừa phải hợp đồng trước vừa phải chờ, bởi nguồn cát hiện không nhiều”. Trong khi đó, các nhà thầu ở ĐBSCL cho biết, trước đây mức giá đấu thầu của các dự án thường dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/m3 cát san lấp mặt bằng, nay dù được điều chỉnh lên khoảng 150.000 đồng/m3; nhưng vẫn thấp hơn hiều so với giá thị trường. 

Không chỉ các nhà thầu gặp khó khăn, mà nhiều dự án lớn tại các tỉnh ĐBSCL cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” bởi thiếu cát và giá cao. Ông Phạm Đức Trình, Giám đốc Quản lý Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cho biết cát san lấp mặt bằng khan hiếm kéo dài từ đầu năm 2022 tới nay. Các đơn vị liên quan đã tích cực làm việc với UBND tỉnh An Giang và UBND tỉnh Đồng Tháp nhờ hỗ trợ nguồn cát phục vụ đường cao tốc nhưng vẫn không đáp ứng đủ.  “Có thời điểm nhu cầu cát để triển khai các hạng mục là 3.000 - 4.000m3/ngày nhưng các mỏ cát ở An Giang chỉ cung cấp được hơn 1.000m3/ngày…”, ông Phạm Đức Trình, cho hay. 

Trước đó, vào giữa năm 2021, tại buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về thực trạng thiếu cát cho công trình cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, nguồn cát sông ở tỉnh hiện tại được tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm, cấp bách của Trung ương và của tỉnh; trong đó, ưu tiên đủ cát phục vụ dự án tuyến tránh TP. Long Xuyên. “Cần thấy rằng, trữ lượng cát ở An Giang ngày càng ít, ngoài việc cung cấp nguồn cát cho công trình xây dựng trọng điểm của Trung ương trên địa bàn và các công trình do UBND tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, thì còn đảm bảo cát phục vụ các công trình dân dụng nhằm bình ổn giá, nhất là trong thời điểm hiện nay. Đối với những khó khăn của nhà thầu thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ do khan hiếm cát, UBND tỉnh An Giang cam kết hỗ trợ tối đa. Tuy nhiên, phải ưu tiên 100% cho tuyến tránh TP. Long Xuyên. Tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng hơn 800.000mcát cho tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ”, ông Bình cho biết.

Cũng tại An Giang, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chấp thuận điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác cát tại mỏ cát trên sông Tiền từ 740.000m3 lên 1.110.000m3. Thời gian khai thác trong 6 tháng. Cát khai thác tại khu mỏ cung cấp cho công trình có giá 79.200 đồng/m3 (cát rời). Lượng cát khai thác tăng thêm này nhằm cung cấp cho công trình xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên. Phía UBND tỉnh An Giang cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức giám sát hoạt động khai thác, cung cấp cát, đảm bảo khối lượng cát cung cấp cho thi công tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.

Tỉnh An Giang vừa cho phép tăng lượng cát khai thác trên sông nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của các công trình xây dựng.

Nỗ lực tìm nguồn cát

Theo Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, UBND tỉnh cấp phép khai thác cát sông trên địa bàn có công suất 6 triệu m3/năm; trong khi thống kê nhu cầu cát ở Đồng Tháp từ năm 2022 đến 2025 trung bình khoảng 10 triệu m3/năm. Riêng năm 2022 năng lực của Đồng Tháp chỉ cung ứng nguồn cát đạt khoảng 45% đến dưới 50%. 

Giải quyết bài toán thiếu hụt cát, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Trung ương chỉ đạo các tỉnh ĐBSCL nhanh chóng huy động nguồn vật liệu san lấp nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án giao thông cấp bách. Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri về quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dù nhu cầu cát cho các công trình xây dựng rất lớn; nhưng việc khai thác vẫn phải được thực hiện một cách hợp lý, chặt chẽ. Vì thế cần phải nghiên cứu các nguồn vật liệu thay thế. Theo đề xuất của Sở Xây dựng và Sở GTVT… thì nguồn vật liệu thay thế gồm đất, tro xỉ, cát biển... 

Tại Vĩnh Long, Sở TN-MT tỉnh này cho biết, năm 2022 ở tỉnh có khoảng 26 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực, tổng khối lượng cho khai thác 3,8 triệu m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng của năm 2022 về nguồn cát phục vụ những công trình có vốn ngân sách nhà nước gần 7,2 triệu m3, các nhu cầu dân dụng khác hơn 2,1 triệu m3; như vậy tổng nhu cầu sử dụng cát ở Vĩnh Long hơn 9,3 triệu m3, thiếu hụt hơn 5 triệu m3

Theo tính toán của Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng ĐBSCL cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m3 (dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là 18,5 triệu m3; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Trần Đề là 17,8 triệu m3; dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 1,3 triệu m3, dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 1,4 triệu m3). Ngoài ra, còn có các dự án giao thông khác do các tỉnh đầu tư được triển khai thời gian tới… Thế nhưng nguồn cung ứng cát tại các địa phương ở ĐBSCL phục vụ hàng loạt dự án giao thông là rất thấp. 

Sà lan chở cát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phục vụ các công trình xây dựng.

Lo lắng vấn đề thiếu cát phục vụ những công trình cao tốc trọng điểm ở ĐBSCL, gần đây Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng. Sở TN-MT tỉnh Sóc Trăng cho hay, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác cát sông ở khu vực sông Hậu; tuy nhiên tổng trữ lượng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng tại địa phương và phục vụ những dự án trọng điểm đi qua địa bàn tỉnh. Đối với nguồn cát biển dự báo có trữ lượng khoảng 13,9 tỉ m3 (cát, sét) có thể khai thác, sử dụng phục vụ các công trình…, hiện nay Sóc Trăng chưa lập quy hoạch, chưa có kế hoạch khai thác, sử dụng; chưa kể phạm vi về cát biển này nằm ngoài vùng nước của tỉnh… 

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng, tỉnh hiện có trữ lượng cát biển rất lớn và sẵn sàng chia sẻ với các địa phương nhằm phục vụ công trình cao tốc. Tuy nhiên, để khai thác sử dụng cát biển, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cần rà soát, xem thủ tục cấp phép như thế nào để được thăm dò, lấy mẫu, theo đúng quy định của pháp luật. Phía Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng cát tại các khu vực mỏ (sông Hậu) đã được quy hoạch và khu vực biển trên địa bàn tỉnh nhằm lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng cát. Nếu được, sẽ khai thác khoảng 3.000m3 cát biển chuyển về khu vực thi công thử nghiệm nhằm đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật, trước khi báo cáo Bộ GTVT.

Các doanh nghiệp xây dựng ở ĐBSCL cho biết: “Hiện nay trữ lượng về cát nước mặn còn lớn; ngoài ra nguồn cát nước mặn có thể thực hiện việc san lấp mặt bằng và thi công hạ tầng kỹ thuật". Các nhà chuyên môn cũng nhận định, cát biển có 3 loại là “hạt to, hạt trung và hạt mịn”, có thể áp dụng để san lấp mặt bằng… Hiện, các bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu tính khả thi của cát biển nhằm phục vụ san lấp các công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL thời gian tới; nếu được vậy sẽ giảm bớt áp lực thiếu cát ngày càng đè nặng.

Nhập cát từ Campuchia

Trước thực trạng thiếu cát ngày càng trầm trọng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp tiến hành nhập cát từ Campuchia qua địa bàn tỉnh An Giang. Giá cát bán tại Campuchia được kê khai trong tờ khai hải quan là 6USD/m3 (tương đương 140.000 đồng/m3). Sau khi nhập khẩu cát về, phải đóng thuế giá trị gia tăng 10%. Nói về việc nhập cát từ Campuchia, một số nhà chuyên môn ở ĐBSCL cho biết, đây là việc vô cùng cần thiết nhằm bổ sung kịp thời cho tình trạng khan hiếm cát, thiếu hụt cát xảy ra nhiều nơi. Song, chúng ta cần thực hiện chặt chẽ các thủ tục theo đúng qui định. 

Nhiều doanh nghiệp dùng tro, xỉ để san lấp mặt bằng

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh): “Tính từ đầu năm 2022 cho đến ngày 25/10, có 3 nhà máy nhiệt điện thuộc công ty với tổng khối lượng phát sinh tro, xỉ là 887.597 tấn, trong đó tỷ lệ tiêu thụ đạt tới 98,35% với giá bán bình quân là 23.000 đồng/tấn chưa kể VAT. Trong năm 2021, cũng 3 nhà máy nhiệt điện trên có khối lượng phát sinh tro, xỉ hơn 1 triệu tấn và tỷ lệ tiêu thụ là hơn 83%...”. Ông Long thông tin thêm, hiện nay tro bay và xỉ đáy lò của các nhà máy nhiệt điện thuộc công ty đã được cấp chứng nhận hợp chuẩn làm vật liệu san lấp mặt bằng; hợp quy tro bay dùng cho bê tông, vữa xây và xi măng… Vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đăng ký thu mua tro, xỉ. Mặt khác, trong điều kiện nguồn cát sông ngày càng giảm và giá tăng cao, thì việc chọn tro, xỉ để san lấp mặt bằng được nhiều nhà thầu tính toán đến, bởi giá thành không cao…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất