, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 14/04/2022, 17:38

Nông dân nhiều nước làm giàu từ kiểng lá

PHẠM NGHĨA
(nld.com.vn)
Những cây kiểng lá quý hiếm và đột biến có giá lên tới hàng chục ngàn USD tại Thái Lan và Singapore, đem lại thu nhập khủng và làm giàu cho nhiều người.

Tháng 04/2021, trang Yahoo! News đưa tin một người gây giống thực vật đã bán cây kiểng lá họ philodendron billietiae quý hiếm với giá 1,7 triệu baht (54.487 USD) ở Thái Lan. Chủ sở hữu, ông Khun Sorasak, trồng cây kiểng lá này trong 5 năm cho đến khi nó phát triển các lá, cành và thân với tỉ lệ bất thường tại sân nhà của ông ở tỉnh Nonthaburi.

Ban đầu, ông Khun bán đấu giá cây kiểng lá này nhưng giá thấp hơn mong đợi nên đã niêm yết trên nền tảng trực tuyến để tìm thêm người mua. Cuối cùng, cây kiểng lá đã tìm được chủ mới vào ngày 26/04/2021.

"Thành thật mà nói, nó không được định giá quá cao. Tôi cho rằng đó là một mức giá tốt vì giá trị của cây có thể tăng lên trong tương lai. Cây của tôi dáng hiếm nên giá 1,7 triệu baht là khá rẻ. Nó có 34 lá, do đó giá một lá có thể khoảng 50.000 baht (1.548 USD) nhưng giá thực tế có khi lên tới 100.000 baht (3.096 USD)" - ông Khun phân tích. Kiểng lá họ philodendron billietiae có nguồn gốc từ Brazil, Guyana và Guiana thuộc Pháp, được biết đến với mép lá gợn sóng.

Theo Thai PBS World, nhu cầu mua cây kiểng nói chung và kiểng lá nói riêng nở rộ ở Thái Lan trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, đẩy giá của chúng tăng vọt.

Hồi tháng 09/2021, một người đàn ông 41 tuổi đến từ thủ đô Bangkok đã đồng ý bán cây chuối musa siam ruby có những chiếc lá loang lổ của mình cho một nhà sưu tập 50 tuổi ở tỉnh Rayong với giá 10 triệu baht (310.270 USD). Cây chuối này cao 150cm và có 7 lá; màu đỏ ruby lấp lánh trên mỗi chiếc lá cho thấy nó rất quý hiếm.

Nông dân nhiều nước làm giàu từ kiểng lá - Ảnh 1.
Những cây chuối musa siam ruby trong vườn ươm của ông Voravuth Ảnh: THAI PBS WORLD

Ông Voravuth Kunghae, chủ sở hữu vườn ươm chuối musa siam ruby, cho biết ông đã bán được 15 chồi mầm hồi tháng 09/2021 với giá 250.000 baht (7.757 USD)/chồi mầm, đồng thời thừa nhận không nhân giống kịp để bán. "Một số loài thực vật có nhiều màu rất quý hiếm vì số lượng của chúng ít. Các yếu tố như quý hiếm, đẹp, lai tạo và nhân giống đóng vai trò chính trong cơ chế định giá" - ông Voravuth nhận xét.

Nếu được chăm sóc thích hợp, một cây chuối musa siam ruby sẽ sống 2 - 3 năm và tạo ra khoảng 50 chồi mầm mỗi năm, giúp chủ sở hữu nhanh chóng lấy lại vốn và sinh lời. Ông Voravuth từng mua một cây chuối musa siam ruby với giá 1.500 baht (46,55 USD) vào tháng 12/2020. Khoảng 3 tháng sau, ông bán nó với giá 150.000 baht (4.655 USD).

Xu hướng trồng kiểng lá còn được thúc đẩy bởi những người nổi tiếng. Theo ông Voravuth, khi nữ diễn viên Thái Lan - Na Uy Urassaya Sperbund (nghệ danh Yaya) đăng tải bức ảnh đang chăm sóc một cây kiểng lá họ alocasia macrorrhizos lên mạng xã hội Instagram, giá của loại cây này tăng vọt.

Ông Voravuth tin rằng thị trường thực vật sẽ tiếp tục phát triển mạnh, thể hiện qua việc ngày càng có nhiều thành viên của các cộng đồng thực vật trực tuyến. Ông khuyên những người mới tham gia tự trang bị kiến thức cơ bản, học tập và nghiên cứu, đặc biệt là đừng mua cây đắt tiền chỉ vì muốn "khoe mẽ" trên mạng xã hội.

Tại Singapore, nhiều người cũng bắt đầu săn lùng và chi tiền không tiếc tay để sở hữu những cây kiểng lá quý hiếm từ đầu năm 2020, theo đài CNA. Một cây kiểng lá họ philodendron spiritus-sancti từng được vườn ươm Candy Floriculture ở Thomson - Singapore bán với giá 40.000 SGD (29.704 USD) hồi tháng 06/2021. Một số vườn ươm và chợ thực vật trực tuyến ở Singapore bán các loại cây kiểng lá khác với giá dao động từ 15.000 - 42.000 SGD (11.142 - 31.196 USD).

Đáng chú ý, vườn ươm Greenfingers ở Lim Chu Kang bán cây lan hổ khổng lồ (grammatophyllum speciosum) có đường kính hơn 4m với giá lên tới 45.000 SGD (33.416 USD). Trên thị trường, nó có thể được bán với giá 54.380 SGD (40.389 USD).

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất