, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 14/08/2022, 06:30

Nông dân An Giang sản xuất lúa xuất khẩu sang châu Âu

ĐẶNG TUẤN
Ngày càng có nhiều nông dân ở An Giang làm giàu nhờ sản xuất lúa gạo quy mô lớn để xuất khẩu đi châu Âu.
Sản xuất lúa theo hình thức liên kết là mô hình sản xuất đang phát triển mạnh mẽ ở An Giang.

Giá trị mới trên cánh đồng cũ

Ông Trần Phước Nhàn hiện có 70 hecta trồng lúa theo quy trình xuất khẩu đi châu Âu tại ấp Ninh Thạnh xã An Tức (huyện Tri Tôn). Hai năm trước, ông chuyển sang sản xuất theo quy trình “Much More Rice”- một giải pháp quản lý cỏ dại và các dịch hại tích hợp trên ruộng lúa (theo bộ sản phẩm do Bayer Việt Nam đề xuất) từ lúc chuẩn bị giống đến khi thu hoạch nhằm giúp ruộng lúa phát triển tốt, cây lúa khỏe và giúp tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận. Sử dụng máy gieo hạt lúa theo cụm tích hợp “2 trong 1” với máy cấy lúa Yanmar hoặc Kubota, ông Nhàn cho hay công suất gieo theo cách này đạt 3ha/ngày, nhờ vậy, chi phí gieo giảm ít nhất 50% so với cấy lúa bằng tay (giảm hơn 3 triệu đồng/ha) và giảm 40% so với chỉ làm bằng máy (giảm gần 1,4 triệu đồng/ha). Lượng giống gieo trung bình từ 50 - 100 kg/ha, giảm ít nhất 20% so với sạ hàng (giảm từ 30 - 40 kg/ha). Năng suất đạt được so với gieo sạ truyền thống cao hơn 100 - 150kg/công. Mỗi năm làm 2 vụ, với bình quân khoảng 9 tấn/ha, ông đạt doanh thu khoảng 4 - 5 tỷ đồng/vụ.

Ông Huỳnh Hữu Gân ở ấp An Lương xã Lương Phi (huyện Tri Tôn), người chuyển hơn 40ha lúa sang cách trồng mới phục vụ cho việc xuất khẩu sang châu Âu, cho biết ông đã được công ty TNHH Bayer Việt Nam hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật canh tác và thủ tục chuẩn xuất khẩu EU. Trong quá trình làm, ông được các kỹ sư tư vấn, tập huấn và trực tiếp thăm đồng, giám sát chặt chẽ các khâu từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch. Ông hoàn toàn yên tâm vì đầu ra cho sản phẩm đã được các công ty lương thực, doanh nghiệp trong chương trình bao tiêu, thu mua cao hơn giá thị trường và hợp đồng được ký kết ngay từ đầu vụ.

Ở An Giang hiện nay, những mô hình tương tự xuất hiện và phát triển mạnh ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn…

Ông Mai Văn Tùng - Giám đốc nhà máy Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, một đơn vị xuất nhập khẩu lớn - cho biết: Nhu cầu lúa xuất khẩu đi châu Âu rất cao, mỗi năm doanh nghiệp cần thu mua ít nhất mấy ngàn tấn. Nếu sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn yêu cầu, doanh nghiệp có thể hỗ trợ thêm từ 100 - 300 đồng/kg lúa cho nông dân.

Theo kỹ sư Trần Minh Tường, Quản lý phát triển quan hệ đối tác của Công ty TNHH Bayer Việt Nam, vụ Hè Thu 2021 (tháng 4/2021), Bayer Việt Nam đã triển khai khá thành công quy trình “Much More Rice” để liên kết sản xuất lúa chất lượng cao và xuất khẩu sang thị trường EU với diện tích ban đầu là 55ha trên giống lúa DS1 tại xã Bình Giang thuộc huyện Hòn Đất tỉnh Kiên Giang. Tập đoàn Sunrice ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm này của nông dân và những đơn hàng đầu tiên đã xuất sang châu Âu vào năm 2021. Sau đó, mô hình này được nhân rộng tại huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) và Tri Tôn (tỉnh An Giang) với diện tích 600 hecta. Kỹ sư Trần Minh Tường cho biết thêm: “Mô hình đã tạo được sự kết nối giữa nhà nông, doanh nghiệp với cơ quan chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giúp địa phương xây dựng được vùng trồng lúa gạo có chất lượng, giá trị cao, mở ra hướng đi mới cho người nông dân”.

Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, An Giang có 15 doanh nghiệp đăng ký liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân trên tổng diện tích 115.100 hecta, chiếm gần 50% diện tích lúa xuống giống; trong đó, Tập đoàn Lộc Trời với 105.000 hecta, chiếm trên 91% tổng diện tích liên kết. Lộc Trời đang là nhà cung cấp lớn nhất với trên 90% lượng lúa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu.

Thách thức và triển vọng

Những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long luôn phải đối phó với thiên tai, lũ lụt bất thường, hạn hán, xâm nhập mặn… gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Chi phí sản xuất tăng cao, nông dân lo lắng khi hầu hết giá các loại phân bón thiết yếu phục vụ sản xuất lúa như phân đạm - urê, DAP, Kali… tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10 - 30% so với những năm trước. Cùng với đó, giá thuê nhân công và nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng tăng đáng kể trong khi giá bán lại bấp bênh. Những điều này gây áp lực cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất vụ mới và thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến việc đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Với những hiệu quả mà các mô hình trồng lúa xuất khẩu châu Âu mang lại, nhiều HTX và hộ nông dân bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, tổng diện tích sản xuất lúa gạo hằng năm của tỉnh này vào khoảng 640.000ha. Sản lượng lúa cả năm toàn tỉnh đạt hơn 3,8 triệu tấn, đứng thứ hai cả nước (chỉ sau tỉnh Kiên Giang). Hiện nay, An Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ với mô hình liên kết sản xuất. 100% diện tích đồng ruộng đã được cơ giới hóa là điều kiện cần để có thể đi vào sản xuất lúa gạo quy mô lớn phục vụ xuất khẩu. Vấn đề còn lại là mức độ sẵn sàng của người dân, sự chung tay hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp.

Theo chuyên gia nông nghiệp Phạm Thanh Thọ, làm lúa để xuất khẩu châu Âu không khó nếu nông dân chịu thay đổi tập quán sản xuất, tuân thủ các quy trình phía đối tác yêu cầu. Ví dụ như khi chọn giống phải chọn trong danh mục 9 loại mà châu Âu cho phép nhập khẩu và phải là giống xác nhận có nguồn gốc rõ ràng; địa bàn canh tác có diện tích đủ lớn (tốt nhất là từ 10 hecta trở lên), có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết phù hợp với đặc tính sinh trưởng của giống gieo trồng; tuân thủ các nguyên tắc 3 giảm 3 tăng (giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm phân bón nhưng vẫn tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng sản phẩm), 1 phải 5 giảm (phải sử dụng giống lúa có chứng nhận và giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm nước tưới qua kỹ thuật ngập - khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu, giảm thất thoát sau thu hoạch), 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng cách). Đặc biệt, không sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất mà EU đã cấm cũng như tuân thủ tuyệt đối thời gian cách ly để đảm bảo lúa, gạo không tồn dư dư lượng thuốc BVTV hoặc dư lượng trong ngưỡng cho phép theo chuẩn EU. Việc thu hoạch phải đúng thời điểm và đặc biệt là phải đưa vào sấy không chậm hơn 8 - 10 giờ đồng hồ sau khi thu hoạch để đảm bảo các chất dinh dưỡng của lúa gạo không bị biến đổi. Ngoài ra, nhà máy/cơ sở xay xát cũng cần phải đạt hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn như BRC, HACCP. Ngoài những việc trên, thị trường châu Âu cũng rất quan tâm đến các yếu tố như sử dụng lao động trong sản xuất; an toàn và bền vững cho môi trường; các yếu tố tác động khác đến xã hội. Ông Thọ khuyến nghị: “Để đảm bảo tính minh bạch và từng bước xây dựng thương hiệu, việc đưa công nghệ thông tin vào để thực hiện Nhật ký canh tác (truy xuất nguồn gốc) là việc làm cần thiết”.

Tháng 1/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc (quy mô hàng đầu châu Á) tại xã Lương An Trà huyện Tri Tôn. Nhà máy có diện tích 161.000m2 , với tổng công suất ra gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long dự kiến sẽ thành lập mới 50 hợp tác xã, 200 tổ hợp tác nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh An Giang và sẽ tổ chức thu mua sản lượng lúa ổn định của nông dân khoảng 100.000 tấn/vụ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất