, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 23/11/2022, 06:00

Nông dân & nông thôn trong tư duy của ông Võ Văn Kiệt

TÔ VĂN TRƯỜNG
Ông Sáu Dân thường tâm sự với các vị lãnh đạo trung ương và các địa phương: “Các đồng chí không được lấy thành tích xóa đói giảm nghèo trên sự nghèo đói của người dân.
 
 

Tôi nhớ, trong các lần đi khảo sát thực địa, kể cả khi lội ruộng hay vào rừng, những kỷ niệm về thời “chém vè” trốn địch trong kháng chiến thường được ông kể cho những người cùng đi. Không phải kể cho vui mà ông muốn nhắc nhở mọi người về những kinh nghiệm quý báu của người nông dân. Ông luôn thích thú khi nói về các anh “Hai Lúa” dù chỉ mới qua tiểu học, không được học hành bài bản, nhưng biết làm cầu treo, làm “Thần Đèn” di chuyển công trình xây dựng và sáng chế các máy công cụ nông nghiệp làm các nhà khoa học phải thán phục. Có lần ngồi trên thuyền vượt qua một bờ kênh bằng đường ray và cái tời do sáng kiến của người dân ở Cà Mau, ông nheo mắt, hóm hỉnh bình luận: Mấy anh nông dân này liệu có xứng đáng gọi là “nông dân kiêm kỹ sư”?

Cũng có thể vì tư duy đó nên trong công cuộc xây dựng chấn hưng đất nước, ông Sáu Dân luôn coi trọng và đánh giá cao giới trí thức, nhất là trí thức xuất thân từ nông dân, bởi với ông, trí thức không chỉ được nhìn nhận qua bằng cấp, học hàm, học vị mà còn là trí tuệ và sản phẩm làm ra cho xã hội. Ông luôn chủ động tiếp cận để lắng nghe, trân trọng ý kiến của nông dân. Ông “cởi trói”, “bật đèn xanh” và luôn động viên người dân chủ động phát triển sản xuất. Cũng vì xem trọng người nông dân nên khi tập hợp đội ngũ trí thức làm nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, ông cũng đặc biệt chú ý những người tâm huyết và trách nhiệm với nông dân, nông thôn.

 
 

Nền nông nghiệp chịu nhiều rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh nên chính sách của nhà nước ưu tiên phát triển nông nghiệp là đúng đạo lý, hợp lòng người. Ông coi phát triển thủy lợi, giáo dục và giao thông là nền tảng để phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ vậy mà tôi thường xuyên được ông gọi điện thoại khi làm việc ở Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam. Sau câu hỏi: “Mày đang ở đâu đấy?” là tôi biết phải đến gặp ông để trình bày một việc gì đó cho ông nghe.

Sau trận lũ lịch sử năm 2000 gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng cơ sở ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông cùng đoàn công tác của Bộ NN & PTNT đã khảo sát, đánh giá tại thực địa. Sau đó hội thảo khoa học đánh giá về trận lũ lịch sử năm 2000 được tổ chức tại Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam, do chính ông chủ trì. Bộ trưởng NN&PTNT Lê Huy Ngọ và Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cùng hơn trăm đại biểu của các ngành, địa phương và các nhà khoa học tham gia. Khi nghe tôi trình bày diễn biến của trận lũ, và bài toán mô phỏng thủy văn, thủy lực đề ra các giải pháp khắc phục và ứng phó trong tương lai, ông Sáu rất quan tâm. Các câu hỏi của ông đều liên quan đến ý nguyện của người dân sống trong vùng bị ảnh hưởng ngập lụt. Ông tâm đắc và chia sẻ quan điểm phát triển nông thôn là nền tảng để phát triển nông nghiệp…

Ông Sáu Dân còn lắng nghe và đi khảo sát thực địa kiểm chứng đề xuất của ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị), lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, về việc làm cầu cạn ở Lộ Đứt, mở rộng T4, đào lớn T5, mở rộng T6 tại cầu sắt Vĩnh Thông (làm lại cầu mới có khẩu độ lớn hơn) rồi nối dài vào kênh Vĩnh Tế, đoạn gần giáp đầu kênh Tân Lập - Lê Trì vì sẽ tháo nước ra biển Tây nhanh hơn. Thống nhất chủ trương xong, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo quyết liệt cho Bộ tổ chức vừa thiết kế vừa thi công. Kênh T4 được đào lớn ra thêm và thông ra biển, đoạn tỉnh thi công trước đó còn để lại một nhánh ngoài đầu vàm như hiện nay thành “đoạn ruột thừa” là một bằng chứng lịch sử của công trình.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua cầu Hữu Nghị - Tịnh Biên đến xem vị trí làm cầu cạn Xuân Tô thoát lũ ra Biển Tây cho nhanh hơn.

Ông Sáu Dân thường tâm sự với các vị lãnh đạo trung ương và các địa phương: “Các đồng chí không được lấy thành tích xóa đói giảm nghèo trên sự nghèo đói của người dân. Chúng ta phải làm thật vì người dân”. Ông cho rằng cái người nghèo cần bao gồm cả “con cá” và “cần câu”, Nhà nước phải có chính sách để người nghèo thoát nghèo và khi có thiên tai dịch bệnh thì phải huy động được nguồn cứu trợ kịp thời.

Phẩm chất của người lãnh đạo ở ông Sáu Dân còn thể hiện qua việc chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ông luôn quan tâm đi thực tế kiểm tra để cập nhật, đối chiếu với nhu cầu đòi hỏi của thực tế và sẵn sàng điều chỉnh, bổ sung các quyết định vì quyền lợi của người dân. Ông Sáu luôn có cái nhìn thực tiễn, và từ thực tiễn để chỉ đạo, lãnh đạo, không hề kinh viện, giáo điều. Dấu ấn của ông Sáu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tôi tâm đắc và ấn tượng nhất về tấm lòng nhân hậu của ông, sự tôn trọng trí thức, sự cảm thông, chia sẻ của ông với số phận của những người nghèo khổ, đặc biệt là nông dân, sự trăn trở, trằn trọc tìm giải pháp để xã hội đổi mới, ổn định và phát triển bền vững.

Thay cho lời kết

Có nhiều dịp gần gũi và làm việc với ông Sáu Dân là sự may mắn và niềm hạnh phúc lớn của tôi. Công việc chuyên môn cũng cho tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với nông dân và nông thôn ở khắp mọi miền đất nước. Dần dà những những quan điểm của ông Sáu về nông dân và nông thôn đã trở thành động lực và mục tiêu để tôi học tập làm việc cống hiến.

Những người thường tháp tùng ông Võ Văn Kiệt trong các chuyến khảo sát tại ĐBSCL - Hàng trước từ trái qua: Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Chín, Tô Văn Trường...

Trong xu thế hiện đại hóa công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu thì nông dân và nông thôn càng trở thành một vấn đề quan trọng hơn bao giờ hết ở đất nước chúng ta. Chia sẻ những suy nghĩ của mình về tư duy Võ Văn Kiệt trong vấn đề nông dân và nông thôn chính là mục đích của bài viết này và coi như nén tâm hương tưởng nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Lịch sử và nhân dân luôn công bằng, đã và đang đặt ông Sáu Dân đúng vị trí trong lịch sử dân tộc ta.

Tiến sĩ Tô Văn Trường là chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường.  Ông đã có thời gian (từ 1988 - 9/1996) là chuyên gia ở Ủy hội sông Mekong (MRC) Bangkok - Thái Lan. Từ 10/1996 đến tháng 1/2009, ông là Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam. Do công việc, ông may mắn có nhiều dịp gần gũi và làm việc với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân). Ông đặc biệt ấn tượng với tư duy của ông Võ Văn Kiệt trong vấn đề nông dân và nông thôn. Bài viết này như nén tâm hương tưởng nhớ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất