, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/11/2022, 19:00

Nông dân nuôi cá sấu Thái Lan nỗ lực bảo vệ cá sấu hoang dã

QUANG MINH
(theo AP)
Một đề nghị mới của nông dân nuôi cá sấu Thái Lan để bảo vệ đàn cá sấu hoang dã đang bị giảm số lượng, là nới lỏng các quy định mua bán cá sấu để kích cầu các sản phẩm từ cá sấu nuôi giữ.
Cá sấu Xiêm nuôi trong trại ở Thái Lan. Ảnh: AP

Trong tuần tới, nhân hội nghị của 184 quốc gia thành viên Công ước Quốc tế về Mua bán các loài Động, Thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) tại Panama, Thái Lan sẽ đề xuất nới lỏng các quy định mua bán cá sấu Xiêm (còn gọi là cá sấu Thái Lan, cá sấu nước ngọt).

Cụ thể người Thái sẽ đề nghị đổi cá sấu Xiêm từ Phụ lục I - là danh mục những loài động, thực vật hoang dã đã bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất nhập khẩu - sang Phụ lục II - là danh mục những loài động, thực vật hoang dã chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không kiểm soát việc xuất - nhập khẩu, tái xuất, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại. 

Yosapong Temsiripong, chủ tịch Hiệp Hội Trang trại Nuôi Cá sấu Thái Lan và là chủ trại Sriracha Moda, nói đề xuất của Thái Lan sẽ giúp vực dậy ngành này, cho phép dễ dàng xuất khẩu thịt cá sấu sang các nước khác như Trung Quốc. Quan trọng hơn là xuất khẩu da cá sấu cho các thương hiệu thời trang lớn của nước ngoài (để họ may túi xách tay, giày). 

Các quy định được nới lỏng sẽ giúp Thái Lan cạnh tranh với Mỹ, Úc và Zimbabwe - những nhà xuất khẩu lớn các loài cá sấu không nằm trong Phụ lục I. 

Ông Yosapong nói: “Trong hai năm qua, lúc xảy ra dịch COVID-19, ngành cá sấu bị tác động mạnh vì du lịch là nguồn thu nhập chính của chúng tôi. Vì không có khách du lịch đến Thái Lan, hoạt động của chúng tôi bị tác động lớn. Mảng xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Chúng tôi hy vọng nếu có thể chuyển cá sấu Thái Lan từ Phụ lục I sang Phụ lục II, chúng tôi có thể tiến vào các thị trường khác, qua đó các sản phẩm của chúng tôi sẽ được các thương hiệu toàn cầu đón nhận”. 

Ngành kinh doanh sản phẩm cá sấu từng đạt doanh số bán 200 triệu USD hàng năm, nhưng đã giảm gần 90% trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Để đối phó, ngành này đang quảng bá hai giải pháp song hành với hy vọng sẽ có lợi cho chính họ cũng như cho cá sấu.

Ngoài việc đề xuất nới lỏng các quy định nghiêm ngặt trong mua bán quốc tế các sản phẩm từ cá sấu, ngành này cũng đã nỗ lực gầy dựng lại đàn cá sấu Xiêm trong hoang dã. 

Dù ngành cá sấu có cội rễ là bắt cá sấu hoang, người nuôi và người bán đều nói: một ngành kinh doanh nông nghiệp được quản lý tốt và thành công có thể giúp tái gầy dựng bầy đàn cá sấu hoang. 

Người ủng hộ việc nới lỏng các quy định mua bán tin rằng cách nuôi thành công đàn cá sấu Xiêm ở các trang trại có nghĩa không còn phải tốn kém trong việc săn bắt chúng trong tự nhiên. 

Ước tính chỉ còn khoảng 100 cá sấu Xiêm sống trong hoang dã ở Thái Lan, nên về mặt kỹ thuật thì loài bò sát này đang trên đường tuyệt chủng. 

Nhân công kiểm tra chất lượng da cá sấu Xiêm. Ảnh: AP

Trong khi đó, nhà nông nuôi cá sấu đang nuôi giữ hàng triệu con nhưng cũng không tăng được thu nhập. Các sản phẩm từ cá sấu từng là một thị trường béo bở thu hút khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan, nhưng dịch COVID-19 đã tàn phá việc kinh doanh các sản phẩm từ cá sấu đến độ gần như ngưng hẳn hoàn toàn. 

Cá sấu Xiêm hoang dã từng có nhiều ở các dòng sông chảy chậm, suối hồ Thái Lan, Lào và Campuchia. Chúng bị giảm số lượng vào cuối những năm 1990 do nạn săn bắn - mua bán không kiểm soát, và do sự phát triển kinh tế khiến nơi ở của chúng bị thu nhỏ. Có thông tin rằng chỉ còn khoảng 400 cá sấu Xiêm sống trong hoang dã, đa số ở Campuchia. 

Việc quảng bá trang trại thương mại và bảo tồn cá sấu là hai mục tiêu có thể tương thích, theo Bancha Sukkaew, một quan chức Bộ Ngư nghiệp Thái Lan. 

Ông nói: “Cá sấu Thái Lan vẫn được bảo tồn. Những sản phẩm từ cá sấu bán ra xuất khẩu phải là từ các trại nuôi. Như thế, chúng tôi có thể bảo đảm việc mua bán sẽ chỉ được thực hiện tại các trại nuôi. Bên cạnh đó, chúng tôi có các kế hoạch quản lý các khu bảo tồn, và hàng năm đều có phê chuẩn các kế hoạch thả cá sấu vào hoang dã”. 

Ông còn cho biết: chính phủ Thái Lan đã cam kết bảo vệ đàn cá sấu hoang, với các kế hoạch tăng đàn từ 100 con cá sấu Xiêm lên 200 con trong 10 năm tới. 

Theo AP, trước đây đã có những đề xuất nới lỏng quy định mua bán cá sấu Xiêm, nhưng đều bị bác.

Steven Platt, một nhà nghiên cứu bò sát ở Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã (Mỹ) nói, cần phải làm nhiều việc nữa để bảo tồn cá sấu Xiêm trước khi mở cửa cho mua bán. Các nỗ lực này nên gồm một chương trình thả về tự nhiên thật nhiều cá sấu. 

Ông nói hai nước láng giềng của Thái Lan là Campuchia và Lào đang nỗ lực tăng đàn cá sấu hoang dã bằng chương trình thả về tự nhiên định kỳ. Hai nước này được cho là hiện có đàn cá sấu ổn định, trong khi Thái Lan không có, theo một số chuyên gia cho biết. Từ năm 2006 đến 2019, Thái Lan chỉ thả 50 con cá sấu về tự nhiên, quá nhỏ so với Lào vốn riêng năm 2022 đã thả khoảng 70 con. 

“Thái Lan có nhiều công viên quốc gia, những khu bảo tồn thực sự hiệu quả. Họ giỏi quản lý - điều hành, có các nhà khoa học, nhân viên thực hiện. Thái Lan có nhiều tiềm năng dẫn đầu trong việc bảo tồn cá sấu Xiêm. Nhưng mà chúng tôi chưa ghi nhận được sự phát huy tiềm năng đó”, nhà nghiên cứu bò sát Platt kết luận.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất