, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 10/03/2022, 12:50

Nông dân thường mua lén thuốc sâu lậu ở đâu?

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG - QUANG DŨNG
(nongnghiep.vn)
Mang câu đó tôi hỏi nhiều nông dân thì họ đều cười và đáp: “Việc gì phải mua lén? Cứ bảo là đại lý đem ra ngay, dễ như mua con cá, mớ rau vậy!”

Cuộc chiến không chỉ của ngành nông nghiệp

Kết thúc cuộc kiểm tra nhanh trên cánh đồng rau của xã Nguyên Giáp, với đám vỏ bao thuốc trừ sâu, diệt chuột của Tàu, nhập lậu trên tay anh Nguyễn Minh Thắng - cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dươngcho biết: “Thường những đối tượng sâu bệnh nào khó đánh thì người dân mới phải tìm đến thuốc ngoài luồng, phải thay đổi thuốc liên tục như trị con sâu tơ chẳng hạn. Hiện tượng thuốc bảo vệ thực vật lậu xuất hiện phổ biến ở đây là đáng lo ngại bởi không rõ nguồn gốc, không ai kiểm định chất lượng của chúng ra sao, mức độ độc hại thế nào.

Dùng chúng, thứ nhất là ảnh hưởng đến môi trường; thứ hai là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người phun; thứ ba là ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, nhất là trên những cây rau ngắn ngày, khi đưa ra thị trường sẽ gây hại cho người sử dụng. Thêm vào đó, tất cả bao bì của thuốc lậu đều không có hướng dẫn bằng tiếng Việt nên bà con không biết sử dụng ra sao mà chỉ nghe theo khuyến cáo của đại lý dẫn đến dùng sai. Ngoài chai sâu tơ của Tàu xuất hiện khá nhiều, ở đây còn rải rác có vỏ thuốc chuột của Tàu và một số loại thuốc lậu khác gây nguy cơ cao cho người sử dụng...”

 Anh Nguyễn Minh Thắng - cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ đang kiểm tra một chai thuốc sâu lậu ở xã Nguyên Giáp. Ảnh: Dương Đình Tường.
Anh Nguyễn Minh Thắng - cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ đang kiểm tra một chai thuốc sâu lậu ở xã Nguyên Giáp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo anh Thắng, khi đi kiểm tra đồng ruộng ở các vùng trồng rau khác trong huyện, thỉnh thoảng thấy vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật lậu nhưng mật độ ít hơn ở xã Nguyên Giáp. Trên địa bàn Tứ Kỳ có khoảng trên 100 đại lý thuốc bảo vệ thực vật, mỗi năm cơ quan chuyên môn tổ chức 2 - 3 đợt thanh tra liên ngành để quản lý nhưng thời gian gần đây do tình hình dịch Covid 19 nên khó tổ chức hơn.

3 - 4 năm về trước, đoàn từng phát hiện thuốc bảo vệ thực lậu bày bán ở xã Hưng Đạo và xử phạt nhưng gần đây không thấy nữa. Còn trên ruộng đồng vẫn xuất hiện thuốc lậu bởi đại lý không bày công khai ở cửa hàng nữa mà giấu kín, khi có người hỏi mới đem ra bán chui…

Thiết nghĩ, để giảm bớt được vấn nạn này các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các lực lượng như công an, quản lý thị trường chứ không phải mỗi trách nhiệm của ngành nông nghiệp.

Một nông dân đang phun thuốc cho ruộng bắp cải. Ảnh: Dương Đình Tường.
Một nông dân đang phun thuốc cho ruộng bắp cải. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi lại hỏi nông dân về cách thức, địa điểm họ thường mua thuốc bảo vệ thực vật lậu. Phần lớn đều cười và bảo rất dễ dàng. Anh Lê Văn Hậu một nông dân ở thôn Lĩnh Thượng xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Toàn tự mình kê đơn, tự mình đi mua từ các đại lý trong vùng, dùng quen gì thì đánh như thế chứ người ta bán hàng mách cho nhiều loại lắm. Thuốc sâu nội đánh đắt hơn thuốc sâu Tàu nhưng dù dùng loại gì thì mình lâu lâu cũng phải đổi.

Vợ chồng tôi làm gần 2 mẫu rau, cứ phun thuốc theo định kỳ, hễ thấy có sâu là đánh, tính ra mỗi lứa bắp cải 2,5 tháng chi phí hết khoảng 700.000 đồng tiền thuốc. Tôi có tham gia chương trình VietGAP 7 năm nhưng trục trặc lắm nên đã thôi 3 năm nay. Dân thì bận mà quy trình VietGAP làm rất phức tạp trong khi giá bán sản phẩm không hơn gì so với cách làm bình thường, đành phải bỏ. Trước tôi còn tham gia cả chương trình tập huấn về cách làm rau an toàn của JICA (Nhật Bản) 6 - 7 năm cũng bỏ nốt, giờ tự bán kiểu trôi nổi, đắt bán đắt, rẻ bán rẻ”.

Cũng tương tự như thế, chị Lê Thị San một nông dân ở làng Mễ Hạ, xã Yên Phú cho biết: “Tôi chẳng tham gia vào chương trình VietGAP gì cả, đại lý bảo đánh như thế này là chết thì mình cứ đánh thế thôi. Thuốc Tàu loại nào khi phun cũng mệt, cũng nặng mùi nhưng miễn sao chết sâu, đi bọ nhảy là được. Nhà tôi có 7 - 8 sào ruộng, mỗi năm tốn nhiều vô kể tiền mua thuốc, hơn 10 triệu không đủ đâu. Tôi thường mua thuốc cả quán trong làng Mễ Hạ lẫn quán ở làng Bình Phú cùng xã”.

Một nông dân ở xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đang đấu nhiều loại thuốc vào để phun cho rau. Ảnh: Dương Đình Tường.
Một nông dân ở xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đang đấu nhiều loại thuốc vào để phun cho rau. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thuốc rất độc, dân biết nhưng vẫn dùng

Một người bảo nhỏ với tôi rằng: “Muốn chứng kiến cảnh bán thuốc, chú cứ ra cửa hàng giữa làng Mễ Hạ là thấy người ta mua thuốc Tàu tấp nập thế nào”. Trên đường đi, tôi thấy chị Nguyễn Thị Mến đang mải miết đạp xe với túi thuốc bảo vệ thực vật lủng lẳng ngay trong giỏ. Vẫy chị dừng lại, không có gì khó để tôi nhận ra trong 3 loại đó có 2 loại thuốc Tàu vì toàn là chữ tượng hình.

Chị chỉ luôn: “Lọ thuốc Tàu này để đánh sâu, lọ thuốc Tàu này để đánh bọ nhảy. Hôm tôi đánh thế này, hôm lại đánh thế khác, cứ đánh vài lần không thấy chết nhiều lại phải chuyển thuốc. Lúc đầu tôi mua là do người bán thuốc sâu bảo, về sau khi đã quen dùng rồi chỉ cần ra nói đánh cả sâu lẫn bọ nhảy là người ta đưa cho thôi. Nhà tôi có 5 sào rau, phun 3 loại này hết 70.000 - 80.000 đồng/bình nhưng nếu có nhiều sâu phải mất gần 100.000 đồng/bình”...

Chị Nguyễn Thị Mến đang cầm trên tay hai lọ thuốc sâu Tàu, nhập lậu chuẩn bị đi phun. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chị Nguyễn Thị Mến đang cầm trên tay hai lọ thuốc sâu Tàu, nhập lậu chuẩn bị đi phun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn anh Vũ Văn Thuấn - một nông dân ở thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên TP Hải Dương thì bảo: “Thuốc Tàu chúng tôi mua ở các đại lý trong vùng, họ cũng để ngay trong quầy, hỏi mua là bán. Dù khi phun thuốc Tàu có mùi rất khó chịu nhưng quan trọng là nó trị được sâu ngay từ đầu. Muốn có hiệu quả kinh tế thì rau phải đẹp mới bán được, đành chấp nhận chịu mùi thôi. Chúng tôi ngoài làm nông ra không biết làm nghề gì khác cả...”.

“Có lần tôi đi mua thuốc ở một cửa hàng được cấp phép hẳn hoi, chỉ mươi phút mà có mấy người đến mua thuốc lậu. Họ chỉ nói bán cho tôi lọ thuốc Tàu (không biết tên thuốc là gì) thế là đưa ra thôi. Người bán thường chỉ bày ra vài lọ để nếu bị phạt thì cũng không mất nhiều tiền. Còn nông dân chỉ thấy phun vào sâu chết lăn ra, rau sạch vết là thích và thường trộn nhiều loại với nhau để đánh một lần cho bớt công phun”.

Cận cảnh những lọ thuốc trừ sâu Tàu, lậu của chị Nguyễn Thị Mến. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cận cảnh những lọ thuốc trừ sâu Tàu, lậu của chị Nguyễn Thị Mến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Độ mẫn cảm với các thành phần của thuốc Tàu còn tùy thuộc  vào cơ địa, có người bị đau đầu hết cả ngày sau khi phun vài bình, kẻ lại không. Những ai mẫn cảm sẽ dừng lại ngay, nhưng những ai không mẫn cảm vẫn phun bừa chỉ vì thấy nó hiệu quả ngay mà không chịu tìm nguồn thuốc khác, vẫn hiệu quả mà ít độc hơn, được phép sử dụng trên rau màu.

Thuốc sâu lậu tuy có rẻ hơn, chỉ 180.000 đồng/lọ cho 8 bình tương đương 22.500 đồng/bình, so với thuốc sinh học 30.000 đồng/bình nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, tính ra lại thành đắt. Đó có thể là độc cấp tính, thường có mùi rất khó chịu để cảnh báo, tác động ngay lập tức đối với người phun nhưng giờ nhiều nông dân đã bắt đầu ý thức hơn nên ít còn sử dụng. Đó có thể là độc mãn tính, ít mùi nhưng gây hại từ từ mà người phun thuốc, người sử dụng nông sản không hề biết. Theo thời gian hóa chất dần mới ngấm vào cơ thể, gây ra những bệnh hiểm nghèo mà khi phát hiện ra thường đã là quá muộn.

Những vỏ bao thuốc trị bọ nhảy Tàu, nhập lậu tìm thấy trong một túi rác ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Dương Đình Tường.
Những vỏ bao thuốc trị bọ nhảy Tàu, nhập lậu tìm thấy trong một túi rác ở xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cầm thử chai thuốc trị sâu Tàu, nhập lậu tôi tra tên hoạt chất, thấy đó là Cypermethrin, thường sử dụng trong trừ sâu, diệt ruồi, muỗi, kiến, gián. Nó thuộc nhóm độc độ II, thời gian cách ly rất lâu nên không khuyến cáo để sử dụng trên rau. Nếu sử dụng liên tục dễ hình thành nên tính kháng thuốc, bộc phát dịch hại vì diệt côn trùng phổ rộng, giết cả côn trùng có lợi cũng như có hại, đặc biệt là rất độc với ong và cá do vừa tác động thần kinh, vừa gây xuất huyết, hoại tử, teo nhân trên một số cơ quan như não, gan, thận, mang…

Những lọ, vỏ bao thuốc dùng xong phần đốt, phần vứt ngay xuống mương máng, trôi thành từng đám. Trên cánh đồng làng một người đàn ông đang dùng kích điện đánh những con cá rô phi giữa các “bè” được kết bằng lọ thuốc trừ sâu, trừ cỏ ấy. Anh nói với tôi giữa tiếng xè xè của luồng điện cực mạnh phóng thẳng vào nước: “Cá này tôi chỉ đánh về cho chó mèo chứ ô nhiễm thế này người cũng không dám ăn đâu”.

Các địa phương giờ đang tuyên truyền về áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp nhưng những cảnh tượng như trên buồn thay vẫn còn thấy rải rác ở một số nơi. Đảm bảo an toàn cho người nông dân, cho người tiêu dùng và cho môi trường sinh thái là điều cơ bản nhất cần phải thực hiện lúc này thì hầu như không mấy ai chịu quan tâm, xử lý cho thật thấu đáo.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất