, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/05/2023, 13:30

Nỗi niềm "gốc Việt"

HIỀN TRANG
Thế nào là một người Việt Nam? Trong một bài viết vài năm trước, Viet Thanh Nguyen, nhà văn người Mỹ gốc Việt từng đoạt giải Pulitzer nói rằng, khi ta đặt ra một câu hỏi như vậy thì ta cũng hàm ý rằng có một thứ gọi là “Việt Nam tính” (Vietnameseness), một thứ phân biệt Việt Nam với những quốc gia và nền văn hoá khác.

Câu hỏi ấy lại một lần nữa rộ lên khi Ke Huy Quan, hay Quan Kế Huy, nhận tượng vàng Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Một số khán giả Việt Nam bày tỏ sự tự hào về một người từng sinh ra ở Việt Nam. Nhưng một số người khác lại cho rằng, Quan Kế Huy chỉ là một kẻ “ở trọ”, bởi tuy sinh ra ở Chợ Lớn, song cha mẹ anh là người Hoa, và dù dân tộc Hoa được thừa nhận là một dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thì chưa đầy 10 tuổi anh đã tới Hong Kong và sau đó là định cư tại Mỹ.

Quan Kế Huy – người vừa nhận tượng vàng Oscar cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Vậy thì điều gì khiến một người là người Việt Nam (hay không phải người Việt Nam) và rộng ra thì ta có thể định danh bản sắc của mình theo tiêu chí nào: nơi ta sinh ra, hay quốc tịch của ta, hay ngôn ngữ mà ta sử dụng, hay nền văn hóa mà ta thừa hưởng?

Dường như dù là phương án nào trong những phương án trên cũng có những lỗ hổng của nó. Người mẹ trong cuốn tiểu thuyết mang đầy tính tự truyện của nhà thơ người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong có phải là một người Mỹ không, khi bà có thể đã sống ở Mỹ hàng chục năm mà một chữ tiếng Anh bẻ đôi không rõ, khiến cậu bé Ocean Vuong quyết rằng mình phải học thật giỏi ngôn ngữ này để lấp đầy sự ngắc ngứ và im lặng của bà? Nhưng người phụ nữ ấy có thể nào chỉ là một người phụ nữ Việt Nam nữa không khi cha bà là một lính Mỹ và xét cho cùng bà đã oằn lưng bao thập kỷ trong một tiệm nail ở Connecticut?

Còn bản thân Ocean Vuong, anh có thể được gọi là người Mỹ hay người Việt? Những gì còn sót lại trong văn hóa Việt Nam - nơi anh có đủ giữ anh là một người Việt? Hay tài năng đến mức được mệnh danh là một phù thuỷ ngôn ngữ tiếng Anh đã biến anh thành một người Mỹ mất rồi?

Trước những câu hỏi như thế, trả lời theo cách nào cũng là không thỏa đáng.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew, một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái tại Washington D.C, trên 14 quốc gia vào năm 2017, người ta có xu hướng định danh con người bằng ngôn ngữ mà họ dùng thành thạo. Nhưng sẽ ra sao với những trường hợp như, chẳng hạn, Vladimir Nabokov, đại văn hào người Mỹ gốc Nga, người mà dù sáng tác bằng tiếng Anh hay tiếng Nga cũng đều cho ra đời những kiệt tác?

Hay đơn giản, những người như Ocean Vuong, như Quan Ke Huy, như Viet Thanh Nguyen, như Vladimir Nabokov và hàng triệu triệu người nhập cư với danh tính “lai” đều là những người không thuộc về đâu cả?

Nhà thơ Ocean Vương sinh ra tại một nông trại ở ngoại ô Sài Gòn, theo gia đình đến Hartford, Connecticut (Mỹ) khi mới hai tuổi, từng được trang BuzzFeed đánh giá là một trong 32 tác giả người Mỹ gốc Á tiêu biểu.

Khi Quan Kế Huy lên bục nhận giải thưởng Oscar trong tiếng hò reo của bao người, tôi chợt nhớ về khoảng 20 năm trước, khi Lý An cũng lên nhận thưởng Oscar. Thời điểm đó, một tranh luận về danh tính của Lý An cũng dấy lên. Rốt cuộc, ông đại diện cho Trung Quốc Đại Lục, hay cho miền đất Đài Loan, hay cho nước Mỹ? Lý An sinh ra ở Đại Lục, di cư tới Đài Loan, làm phim về hòn đảo Đài Loan, rồi cuối cùng tới Mỹ và làm phim Mỹ. Có một thời, các nhà phê bình Làn Sóng Mới Đài Loan không xếp Lý An chung mâm cùng Hầu Hiếu Hiền hay Dương Đức Xương. Họ coi ông là người Mỹ. Nhưng tại Mỹ, người ta lại coi ông thuộc về cộng đồng Hoa ngữ. Tóm lại, ông nói bản thân “ở đâu cũng luôn là một người ngoại quốc”.

Có một hình tượng rất hay thường được dùng để mô tả những người gốc Á sống ở phương Tây, đó là hình tượng quả chuối: bên ngoài thì vàng, bên trong thì trắng. Họ giống như một “chủng tộc” riêng, “chủng tộc” của những người nằm bấp bênh giữa sự va chạm của các nền văn hoá, một chân ở đây và một chân ở kia.

Nhưng không chỉ con người là đối tượng chịu những tranh cãi về danh tính, mà càng ngày, những tác phẩm nghệ thuật càng khó để xác định nó đến từ quốc gia nào, mang bản sắc của đất nước nào. Một bộ phim như Đêm tối rực rỡ với câu chuyện Việt Nam, dàn cast Việt Nam, nhưng đạo diễn là người Mỹ - thế thì ta nên coi đó là bộ phim của đất nước nào? Hay câu hỏi muôn thuở với những người yêu phim Việt: có nên gọi phim của Trần Anh Hùng là phim Việt Nam không, hay là phim Pháp? Rõ ràng là kể về đề tài Việt Nam đấy, nhưng ngôn ngữ điện ảnh và phong cách tự sự của Trần Anh Hùng lại mang dấu ấn đặc trưng của truyền thống làm phim Pháp. Nhưng nếu đó không phải phim Việt Nam thì thế nào mới là phim Việt Nam? Thế nào mới là thuần Việt và gốc Việt?

Điều đó càng dễ thấy nơi những tác giả trẻ người Việt, với những câu chuyện mà trong đó bối cảnh không đặt ở Việt Nam, các nhân vật mang tên nước ngoài, nghe nhạc nước ngoài, xem phim nước ngoài, thoạt nhìn thì có vẻ chẳng Việt Nam tí nào. Phải chăng cứ Việt Nam là phải có một luỹ tre, phải có con trâu đi trước cái cày theo sau, phải có bánh chưng, phải có nhạc Trịnh, phải có những cựu chiến binh...? Nhưng chẳng phải Trịnh Công Sơn cũng chịu ảnh hưởng những triết gia hiện sinh của Pháp đấy ư, nghĩa là có những thứ ban đầu không liên quan gì tới Việt Nam cả, sau đó cũng được đồng hóa để trở thành một phần của Việt Nam? Xét cho cùng, ta có thể đóng kín “Việt Nam tính” lại không, trong khi Việt Nam từ trước đến nay vẫn một khái niệm luôn giãn nở, không ngưng bao chứa thêm, dung nạp thêm rất nhiều điều?

Nhà văn Viet Thanh Nguyen dù sống ở Mỹ, nhưng vẫn giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, chỉ bỏ dấu đi và đổi lại theo cách sắp xếp thứ tự tên họ của người phương Tây.

Vài năm trước, khi tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn với Viet Thanh Nguyen, anh nói rằng rất nhiều người Việt thời ấy khi định cư ở Mỹ đã chọn một cái tên nước ngoài để dễ phát âm, nhưng anh vẫn giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, chỉ bỏ dấu đi và đổi lại theo cách sắp xếp thứ tự tên họ của người phương Tây. Mặc dù vậy, khi ở Việt Nam hay khi nói chuyện với người Việt tại Mỹ, anh vẫn là Nguyễn Thanh Việt, và anh đã rất bất ngờ khi sách của mình được dịch sang tiếng Việt và tên mình được để nguyên theo bút danh Viet Thanh Nguyen.

Sự vắng mặt của dấu câu, sự tráo đổi lại cách sắp xếp tên trước họ sau nhưng lại giữ nguyên cách ghép vần tiếng Việt làm nên một bút danh nửa - Tây - nửa - ta, là tiếng Việt mà chưa phải tiếng Việt. Cái bút danh một - nửa - tiếng - Việt ấy có lẽ nói rõ hơn bất cứ sự xác định rạch ròi nào về danh tính. Đơn giản, không thể có một sự xác định rạch ròi theo cách đó. Và sau rốt, từ “Viet”, như anh nói, là trong từ “Việt Nam”. Việt Nam đã in hằn trong anh. Và những người như vậy, dù bạn không thể nói họ là người Việt Nam, nhưng bạn cũng không thể bảo rằng họ không phải người Việt Nam được. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất