, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/02/2023, 19:30

Nông dân Koina - được không?

TƯỜNG LAM
Thông tin doanh nghiệp Koina hoàn thành xây dựng bản đồ số hóa cho khoảng 2.400ha diện tích sản xuất cam sành của huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã gây xôn xao trên thị trường nông sản vào những ngày cuối năm. Nhưng, đây chỉ mới chỉ là một bước sơ khởi trong hành trình của Koina với mục tiêu lớn là đồng hành cùng nông dân để tái tạo canh tác, gia tăng năng suất trồng trọt thông qua các ứng dụng công nghệ.

Thuyết phục nông dân bằng kênh bán hàng hiệu quả

Tuy mới thành lập từ tháng 11/2021 nhưng đến nay, Koina đã trở thành đối tác của hơn 1.000 tiểu thương, giúp tiêu thụ hơn 5.000 tấn trái cây, rau quả, chủ yếu là từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua kênh bán hàng tận nhà của Koina, người tiêu dùng tại thành phố sẽ mua loại nông sản chất lượng với giá tương đương với ở chợ đầu mối. Koina được sáng lập bởi Nguyễn Trần Thi – Co-founder của Giao Hàng Nhanh; Võ Duy Phú – Co-founder hệ thống The Coffee House, Lưu Hoàng Khoa - Giám đốc vận hành VinID và Grab Việt Nam.

Từ những ngày làm The Coffee House, Phú đã nung nấu ước mơ dùng tư duy và công nghệ để làm tăng chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, đặc biệt là chè và cà phê. Thế nhưng, ước mơ này đành bỏ ngỏ sau khi Phú rời The Coffee House. Đến giai đoạn TP.HCM bị phong toả nhiều tháng trời do dịch Covid-19, mạng lưới chợ truyền thống bị đóng cửa khiến cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, theo đó thì người dân thành phố bị thiếu hụt thực phẩm, rau củ quả trong khi ở đầu nguồn thì không thu hoạch được. Phú cũng như Thi và Khoa cùng cảm thấy mình cần phải làm gì đó để thay đổi hệ thống phân phối hàng nông sản, làm sao để chuỗi cung ứng không bị gián đoạn dù trong hoàn cảnh thiên tai, đại dịch. Cũng lúc này, ước mơ ngày trước của Phú trở lại. Anh cùng Thi, Khoa bắt tay vào xây dựng Koina với hai mục tiêu lớn, một là phát triển kênh phân phối nông sản và hai là hỗ trợ giải quyết những vấn đề của người nông dân.

“Trước đây, nông sản từ vườn đến siêu thị thường phải qua từ 5 - 7 trung gian. Thông tin về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa đến tiểu thương hoặc đến người tiêu dùng cũng không còn chính xác. Hơn nữa, trái cây, rau quả hư hao rất nhiều trong quá trình vận chuyển, chiếm tỷ lệ lên tới 20% tổng lượng nông sản. Những lý do này làm giá nông sản “đội” lên rất nhiều, chẳng hạn như giá thành để sản xuất cam tại vườn chỉ khoảng 8.000 đồng/kg, khi đến siêu thị thì giá cam từ 30.000 - 35.000 đồng/kg”, Võ Duy Phú chia sẻ. Trong khi đó trái cây, rau quả cũng được thu mua ngay tại vườn nhưng chuyển đến tay người tiêu dùng chỉ qua một trung gian, tận dụng kho bãi, phương tiện vận chuyển của Koina nên giá giảm đi rất nhiều.

Tất cả nỗ lực của Koina ở thời điểm này vẫn là tập trung vào thị trường trong nước. Vì theo Lưu Hoàng Khoa, nhu cầu về nguồn nông sản chất lượng ở thị trường trong nước còn rất nhiều. Hơn nữa, sau một thời gian dài người Việt mất niềm tin vào hàng Việt, Koina mong muốn chuỗi cung ứng của mình sẽ phần nào lấy lại niềm tin dùng hàng Việt của người Việt.

Nền tảng số - giải quyết những “nỗi đau” của nông dân

Sau khi kênh bán hàng nông sản tương đối ổn định, Koina nhanh chóng bắt tay vào mục tiêu thứ hai, đó là hợp tác với nông dân để hỗ trợ giải quyết những vấn đề của họ. Vậy muốn hợp tác với nông dân ở một tỉnh thì nên tiếp cận từ trên xuống (từ chính quyền xuống nông dân) hay theo hướng ngược lại? Để trả lời cho câu hỏi này, Koina chọn tiếp cận từ cả hai phía.

Chỉ trong vài tháng, Koina đã hoàn thành dự án công nghệ hỗ trợ quản lý vùng cam rộng khoảng 2.400ha cho chính quyền huyện Tam Bình. Giờ đây, chính quyền đã có thêm công cụ trong việc quản lý thông tin về giá cam qua từng thời điểm, vật tư sản xuất, thời tiết, thổ nhưỡng, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây trồng tại nhiều xã ở Tam Bình. Đồng thời, doanh nghiệp lẫn các ngành chức năng cũng dễ dàng tra cứu được số hộ trồng, thời gian trồng, thời gian thu hoạch của từng xã. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, khuyến cáo đến nông dân, tránh tình trạng cung vượt cầu…

Anh Nguyễn Trần Thi cho biết: “Việc áp dụng số hóa có thể dự báo được sản lượng cam theo từng tháng, đồng thời đưa ra dự báo về sản lượng theo từng vụ, từng vùng trồng, chất lượng đất và chất lượng cam… Ngoài ra, trên bản đồ số hóa sẽ tích hợp cả thông tin thị trường, nhật ký canh tác điện tử, truy xuất nguồn gốc… và sẽ không chỉ số hóa trên vườn cam mà còn mở rộng cả bưởi, dừa ở nhiều vùng khác nữa”.

Sau một thời gian “lăn lộn” với người nông dân, các nhà sáng lập Koina nhận thấy những khó khăn mà nông dân hay gặp phải xoay quanh bốn vấn đề chính, đó là: (1) đầu ra cho sản phẩm, (2) vốn canh tác, (3) kỹ thuật canh tác đúng và (4) tiếp cận dịch vụ nông nghiệp (thuê người thu hái, cắt cành…). Về vốn, nông dân thường phải vay mượn để đầu tư thuê đất, mua giống, mua phân bón… Về kỹ thuật canh tác, dĩ nhiên mỗi hộ đều có truyền thống nhưng ai cũng muốn tăng năng suất, giải quyết vấn đề sâu bệnh. Các dịch vụ thuê nhân công, thuê máy móc thường giá cao, thậm chí không thể thuê được người làm vườn trong ngày lễ tết…

Chính vì vậy, Koina đang xây dựng app “Nông dân Koina”, và hướng đến việc tập hợp các bên để hỗ trợ người nông dân. Về vốn, Koina mong muốn kết nối với các đơn vị cung cấp vốn như các ngân hàng, các đơn vị đầu tư để nông dân dễ dàng tiếp cận các khoản vay ưu đãi. Về kỹ thuật canh tác, Koina sẽ số hóa quy trình canh tác chuẩn của chuyên gia, để mọi nông dân đều có thể tiếp cận nhanh chóng. Thông qua app này, phát kiến khoa học của các đơn vị nghiên cứu cũng dễ đến gần với nông dân hơn.

Ngoài ra, ứng dụng này còn mang công nghệ AI vào vườn, giúp nông dân canh tác tốt hơn. Chẳng hạn như dùng camera tích hợp AI nhận diện lỗi hoặc sâu bệnh trên sản phẩm. Những lỗi này sẽ được các chuyên gia hỗ trợ xử lý hoặc hỗ trợ phân loại tự động khi thu hoạch...

“Con đường phía trước còn rất dài và Koina cũng còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với những kết quả khả quan đã đạt được, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2026, sẽ có hơn 200.000 nông dân sử dụng ứng dụng “Nông dân Koina” và kênh bán hàng của chúng tôi sẽ phân phối 1 triệu tấn nông sản. Sau tất cả, điều chúng tôi vui nhất là được mang nông sản tươi sạch và giá cả hợp lý đến cho mọi người Việt Nam”, Võ Duy Phú nói.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất