, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 30/11/2021, 18:50

Nông dân Gambia khốn quẫn vì nước biển dâng

HƯƠNG LAN
(nongnghiep.vn)
Nông dân Gambia đang phải chiến đấu với hậu quả của nước biển dâng cao và khô hạn kéo dài khiến đất ruộng bị xâm nhập mặn, không thể trồng lúa.
Thu hoạch lúa bên sông Gambia, nơi đất mặn hơn qua từng năm. Đó thực sự là một cuộc khủng hoảng ở đất nước châu Phi nhỏ bé này. Ảnh: Guardian.

Dưới cái nóng oi bức của cuối buổi sáng ở tây châu Phi, Aminata Jamba dùng liềm gặt những thân cây lúa vàng. Đáng buồn là, ngay cả khi chất lượng lúa tốt, số lượng lúa lại không đủ.

Trong khi trước đây Jamba có thể dự kiến ​​sẽ thu hoạch đủ lúa để dùng cả năm, thì năm nay, bà cho rằng sẽ chỉ đủ dùng từ 3-4 tháng. Sau đó, bà sẽ phải đi tìm cách khác kiếm đủ tiền để sống và nuôi gia đình.

Manding Kassamah, một người nông dân đồng thời là mẹ của 9 đứa trẻ, vừa mới tới ruộng lúa, trong tay cầm lon nước rỗng giải thích. "Đã từng có rất nhiều mưa. Mọi người chỉ cần làm việc và có một vụ mùa bội thu. Bây giờ, chúng tôi làm việc chăm chỉ nhưng cũng không kiếm được nhiều gạo như ngày trước”.

Theo truyền thống, việc trồng lúa ở Gambia chủ yếu do phụ nữ làm, trong khi những người đàn ông chăm sóc lạc. Nhưng từ nhiều năm nay, các nữ nông dân đứng nhìn đất đai xung quanh ngày càng khó quản lý.

Tại Kerewan, trên bờ bắc sông Gambia, họ đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng khí hậu trên hai mặt trận.

Mực nước biển dâng cao đang đẩy nước mặn ngày càng xâm nhập xa hơn dọc theo con sông, chảy dọc theo chiều dài của vùng đất trũng, và các đợt khô hạn kéo dài có nghĩa là ít nước ngọt hơn để loại bỏ độ mặn. Kết quả là nước trong các cánh đồng từng sản xuất lúa hiện nay quá mặn, và phần lớn diện tích - hơn 30 ha - đã phải bỏ hoang. Đối với những phụ nữ như Jamba và Kassamah, đó là một thảm họa.

Manding Kassamah, một nông dân trồng lúa ở Kerewan, cho biết đất bắt đầu mặn hơn khoảng 25 năm trước nhưng quá trình này đã tăng tốc trong thập kỷ qua. Ảnh: Guardian.

Muhammed Ceesay, 27 tuổi, từ Tổ chức thanh niên Activista, cho biết những người phụ nữ bị tước mất công việc và không có nhiều lựa chọn để kiếm sống như đàn ông. “Hoàn cảnh đẩy họ vào cuộc sống nghèo đói. Họ rất dễ bị tổn thương”.

Những người phụ nữ ở đây tương đối may mắn, vì họ có nguồn thực phẩm thay thế và thu nhập từ việc trồng rau. Họ có thể trồng cà chua, cà chua, ớt và hành tây, và biết rằng, ngay cả khi nguồn cung gạo cạn kiệt, họ sẽ có thứ để bán hoặc ăn. 

Binta Fatty nói: “Đó là tương lai của chúng tôi. Làm vườn giúp chúng tôi trong nhiều vấn đề vì nó giúp chúng tôi sống được và có thể mua những thứ nhỏ cho con cái. Đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào khu vườn sau cánh đồng lúa”.

Nghề phụ này là rất cần thiết. Vụ thu hoạch lúa năm ngoái của Fatty chỉ kéo dài khoảng 6 tháng trước khi bà phải làm điều mà ở Kerewan từng không thể tưởng tượng được: mua gạo nhập khẩu.

Trong 10 năm qua, điều này đã trở thành phổ biến trên khắp Gambia. “Trong cộng đồng này đã có lúc, nếu họ nhìn thấy bạn mua gạo từ cửa hàng, họ sẽ biết trong nhà bạn đang có nạn đói. Bây giờ, đó là việc bình thường”, Almamo Fatty, 63 tuổi, nói.

“Tôi không nghĩ rằng bạn sẽ thấy bất kỳ ai trong cộng đồng này [bây giờ] sẽ nói: Tôi có thể trồng đủ gạo để nuôi gia đình trong hơn 6 tháng”, Almamo Fatty chán nản.

Almamo cũng không phải là ngoại lệ. Con trai của ông, Kemo Fatty, một nhà hoạt động khí hậu, là thành viên của phái đoàn Gambia tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop26, đã thấy mẹ mình dần trở nên thiếu tự chủ như thế nào.

"Mẹ tôi phải phụ thuộc vào tiền của tôi để có thể mua gạo có xuất xứ từ Trung Quốc, và điều này đã xảy ra trong vài năm qua”, Kemo nói. “Hãy tưởng tượng, từ việc có gạo mà chúng tôi trồng và ăn quanh năm đến không có gạo”.

Almamo Fatty, một nông dân, cho thấy lớp muối ở nơi từng có ruộng lúa. Ảnh: The Guardian.

Chính phủ Gambia biết rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nông dân khỏi tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu: nông nghiệp là ngành quan trọng nhất của nền kinh tế nước này, chiếm khoảng 1/4 GDP và sử dụng khoảng 75% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, từ năng lực công nghệ thấp đến nguồn cung cấp năng lượng kém, những thách thức đang làm người nông dân Gambia phải nản lòng. Hầu hết lương thực trong nước đều đến từ những cánh đồng được tưới bằng nước mưa, khiến nông dân đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của lượng mưa.

Và những phụ nữ nông dân được cho là dễ bị tổn thương nhất.

Nhà hoạt động khí hậu người Gambia Fatou Jeng, người cũng có mặt tại Glasgow tham dự Cop26, cho biết mặc dù chiếm đa số nhưng phụ nữ và trẻ em gái “không được tiếp cận đầy đủ với các nguồn tài nguyên thiên nhiên cơ bản cần thiết cho nông nghiệp”. Cô cũng cho rằng phụ nữ ít được đại diện để thảo luận về các giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Nói tóm lại, nếu những phụ nữ như Jamba, Kassamah và Fatty bị bỏ rơi khỏi giải pháp chống khủng hoảng khí hậu, thì có thể không bao giờ tìm được giải pháp triệt để.

Đứng trên bờ của một nhánh sông, Almamo Fatty đưa tay xuống đất, đất sét lấp lánh dưới ánh nắng. “Bạn có thấy nó sáng không? Đó là muối”, ông nói, rồi dùng dao rựa cạo bỏ một lớp mỏng. "Nếu bạn nếm nó, chắc chắn sẽ thấy mặn". Và sự thật đúng như vậy.

“Hai mươi năm trước, nếu bạn trồng lúa ở đây, nó sẽ phát triển như thế này”, Almamo nói và chỉ vào vai mình. Một cánh đồng sẽ sản xuất được 20 bao gạo. Giờ đây, người ta đã có kế hoạch đắp một con đê để ngăn nước mặn, nhưng cuộc sống sẽ không bao giờ trở lại như trước khi cuộc khủng hoảng khí hậu đến.

“Đất ở đây, toàn là ruộng lúa”, ông buồn bã nói. "Bây giờ tất cả đều bị bỏ rơi".

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất