, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 17/11/2022, 09:55

Nông dân Mỹ, Trung Quốc nỗ lực bảo vệ “da của trái đất”

QUANG MINH
(theo Reuters)
Từ Mỹ đến Trung Quốc và Kenya, nỗ lực giữ đất của nhà nông đang tỏ ra “đấu không lại” khí hậu cực đoan ngày càng tăng và đe dọa hệ sinh thái cũng như khả năng sản xuất ra lương thực.
Nông dân Trung Quốc đối mặt với hạn hán - Ảnh: Reuters.

Suy thoái đất có thể gây thiệt hại lên đến 23.000 tỷ USD

Đất có thể được ví như “vàng đen” và thế giới đang cạn kiệt nguồn tài nguyên quan trọng này. Các nhà khoa học Liên Hợp Quốc tuyên bố đất là hữu hạn, nói có thể phải mất 1.000 năm để thiên nhiên tạo ra từ 2 đến 3cm đất, điều khiến việc bảo tồn đất là rất cấp thiết. 

Đất rất quan trọng vì thế giới cần đất để sản xuất 95% lượng lương thực. Nếu đất bị đe dọa thì cả nguồn nước sạch và khí hậu cũng “lâm nguy”. 

Và khi thế giới mất đất thì nguồn cung lương thực, nước sạch và đa dạng hóa sinh học cũng bị đe dọa. Đáng lo nhất là đất giữ vai trò quan trọng trong giảm thiểu biến đổi khí hậu. 

Cây mọc nhờ nắng trời và khí CO2. Chúng chuyển carbon vào đất, nuôi dưỡng vi sinh vật vốn lại tạo ra những điều kiện để trồng thêm được cây.  

Trong khi đó, thời tiết cực đoan - do sự biến đổi khí hậu gây ra - không chỉ phá hoại mùa vụ mà còn làm xói mòn đất và loại bỏ các chất dinh dưỡng như carbon, nitrogen và phosphorus khỏi hệ sinh thái vốn phức tạp, theo các nhà khoa học nhận định. 

Điều này dẫn đến việc đất bị thoái hóa, mất khả năng duy trì sự sống của cây trồng, súc vật và xa hơn là làm mất khả năng duy trì cuộc sống của người. 

Theo Công ước LHQ về Chống Sa mạc hóa, suy thoái đất có thể gây ra thiệt hại lên đến 23.000 tỷ USD về lương thực, hệ sinh thái và thu nhập toàn cầu vào năm 2050. Với dự báo dân số thế giới sẽ tăng 1/5 lên gần 10 tỷ người vào năm đó, tình trạng suy dinh dưỡng và nạn đói sẽ tác động đến vô số người.

Theo LHQ, 1/3 tổng số đất nông nghiệp của thế giới đã bị thoái hóa bởi sự xói mòn đất, mất nguồn dinh dưỡng. Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO), xói mòn đất có thể khiến mất 10% sản lượng nông nghiệp toàn cầu từ năm 2050, tương đương việc mất hàng triệu mẫu đất canh tác. 

Ronald Vargas, một nhà khoa học đất và là thư ký của chương trình “Đối tác Đất Toàn cầu” (Global Soil Partnership, thuộc FAO) nói thời tiết cực đoan đã làm tăng tốc thoái hóa đất vốn đã bị tàn phá mạnh bởi nạn phá rừng, chăn thả gia súc quá mức và sử dụng quá đáng các loại phân bón.

Vargas nói: “Thoái hóa đất là một chu kỳ độc hại. Khi đất đã bị thoái hóa, chúng ta sẽ gặp phải những sự cố thời tiết xấu cùng các hậu quả rất xấu. Việc mất 10% sản lượng lương thực toàn cầu là một vấn đề thực sự nghiêm trọng của an ninh lương thực. Xói mòn đất là mối nguy số một vì nó đang diễn ra tại khắp mọi nơi”. 

Nỗ lực bảo vệ đất không bị suy thoái

Hiện tại, nhà nông Mỹ và Trung Quốc đang phải tham gia vào “một cuộc chiến” – mà họ có thể sẽ chỉ thua - để giữ đất sản xuất lương thực.

Hồi giữa tháng 5, những trận mưa to đã quét sạch 3 tấn đất trên mỗi mẫu ruộng ở hai hạt thuộc bang Minnesota, theo dữ liệu của Daily Erosion Project, một sáng kiến của Đại học bang Iowa để ước tính sự mất đất.

Bà Rachel Schattman, giáo sư trợ giảng ở khoa nông nghiệp bền vững Đại học bang Maine nói, vùng Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ rất dễ bị thoái hóa đất vì các vùng này nhận lượng mưa cao quá mức bình thường, một xu hướng dự kiến sẽ kéo dài đến cuối thế kỷ này. 

Ngược lại, vùng châu thổ rộng lớn bên sông Dương Tử, nơi sản xuất 1/3 sản lượng lương thực của Trung Quốc, lại không đủ nước.

Tại châu thổ sông Dương Tử, thời tiết ẩm ướt sẽ được hoan nghênh. Các vành đai nông nghiệp trong vùng này - trải dài từ Tứ Xuyên xuống tây nam đến Thượng Hải - chỉ nhận 40% lượng mưa so với bình thường hồi mùa hè 2022 và phải chịu đựng nhiệt độ cao kỷ lục.   

Vào tháng 8, một quan chức Bộ Thủy lợi Trung Quốc nói 1/3 đất ở 6 tỉnh nông nghiệp chủ lực dọc sông Dương Tử đã “bị khô kiệt do hạn hán”. 

Các nhà khoa học đã dùng đến biện pháp thực hiện 211 vụ phóng tên lửa vào mây nhằm tạo mưa nhân tạo trên tổng cộng 1,45 triệu km vuông đất nông nghiệp riêng trong tháng 8, với hy vọng sẽ tắm mát đất bị hạn hán và mất chất dinh dưỡng do nhiệt độ tăng cao. Nhưng các chuyên gia nói đây chỉ là giải pháp tình thế chứ không là giải pháp dài hơi. 

Tương tự, các giải pháp như khoan hàng ngàn giếng mới, hoặc khuyến khích nhà nông chuyển đổi cây trồng để tăng sản lượng, chỉ đạt một vài kết quả hạn chế. 

Trong năm nay, FAO đã soạn thảo một kế hoạch hành động nhằm cải thiện và duy trì sức khỏe của 50% đất trên toàn cầu vào năm 2030, áp dụng các biện pháp như luân canh cây trồng và nông lâm kết hợp, một hệ thống sử dụng đất gồm trồng cây trong và xung quanh cây trồng và trên đồng cỏ.

Bà Cristine Morgan, giám đốc khoa học tại Viện Sức khỏe Đất (trụ sở tại bang Bắc Carolina) cho biết đất có thể tái sinh nếu nông dân áp dụng các phương pháp tốt hơn một cách rộng rãi hơn. Các giải pháp gồm không xới đất để giảm xói mòn và trồng các loại cây che phủ trái vụ để chống xói mòn và mất chất dinh dưỡng. 

Tuy nhiên, ở Kenya, thiệt hại rất nghiêm trọng. Các đồng cỏ ở phía bắc Kenya xảy ra một cuộc khủng hoảng là hạn hán lâu dài kể từ năm 2000 đã bóc trần đất trồng rau, khiến đất bị tổn thương và làm hỏng những phương pháp làm nông thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Theo Bộ Môi trường Kenya, hơn 60% tổng diện tích đất bị suy thoái nặng và hơn 27% bị thoái hóa rất nặng, có tính đến các yếu tố như lớp phủ thực vật và khả năng chống xói mòn. Điều này bất chấp những nỗ lực của các nhóm xanh khuyến khích nông dân sử dụng nông nghiệp không cày xới hoặc làm đất tối thiểu và sử dụng nông lâm kết hợp.

Đất Kenya dễ bị tổn thương, cỏ đã biến mất khỏi phần lớn đồng cỏ rộng lớn của Kenya, khiến đất dễ bị nén chặt hoặc bị xói mòn trong tương lai, theo bà Leigh Ann Winowiecki, nhà khoa học đất ở Cifor-Icraf, một trung tâm nghiên cứu các ích lợi của cây dành cho người và đất có trụ sở ở thủ đô Nairobi của Kenya. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất