, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 13/09/2019, 09:29

Nông dân miền Tây vào mùa nấm rơm

Những năm gần đây, nước lũ về Đồng bằng Sông Cửu Long thất thường và ngày càng suy giảm. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân vùng này sẽ chật vật, khó khăn về kinh tế vì không có được nguồn thủy sản dồi dào như những năm trước. Trong tình thế đó, nhiều nông dân miền Tây đã chuyển sang nghề trồng nấm rơm.

Nấm rơm đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân đồng bằng.
Nấm rơm đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân đồng bằng.

Theo số liệu từ Phòng NN&PTNT các huyện Hồng Ngự, Lai Vung, Lấp Vò và Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp, hiện nay các hộ sản xuất nấm đang thu hoạch bình quân từ 1 - 1,2 tấn nấm rơm thương phẩm/công (mỗi công 1.000m²). Giá bán hiện tại xấp xỉ 65.000 đồng/kg loại I, 55.000 đồng/kg loại II, 45.000 đồng/kg loại III - tăng từ 15.000 đến 20.000 đồng so với cùng kỳ năm 2018. Mỗi công nấm rơm sau khi trừ hết chi phí, lãi từ 10 đến 12 triệu đồng. Các xã có diện tích trồng nhiều nấm rơm lớn nhất tỉnh Đồng Tháp đều tập trung ở huyện Lai Vung, bao gồm xã Định Hòa, Tân Hòa, Tân Thành và Vĩnh Thới.

Không chỉ trồng nấm rơm ngoài ruộng, nhiều nông dân ít đất sản xuất đã chọn phương án trồng nấm rơm trong nhà, một số khác thì chọn mô hình trồng xen trong vườn cây ăn trái. Sau khi thu hoạch nấm, các hộ sản xuất nấm còn tranh thủ bán rơm mục cho các nhà vườn làm phân bón cây kiểng. Ông Võ Thái Hòa ngụ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết: “Rơm mục bón cho hoa kiểng rất tốt. Từ tháng 7 trở đi, nhiều cơ sở kinh doanh đã bắt đầu mua rơm mục để dự trữ cho mùa hoa kiểng Tết. Mỗi bao rơm mục khoảng 20 - 25kg có giá khoảng 30.000 đồng”.

Thu hoạch nấm rơm
Thu hoạch nấm rơm

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, các nông dân chuyên trồng nấm rơm tại Đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng rơm để trồng nấm phải có màu vàng ươm, sợi chắc, dẻo. Sau khi chất từ 2 đến 3 hôm, nên kiểm tra độ ẩm rồi tiến hành rắc meo lên trên. Khi trồng không cần phải bón nhiều phân, thời gian hái nấm nên thực hiện vào sáng sớm và buổi chiều.Tại huyện Vũng Liêm, nơi được xem là thủ phủ nấm rơm của tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng nấm rơm năm nay tăng khoảng 25% so với năm 2018. Cụ thể ở mùa vụ năm 2019, toàn huyện có trên 800ha lúa sau thu hoạch được nông dân tranh thủ trồng nấm rơm. Nhiều nông dân đã mua rơm từ các tỉnh lân cận như Bến Tre, Trà Vinh về để trồng nấm. Theo bà Thái Thị Thủy, ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm thì so với một số nông sản khác, chi phí đầu tư trồng nấm rơm thấp hơn, nông dân có lãi nhiều hơn. Bình quân lợi nhuận từ trồng nấm chiếm khoảng 70% nguồn thu.

Nấm rơm đã và đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng, đồng thời giúp đa dạng hóa các món ăn thuần Việt với hương vị rất đặc trưng. Thêm vào đó, nghề trồng nấm rơm đang là hướng đi mới cho nhiều nông dân khi lũ không còn về như trước.

TRƯƠNG THANH LIÊM

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất