, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/03/2022, 12:49

Nông dân miền Tây chi hàng trăm triệu cho máy bay không người lái phun thuốc

M.Q
Gần đây, hình ảnh máy bay không người lái (drone) phun thuốc tưới phân đã dần phổ biến trên các cánh đồng vùng ĐBSCL.
Ông Trường cùng với máy drone. Ảnh: Ngọc Tài.

Ông Nguyễn Thọ Trường (Tri Tôn - An Giang) đầu tư 600 triệu đồng sắm máy bay phun thuốc thuê. Mỗi ngày một drone phun từ 30 - 70ha tùy vào khoảng cách giữa các thửa ruộng cần phun thuốc. 

"Mua về là phun xuyên suốt không có ngày nghỉ, cao điểm bay 70ha một ngày. Lúc đó, nếu có 5 máy vẫn không đủ dùng". - ông Trường cho biết. Trong 2 tháng vừa qua, ông Trường nhận phun được hơn 2.800ha. Với giá 160.000 đồng/ha, sau khi trừ chi phí nhân công, ông lãi hơn 300 triệu đồng. 

Cùng trên địa bàn huyện Tri Tôn, anh Trương Triệu Phú, đang là chủ của 6 drone cho biết, tổ bay của anh đi toàn tỉnh, trang bị xe máy và xe tải để vận chuyển nhưng vẫn thường xuyên bị trùng lịch, phun không kịp. Lợi nhuận trung bình hơn 50 triệu đồng/ tháng, anh dự định dùng lãi để mua thêm máy móc và đào tạo nhân lực vận hành. 

Một số nông dân có ruộng canh tác cũng mạnh dạn đầu tư drone. Ông Trương Trọng Nhân - ngụ phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, có 20ha canh tác tại Thọ Sơn. Những năm trước ông thuê máy bay phun thuốc, thấy đạt hiệu quả nên đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để mua drone. Vừa dùng cho 20ha ruộng nhà, ông vừa đi phun thuê cho bà con trong vùng, thu nhập thêm ước tính 50 triệu đồng/tháng.

Cách Tri Tôn 60km tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp), hiện cũng đang có 20 máy bay phun thuốc đang hoạt động do các cá nhân đầu tư mua sắm và vận hành cho thuê như hình thức kinh doanh Grab. 

Chủ phần mềm “Mapa - làm nông đơn giản”, anh Lâm Trọng Nghĩa - cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông - chia sẻ cụ thể hình thức kinh doanh mới lạ này: “Nhà đầu tư trực tiếp sắm máy, giao cho mình vận hành bằng đội bay do mình xây dựng, cam kết chia lợi nhuận theo tỉ lệ nhất định. Thông qua phần mềm quản lý, chủ máy kiểm soát được doanh thu mỗi ngày, hạch toán lợi nhuận cuối tháng, thu hồi vốn mua máy sau 1 - 1,5 năm”.

Việc vận hành drone cũng đem lại thu nhập cho người dân trên địa bàn. Anh Nguyễn Tấn Đạt (Tháp Mười – Đồng Tháp) cùng 19 người hàng ngày đều đi phun thuốc theo yêu cầu của bà con nông dân, thu nhập trung bình 250.000 đồng/ngày. 

Theo Đạt, việc phun thuốc bằng máy khá nhẹ nhàng. Thay vì mang từng bình thuốc xịt, người phun vừa hít, vừa dính thuốc vào người. "Từ nhỏ tôi gắn bó với ruộng đồng, thấy nông dân mang bình đi phun thuốc nhiều độc hại nên khi làm công việc này thì có thêm niềm vui nho nhỏ là giúp được bà con đỡ nhọc nhằn". - anh nói.

Drone phun thuốc trên cánh đồng huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nghĩa Lâm

Theo nhiều bà con nông dân, drone có ưu điểm là tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả phun thuốc trên diện rộng với độ chính xác cao, không chồng lối, sót lối, giảm lượng thuốc từ 20 - 30%. Thiết bị này cũng giúp nông dân giảm tiếp xúc trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí, nhất là trong điều kiện thiếu lao động thủ công. 

Ngoài phun thuốc trên cây lúa, còn có thể sử dụng drone trên các loại rau màu, cây ăn trái và mở rộng trong khâu gieo, bón phân.

Mỗi drone có giá giao động 400 - 700 triệu đồng, nặng chừng 20kg, chưa tính dung dịch thuốc bảo vệ thực vật. Đồ nghề của người phun thuốc thuê còn có điện thoại thông minh kết nối bộ điều khiển, can pha thuốc, lưới lọc, hệ thống sạc pin, 2-4 cục pin...

Bên cạnh những ưu thế, máy bay phun thuốc là hàng điện tử, dễ gặp rủi ro nếu không nắm chắc kỹ thuật vận hành. Sự cố thường xảy ra như gãy cánh, rơi trên đồng, trong khi chi phí thay phụ tùng giá khá cao.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất