, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 28/11/2022, 15:51

Nông dân Đại Lộc lo thất thu vụ rau Tết

THIÊN HƯƠNG
Những ngày này, nông dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đang khẩn trương xuống đồng để chăm sóc rau màu kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2023 đang cận kề. Tuy nhiên, hiện nay nhiều luống rau màu đang ra hoa, quả lại bị chết dây, thêm vào đó giá cả thấp khiến họ lo lắng từng ngày.
Người dân Đại Lộc chăm sóc rau màu phục vụ Tết Nguyên đán 2023. 

Đợt mưa lũ vừa qua, hơn 20ha rau màu ở cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) bị ảnh hưởng nặng nề. Sau khi lũ rút, nhiều luống rau chậm phát triển, thậm chí còn có dấu hiệu chết dây, khiến các chủ vườn lo lắng.

Gia đình ông Hồ Duy Khánh (thôn Phú Phước, xã Đại An, Đại Lộc) có 8 sào khổ qua, mướp, đậu cove đang cho quả non nhưng không hiểu vì sao có dấu hiệu chết khá nhiều. Thời gian qua, ông Khánh dùng nhiều biện pháp sinh học, hóa học để khắc phục nhưng chưa hiệu quả.

Đến nay, ông Khánh đã đầu tư 20 triệu đồng cho vườn rau, bao gồm chi phí hạt giống, phân bón, làm đất... Với tình hình giá phân bón đắt đỏ như hiện nay, ông Khánh cũng như nhiều hộ dân trồng rau khác đang lo ngại vụ rau năm nay sẽ lỗ vốn.

“Hiện giá phân đang rất cao, phân NPK giá 1,8 triệu đồng/bao, phân đầu trâu 1,1 triệu đồng/bao, trong khi giá tiêu thụ các loại rau củ quả khá thấp. Hi vọng gần Tết giá rau màu sẽ tăng trở lại, để tôi và nhiều hộ dân ở đây có thêm đồng thu nhập” – ông Khánh giải bày.

Lên giàn cho vườn rau. 

Cách ruộng rau của gia đình ông Khánh khoảng 200m, gia đình ông Phan Nghĩa cũng đang tất bật cột dây, sửa soạn cho hàng khổ qua bò lên giàn. Ông Nghĩa cho hay, gia đình ông trồng hơn 4 sào rau màu ở cánh đồng Bàu Tròn, tính đến nay tiền vốn đổ vào đã hơn 10 triệu đồng để mua hạt giống; cọc tre, lưới, bạt làm luống…

“Vụ này, đất nhiễm khuẩn khiến nhiều diện tích khổ qua, mướp của gia đình tôi bị chết. Giờ không trồng thì Tết không có gì bán, mà trồng thì cũng lo” – ông Nghĩa chia sẻ.

Dạo một vòng quanh cánh đồng rau Bàu Tròn, không chỉ vườn rau của gia đình ông Nghĩa, ông Khánh bị hư hại mà nhiều hộ dân khác cũng cùng cảnh ngộ. Nhiều luống rau đang lên xanh mướt, đơm hoa kết quả đẹp mắt, bỗng bị héo dây và chết dần. Mặc dù người dân đã dùng nhiều biện pháp, áp dụng khoa học kỹ thuật nhưng khó cứu vãn. Không ít hộ đành phá bỏ ruộng rau đang giai đoạn ra quả non để trồng lại lứa khác.

Nhiều loại rau màu có dấu hiệu chết khiến người dân lo lắng.

Thời gian gần đây, lượng rau từ khu vực miền Nam, Tây Nguyên nhập về địa phương khá nhiều cũng khiến rau trồng tại chỗ khó cạnh tranh. Với giá bán như hiện nay, nông dân lo ngại sẽ không đủ chi phí đầu tư cây giống, phân bón… cho vụ sau.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất